Phóng sinh hay từ thiện?
Một chiều hè tháng 5, tại khu vực ven sông xã Hồng Lĩnh ( huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), người dân lấy làm nghi ngờ khi bắt gặp một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại, chở hai bao dứa đầy trên xe máy ra ven sông đổ. Lại gần, người dân lấy làm ngạc nhiên khi phát hiện thứ người đàn ông vừa đổ xuống chính là cua đồng còn sống, thức vẫn để nấu canh rau mùa hè. Thấy vậy, họ hỏi người vừa đổ thì được trả lời: “Có một người Trung Quốc thuê tôi đổ để phóng sinh”.
Chuyện tưởng sẽ chỉ xảy ra một lần, chỉ vài ngày sau, lại một đám trẻ bê từng bao cua đồng tươi ra đổ xuống sông. Thấy lạ, nhiều cụ già hỏi thì được đám trẻ trả lời: “Ai đó thuê bọn cháu đổ xuống sông để phát cho người nghèo đấy ạ!”. Chuyện phóng sinh cua đồng, từ thiện cua đồng ở sông nhanh chóng lan truyền khắp làng trên xóm dưới.
Chẳng biết hỏi ai, mấy bạn sinh viên trong làng về nghỉ hè liền hỏi qua tổng đài và mạng xã hội thì được trả lời: “Đây là tục phóng sinh của người Hoa”. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và linh cảm mách bảo, nhiều bác, cô trong làng rỉ tai nhau dặn dò đề phòng thức ăn không rõ nguồn gốc…
Chị Nguyễn Thị Nh. ( 49 tuổi, người địa phương) cho hay: khi chị ra sông bắt cua như mọi ngày thì lấy làm ngạc nhiên vì ngay dưới bờ, từng mớ cua đồng quấn trọn lấy nhau như một búi, chưa rời.
Lúc đó, chị đã nghĩ, sao hôm nay lại lắm cua đồng đến thế liền rủ mấy chị em trong thôn ra bắt. Về tới nhà, nghe mọi người kháo nhau chuyện cua Trung Quốc thả, chị lo ngại nên đổ hết nồi canh vừa nấu chưa kịp ăn. Giờ nghĩ lại, chị thấy đúng là có sự bất bình thường ở đây. Từ ngày đó, cả làng xã ai cũng mách nhau đừng ra sông vớt cua đồng vì sợ lại gặp phải cua thả nhiễm độc như gừng tươi.
Theo anh Ch. cua đồng Trung Quốc hai gọng màu xanh chứ không vàng cháy như cua mình
Cũng chuyện cua đồng, anh Phạm Văn Ch. (50 tuổi, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cho hay: cách đây chừng 1 tuần, trên chuyến xe khách từ Móng Cái về Cầu Rào ( Hải Phòng), anh lấy làm ngạc nhiên khi thấy cua đồng từ trong bao dứa của thương lái bò lổm ngổm dưới sàn xe.
Vốn là dân hay đi câu cá, bắt cua đồng, anh Ch cầm một con cua lên ngắm nghía. Thoạt nhìn, cua đồng Trung Quốc chẳng khác cua đồng ta. Ngoại trừ phần bụng cua có màu vàng cáu, hai gọng màu xanh, mai cua xám. Thấy lạ vì Hải Phòng đâu có thiếu cua, anh Ch tò mò hỏi chị thương lái đang chạy vơ cua vào bao thì được biết: “Cua Trung Quốc nuôi nhiều, bán rẻ hơn ở mình nên buôn về bán”.
Cẩn trọng vẫn không thừa
Cua đồng sinh sản quanh năm, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, hạ, thu nên có thể thả giống quanh năm. Vì lẽ đó, nhiều địa phương đã triển khai mô hình nuôi cua trong ao, ruộng và cả trên cạn. Cua đồng được nuôi nhiều ở Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Hòa Nam (Trung Quốc). Tại khu vực Móng Cái, chuyện cua đồng buôn về bán không có gì lạ, vì cua đồng Trung Quốc sẵn có và rẻ hơn nhiều so với giá cả tại Việt Nam.
Cua đồng nuôi ở Việt Nam có màu sắc nâu vàng. Nguồn ảnh: Thuysanvietnam
Cách đây hai năm, cua đồng từng bị nghi vấn nuôi bằng chất thải y tế tại các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và tỉnh Thái Bình, sau đó được vận chuyển và tiêu thụ trong nội thành. Việc nghiêm trọng đến nỗi, lúc đó, giám đốc Sở Y tế thành phố - ông Phan Trọng Khánh đã phải yêu cầu nhân viên kiểm tra ngay việc xử lý rác thải tại các bệnh viện, cơ sở, trung tâm y tế trên toàn địa bàn Hải Phòng, đặc biệt tại các huyện An Lão, Vĩnh Bảo…
Kết quả cho thấy, các cơ sở y tế đã thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý rác thải. Công ty Môi trường đô thị thành phố cũng đã hợp đồng với các bệnh viện xử lý khá triệt để các loại rác. Theo đó, Sở Y tế cũng đã khẳng định, không có chuyện cua đồng ở Hải Phòng được nuôi bằng chất thải y tế.
Theo một người dân Hải Phòng làm ăn tại Móng Cái, thì ở Trung Quốc (địa phận giáp ranh với Móng Cái, Quảng Ninh -PV) có rất nhiều hộ nuôi cua đồng trên diện rộng. Hầu hết cua đồng đang bán ở Việt Nam đều mang từ Trung Quốc về.
Phần vì cua sẵn, phần vì giá rẻ nên thương lái xuôi lên đây, hầu hết đều lấy hàng về bán mà không cần cảnh giác chất lượng cua. Chị M.P (quận Hải An, Hải Phòng) cho hay: "Khoảng 1 tuần trở lại đây, nhà có nấu canh cua ăn thì phát hiện có mùi như ám khói, hắc làm cả nhà ai cũng bỏ, không dám ăn.
Giờ thấy nhiều người nói chuyện cua đồng Trung Quốc thuê người quê thả, tôi nghĩ lại thấy lo lo. Ngay như gừng họ cũng không buông tha, nói gì tới canh cua, thứ mà các bà nội trợ đều hay chọn mua cho bữa ăn gia đình dịp hè. Giờ cả nhà tôi đã không dám ăn cua đồng nữa rồi".
Thời gian gần đây, mạng truyền thông cũng đã lên tiếng cảnh báo liên tục tình trạng thực phẩm, hàng nông sản Trung Quốc gây độc hại cho người tiêu dùng.
Mỗi ngày qua đi lại có thêm một vụ thực phẩm bẩn, độc hại được phanh phui. Sau gừng tươi nhiễm khuẩn, người tiêu dùng thực sự choáng váng mỗi khi ra chợ lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Giờ, thêm mối nghi ngờ về cua đồng Trung Quốc - thức ăn ai cũng tin tưởng chất quê 100% - chắc chắn người tiêu dùng không tránh khỏi sốc.
Những “sát thủ giấu mặt” cứ hàng ngày hàng giờ xuất hiện trong mỗi bữa ăn của mỗi gia đình. Không chỉ thực phẩm mà cả những hàng hóa rẻ tiền, chất lượng kém, phát hiện có chất độc của Trung Quốc cũng đang làm nhiễu loạn thị trường thế giới.
Cho dù chưa có sự vào cuộc tìm hiểu làm rõ của các cơ quan chức năng về việc đổ cua đồng xuống sông nhằm mục đích gì hay cua đồng đó đến từ đâu, song trước những thông tin của dư luận quần chúng, các cơ quan chức năng không thể thờ ơ.
Việc xác minh làm rõ vấn đề trước mắt nhằm ổn định dư luận, tình hình an ninh nông thôn cũng như kiểm soát được những mối nguy hiểm tiềm ẩn đến từ thực phẩm, nông sản nhập vào Việt Nam, nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân.
Theo Giadinh