Theo tìm hiểu của PV, nơi chàng Châu Chấu (nick name của chủ nhân clip luận về giáo dục gây tranh cãi) đang theo học là lớp 12 một trường THPT phía Bắc.
Trường THPT nơi Châu Chấu đang theo học (Ảnh: Văn Chung) |
“Mong muốn tiếng nói của mình góp phần mang đến sự thay đổi nào đó” nhưng do thời gian cuối năm phải tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH nên Châu Chấu không muốn xuất hiện trên báo chí.
Trao đổi với PV, hiệu trưởng trường nơi cậu bạn đang theo học cho biết: “D. (tên của Châu Chấu – PV) là học sinh khá. Em ít tham gia các hoạt động đoàn đội. Về tính cách của D. cởi mở, hòa đồng với mọi người và không có gì đặc biệt”.
Dù vậy, vị hiệu trưởng không quá bất ngờ trước khả năng hùng biện của D. được nhiều người nhận xét là tốt.
“Trong trường, học sinh của chúng tôi cũng quen với cách làm việc nhóm. Hơn nữa mỗi học sinh đều có những tiềm năng mà nhiều khi các em không có “đất” để thể hiện thôi” – hiệu trưởng này phân tích.
Vị lãnh đạo cũng thừa nhận: “Mạng Internet là nơi các em không có rào cản nào nên em đã lựa chọn để nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình về nền giáo dục Việt Nam. Điều này đôi khi là khó nếu em trình bày trên một diễn đàn hay hội nghị nào ngoài đời bởi phải tuân theo những chuẩn mực nhất định”.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng: “Hành động của D. do em thấy cần thiết phải nói lên suy nghĩ của mình. Nếu trường biết trước chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cho em bày tỏ ý kiến nhưng có lẽ không phải qua cách này”.
Một điểm khiến vị hiệu trưởng lo lắng đã không xảy ra. “Sau clip chúng tôi đều hồi hộp chờ đợi những bình luận của mọi người. Tuy nhiên, phần đông đều sẻ chia với nỗi niềm của em”.
Nhận xét về những điều Châu Chấu nói trên clip, hiệu trưởng cho biết: “Ý kiến của em là đáng trân trọng. Bản thân tôi mừng vì những điều em đã làm. Mỗi người như chúng tôi đều phải suy nghĩ khi xem clip để nhìn nhận lại những gì trò cần, mong muốn ở thầy cô”.
Dù còn những điểm mà cô trò cần ngồi lại với nhau nhưng vị hiệu trưởng cũng chung suy nghĩ với Châu Chấu rằng nhiều học sinh ngày nay không xác định được việc học để “cho mình hay cho ai đó, phải thúc ép mới học. Rồi chuyện trò ngày nay gặp nhiều áp lực, phải học thêm quá nhiều....”
Theo Vietnamnet