CSGT hiện nay chỉ dẫn đường, hộ tống cho các đoàn khách công vụ, ngoại giao, trong khi ngành du lịch cũng đang rất cần - Ảnh: Khả Hòa |
Nhu cầu sử dụng lực lượng mở đường cho các đoàn khách du lịch hoặc các sự kiện quan trọng tại VN đang ngày càng trở nên bức thiết. Có cung ắt có cầu, hiện nay gần như các công ty vệ sĩ đều có dịch vụ hộ tống, mở đường, dẫn đoàn mặc dù không được phép chính thức.
Theo các thông báo giới thiệu dịch vụ của các công ty vệ sĩ, mức giá cho việc hộ tống mở đường phổ biến từ 300.000 đồng/xe/giờ, trong đó sẽ bao gồm có các công cụ hỗ trợ như roi điện, súng điện, súng bắn đạn cao su, xe mô tô từ 250 cc - 1.800 cc…
"Những đoàn khách quan trọng nếu họ yêu cầu cần được dẫn đường thì cũng nên cho phép CSGT hỗ trợ. Trong trường hợp không muốn gây hiểu lầm với những đoàn khách được CSGT dẫn đường là khách ngoại giao, nguyên thủ quốc gia, thì cho phép các câu lạc bộ mô tô phân khối lớn tham gia như một dịch vụ có thu phí". Ông Nguyễn Văn Mỹ Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt |
Điều đáng nói là việc hộ tống này sẽ gây tác động đến tình trạng giao thông và nhiều hệ quả khác nếu không được cơ quan nhà nước cho phép và không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Anh V.Đ, ngụ tại Q.11 (TP.HCM) kể: “Hình ảnh các đoàn mô tô hộ tống không phải là CSGT xuất hiện ngày càng nhiều. Có lần tôi thấy ba chiếc xe mô tô rú còi dẹp đường cho hai chiếc xe hơi chạy ra hướng sân bay. Lúc đó tầm 6 giờ chiều đường rất đông, nên hình ảnh dẹp đường không đúng chức năng đó đã gây ác cảm cho người đi đường”.
"Loại hình này ở VN chưa có”
Theo quy định hiện nay, ngoài lực lượng CSGT thì việc dẫn đoàn xe ưu tiên được phân công cho Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an), lực lượng kiểm soát quân sự thuộc Bộ Tư lệnh các quân khu dẫn đoàn xe ưu tiên theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, trong các sự kiện thể thao, giải trí như các cuộc đua xe đạp cúp truyền hình hằng năm thì các câu lạc bộ mô tô, công ty dịch vụ bảo vệ được huy động để phối hợp cùng CSGT bảo vệ, đưa, dẫn đoàn đua.
Tuy nhiên, các câu lạc bộ, công ty dịch vụ bảo vệ chỉ được thực hiện việc này khi có quyết định huy động của UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trở lên.
Ông Phạm Trường Hổ, Tổng giám đốc Công ty ô tô Phạm Gia, quản lý diễn đàn xe hơi otophamgia.com, cho biết: “Hiện nay ở các nước xung quanh như Campuchia, Thái Lan... dịch vụ cảnh sát hộ tống mở đường cho các đoàn xe du lịch, đoàn xe caravan di chuyển được thực hiện rất tốt. Trong khi đó tại VN thì dịch vụ này còn hạn chế. Do đó khi cần đến dịch vụ hộ tống thì có thể nhờ đến các đội mô tô của các địa phương.
Tuy nhiên, phải nói thẳng là chất lượng và kỹ năng của các đội này thiếu chuyên nghiệp, trừ một vài đội cá biệt như Hội Mô tô Q.1 (TP.HCM). Do đó đến lúc nhà nước cần quan tâm để xây dựng một đội ngũ hộ tống hợp pháp, linh hoạt và chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là khi khách du lịch nước ngoài đến VN ngày càng nhiều và việc tổ chức các chuyến du lịch khám phá bằng xe ô tô (caravan) cũng phổ biến hơn”.
Ông Đỗ Minh Hồ Hải, quản lý diễn đàn otosaigon.com, cũng chia sẻ: “Phải nhìn nhận rằng dịch vụ hộ tống cho đoàn xe ở các nước rất thuận lợi. Ví dụ như tại Campuchia chỉ cần trả phí 1.000 - 2.000 USD là đã được cảnh sát hộ tống suốt hành trình. Tại Thái Lan hay Lào cũng vậy.
Còn ở VN thì khi cần vẫn có thể liên hệ được đội cảnh sát mở đường nhưng chi phí cao hơn và thủ tục cũng nhiều bước hơn. Ví dụ như để xin phép hộ tống cho đoàn caravan siêu xe mới đây thì chúng tôi phải xin giấy phép của Tổng cục Du lịch, Cục Đường bộ, rồi họ mới chuyển công văn đến công an các tỉnh mà đoàn đi qua. Nói chung tùy tính chất vụ việc vẫn xin phép được nhưng chi phí rất cao. Do đó thiết nghĩ cần tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ này, cần xã hội hóa công tác hộ tống, mở đường để nâng chất lượng”.
Ông Võ Nguyễn Đăng Khoa, quản lý diễn đàn xe hơi VN, cũng nói: "Loại hình này ở VN chưa có và tôi đề xuất áp dụng mô hình giống như nước ngoài bởi vì hộ tống mở đường là một nhu cầu của xã hội và ngày càng phổ biến". Ngoài ra, dịch vụ này hứa hẹn sẽ giải quyết được nhiều việc làm và thu được nhiều ngoại tệ.
Thiếu dẫn đường, phải gửi xe ở ngoại ô
Công an từ chối... Trao đổi với PV về việc lực lượng CSGT TP.HCM tạm giữ phương tiện dẫn đoàn Nick Vujicic (Báo Thanh Niên ra ngày 26/5 đã thông tin), ông Lê Phụng Hào, cố vấn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen kiêm Trưởng ban Tổ chức sự kiện Nick Vujicic tại VN, cho biết rất nhiều công việc có liên quan phải sử dụng dịch vụ (an ninh, hậu cần…) từ bên ngoài; riêng chi phí thuê bảo vệ cho Nick trong thời gian diễn thuyết ở VN gần 1 tỉ đồng. Trong hợp đồng thuê bảo vệ có quy định công ty bảo vệ có trách nhiệm làm việc với các cơ quan chức năng, đưa ra phương án bảo vệ tốt nhất và tuân thủ đúng các quy định hiện hành của nhà nước. “Chúng tôi cũng có làm việc với bên công an, đề nghị có xe dẫn đoàn để đảm bảo an toàn, vì làm như thế cũng góp phần tạo hình ảnh tốt về VN đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, phía công an cho rằng Nick không thuộc diện được lực lượng chức năng dẫn đường nên trong quá trình di chuyển, ban tổ chức phải nhờ vào lực lượng bảo vệ. Có lẽ vì áp lực thời gian quá lớn và sự chủ quan của các bảo vệ nên mới xảy ra sự cố như vậy”, ông Hào nói. |
Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, đơn vị chuyên làm khách thị trường châu Âu cho hay vừa kết thúc phục vụ đoàn khách caravan đến từ Đức trong hành trình xuyên Việt gần một tháng. Đoàn caravan này đi trên 20 chiếc ô tô mang từ Đức qua.
Tuy nhiên, ở trung tâm TP.HCM và Hà Nội, do đường sá đông đúc, nên đoàn khách phải thuê bãi xe ở bên ngoài để đậu.
“Chúng tôi phải giải thích từ trước để du khách hiểu rằng, nếu đoàn xe vào trung tâm thành phố sẽ gây tắc nghẽn. Điều kiện giao thông ở các thành phố này không cho phép đoàn xe phải đi đến khách sạn hoặc tới các điểm tham quan”, ông Du kể.
Cụ thể, đến Hà Nội, đoàn xe phải đậu tại Gia Lâm; còn đến TP.HCM phải đậu ở tận Q.Tân Phú. Từ các bãi xe này, công ty du lịch phải đưa khách bằng xe trung chuyển vào khách sạn và đến các điểm tham quan.
Giới kinh doanh lữ hành đặc thù caravan ai cũng biết câu chuyện này: Một công ty du lịch ở Hà Nội vào năm 2008 đón một đoàn khách là những triệu phú đô la nước ngoài du lịch VN bằng xe ô tô cổ.
Những chiếc ô tô cổ mui trần này phải gánh chịu bụi bặm, cát đất văng từ các chiếc xe tải trên đường phố Hà Nội.
Hành trình tham quan kết thúc ở một kho ngoại quan ngoại ô Hà Nội để khách đưa xe lên tàu đến một quốc gia khác. Ở đó, nhiều khách đã ôm nhau khóc vì... đã thoát được những giờ phút nguy nan di chuyển trong trung tâm thành phố.
Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho rằng, nếu được dịch vụ hộ tống du lịch hỗ trợ, đoàn khách giàu có nói trên hẳn đã trải qua một hành trình mỹ mãn và biết đâu không chỉ họ quay lại mà còn giới thiệu cho những đoàn khách caravan khác tới VN.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, những đoàn khách quan trọng nếu họ yêu cầu cần được dẫn đường thì cũng nên cho phép CSGT hỗ trợ.
Trong trường hợp không muốn gây hiểu lầm với những đoàn khách được CSGT dẫn đường là khách ngoại giao, nguyên thủ quốc gia, thì cho phép các câu lạc bộ mô tô phân khối lớn tham gia như một dịch vụ có thu phí.
Dĩ nhiên, dịch vụ này phải được quy định rõ ràng, có đăng ký với CSGT khi dẫn đường cho một đoàn khách nào cụ thể.
Cũng cho rằng cần thiết phải có người dẫn đường đối với những đoàn khách đặc biệt, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, phân tích: Các đoàn khách caravan vào VN nếu đi bằng tay lái nghịch thì nên được dẫn đường bởi CSGT.
Hiện nay, các thủ tục để xin phép tổ chức một đoàn khách caravan (ô tô, mô tô) vào VN rất nhiêu khê, nên hầu hết các công ty du lịch không dám tổ chức. Trong hàng ngàn công ty du lịch ở VN, chỉ vài ba công ty dám làm tour caravan.
Đi 65 km mất 2 giờ
Thực tế nhiều năm nay, khách đi du lịch ở VN luôn phải chật vật trong di chuyển. Nhiều công ty du lịch nhận định, so với vài ba năm trước, tốc độ vận chuyển đường bộ từ TP.HCM hay Hà Nội đến các điểm tham quan đã chậm hơn khoảng 20%. Du khách phải tốn nhiều thời gian ngồi trên xe hơn.
Đơn cử, từ TP.HCM đi Mũi Né khoảng 200 km nhưng phải mất tới 6 giờ, kể cả thời gian ăn sáng. TP.HCM đến Đà Lạt 300 km nhưng mất tới 10 giờ; đến Vũng Tàu 120 km mất 5 giờ; đến Cần Giờ chưa đến 70 km mất 3 giờ; đến Cần Thơ 165 km mất 5 giờ; đến Nha Trang 445 km mất 11 giờ…
Ở các tỉnh phía bắc, di chuyển cũng không khá hơn, thậm chí nhiêu khê hơn rất nhiều nếu tham quan các điểm ở Tây Bắc. Từ Hà Nội đi Hạ Long 180 km mất 5 giờ; Hà Nội đến Ninh Bình 100 km mất 3 giờ. Còn đường đi Hà Giang xe lớn không chạy được, nên phải tách đoàn di chuyển bằng các xe 16 chỗ. Như đoàn khách 60 người muốn đến Hà Giang phải chia ra 4 - 5 xe 16 chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, việc phải dậy sớm để xuất phát khiến khách mệt mỏi, cộng với quãng đường di chuyển trầy trật, khiến tâm lý du khách không thoải mái. Chính vì thế ngành du lịch nên đề xuất cho phép mở dịch vụ hộ tống.
Thái Lan: Người dân có thể yêu cầu CSGT dẫn đường miễn phí Anh Duy, một thành viên trong diễn đàn Caravan VN, cho biết khá ấn tượng về hộ tống của CSGT Thái Lan. Một lần diễn đàn tổ chức chuyến du lịch bằng ô tô xuyên Đông Dương. Chặng cuối cùng của đoàn là ở Thái Lan và cũng là chặng nhiều lo lắng nhất vì giao thông trên đất Thái phức tạp do đường sá đông đúc, chiều lưu thông bên trái. Tuy nhiên, CSGT Thái Lan đã đón tiếp nhiệt tình dù đoàn chỉ có khoảng 20 xe. Một nhóm CSGT đón đoàn ngay từ cửa khẩu và đi theo hộ tống, mở đường cho đoàn tới Bangkok, đến tận khách sạn. Ở Thái Lan, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Bangkok, giao thông cực kỳ phức tạp. Ông Thawixap Namkhachon Rochn, luật sư thuộc Hội đồng luật sư Thái Lan, nói không ai hiểu sự nguy hiểm trên giao lộ bằng CSGT, vì vậy những người không có chức năng không thể làm thay họ. Theo ông Thawi, hộ tống hay mở đường là trách nhiệm của CSGT, người dân có nhu cầu chính đáng có thể yêu cầu và không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào khi sử dụng dịch vụ này, ngoại trừ yêu cầu dịch vụ ngoài giờ. |
Hội mô tô có thể đáp ứng Trao đổi với PV, ông Ngô Quang Vinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - mô tô TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia bất cứ hoạt động gì theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở VH-TT-DL vì Hội Mô tô TP.HCM có tư cách pháp nhân. Ngay các sự kiện do các doanh nghiệp tổ chức, nếu chương trình phù hợp và được mời dẫn đường hay bảo vệ lộ trình, chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia. Khi nhận các hoạt động này, chúng tôi đều có văn bản xin phép Công an TP.HCM cho ưu tiên thực hiện việc bảo vệ lộ trình trên một số tuyến đường và tuyệt đối không được tùy tiện làm sai chức năng cũng như tạo ra các hình ảnh quá đà, phản cảm. Như năm 2003, chúng tôi từng tham gia chương trình đón danh thủ David Beckham hay mới đây là Fabio Cannavaro, còn trong các hoạt động thể thao từng làm tốt suốt 25 năm với cúp truyền hình hay hỗ trợ bảo vệ an toàn cho các đội khách quốc tế trong giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên năm 2009 và năm 2010. Hội Mô tô TP.HCM cũng vừa tham gia bảo vệ lộ trình cho đoàn caravan Ấn Độ hơn 30 xe đến TP.HCM xuất phát xuyên qua 11 nước trong khu vực. Nói chung, lực lượng Hội Mô tô TP.HCM có thể đáp ứng các điều kiện bảo vệ lộ trình và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lớn có sự tham gia của chính khách, ngôi sao cũng như các sự kiện thu hút của TP.HCM với phong cách chuyên nghiệp, vừa để góp phần quảng bá hình ảnh đất nước vừa tôn tạo thêm nét đẹp cho du lịch TP.HCM” . |
Theo Thanhnien