Thật tình cờ, trong một bữa rượu tại nhà ông Dương Ngọc Đại, cựu Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), tôi được nghe kể về thuật cầm máu đầy huyền bí của người Nùng bằng phương pháp niệm thần chú.
Bài chú rất đơn giản được các “pháp sư” đọc sẽ giúp người bị nạn dù da rách, thịt đứt, máu ròng ròng chảy cũng cầm lại chỉ trong chốc lát.
Hiện giờ Chi Lăng còn mấy người nắm được khẩu quyết niệm chú ấy, phần lớn đều đã già. Người đầu tiên tôi tìm đến là ông lão mù lòa có tên Thi Giảng năm nay 78 tuổi ở thôn Đồng Đĩnh.
Ông Giảng kể: “Xưa có ông thầy cao tay ở Quán Thanh, nổi tiếng về thuật cầm máu. Ông này vai vế về phía bố tôi, hồi nhỏ tôi vẫn được ông sai đi mua thuốc phiện. Ông có mấy người học trò theo học nghề, trong đó có tôi. Người ta biết chữ, sáng mắt nên ghi vào sách còn tôi không nhìn thấy nhưng bắt đầu rất nhanh, chỉ nói qua một hai lần là biết, là thuộc.
Một góc Chi Lăng |
Đến một buổi thầy mới bảo tôi rằng: Biết nó (niệm chú) có ở với mình không mà đợi ai chảy máu thì lâu lắm! Muốn thử để biết ngay, mày cứ lấy dao chặt một ngọn cây chuối nhỏ rồi đọc, nhựa chuối không chảy xuống đất là nó ở còn không là hỏng”.
Ông Thi Giảng cứ y lời thầy thực hiện các bước rồi đọc niệm chú, một lúc sau không thấy nhựa chuối chảy ra nữa. Cũng chưa tin thuật niệm chú của mình có tác dụng, cẩn thận hơn ông còn chặt ngọn một cây xương rồng rồi đọc niệm chú, thấy nhựa cây cũng ngừng chảy. Từ đấy về sau, ông mới thực hiện ở trên người.
Theo ông, thuật niệm chú của mình áp dụng tốt cho người bị chảy máu ngoài da còn đứt cụt hẳn ngón tay, ngón chân chưa từng thực hiện bao giờ: “Trường hợp nặng nhất tôi từng cầm máu là ông Bình ở Quán Thanh. Hồi những năm 1960, ông này đi chặt cây thuốc lá chẳng may bị dao lia vào chân, máu chảy nhiều, chân đau không về được người ta phải dìu nằm ở bờ sông.
Ông Phịch Kế khi ấy lấy xe đạp chở tôi đi cầm máu. Làm được một lúc, máu ngừng chảy, tôi lấy giẻ rách bịt vào chân, người ta cõng ông ấy sang sông về nhà rồi lại đèo tôi về”.
Một điều quan trọng nhất trong thuật cầm máu là phải nín hơi rồi đọc liền mạch câu thần chú mà không được thở, không để ngắt quãng, đứt đoạn. Cũng bởi vì đã quá già, phổi không còn khỏe để đọc một mạch câu thần chú bằng tiếng Nùng dài cả phút trong trạng thái nín hơi như trước nên đã bốn năm nay dù có ai nhờ cậy, ông Thi Giảng cũng không làm nữa.
Không hề giấu giếm bí quyết, ông mách câu niệm chú cho Lèng - một người em họ mình. Tôi gọi điện cho Lèng, anh bảo đang đi quay lợn cho một đám cưới trong xóm. Bổ đến chỗ có đám cưới hỏi cụ thể, Lèng cứ xoa đôi bàn tay đang bóng lưỡng mỡ lợn mà cười ngượng ngùng: “Đúng là mình có học cầm máu nhưng chưa thử kể cả cầm nhựa cho cây chuối lẫn cây xương rồng nên không biết có thực hiện nổi nữa không”.
Ông già mù Thi Giảng |
Ở Chi Lăng ngoài nhánh cầm máu của ông Thi Giảng còn có một nhánh cầm máu khác của ông Nông Quốc Vinh ở xóm Đồng Ngầu. Ông Vinh được bố đẻ là ông Nông Vản Lộc (đã mất) truyền lại cho thuật này từ hồi còn nhỏ. Khác với thầy mo, thầy cúng phải kiêng khem đủ thứ từ kiêng bước qua dây phơi quần áo, kiêng thịt chó, thịt trâu đến kiêng ngủ với vợ trước ngày hành lễ, các ông thầy nắm thuật cầm máu chẳng cần kiêng một thứ gì cả.
Khẩu quyết niệm chú này cũng rất đơn giản, không cần bất cứ vàng hương gì khi thực hiện, từng là vật báu của người Nùng được gia truyền qua nhiều thế hệ. Nó tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi tai nạn xảy ra ở trên núi cao, rừng sâu hoặc những nơi xa xôi, cách trở, khó có phương tiện cứu chữa. Đến ngay cả người nắm được bí quyết niệm chú khi bị nạn cũng có thể tự cầm máu cho chính bản thân mình.
Ông Vinh tụt dép, kéo quần lên chỉ cho tôi một vết sẹo rất sâu nơi ngón chân cái. “Chân của tôi một lần bất cẩn bị búa bổ vào, máu phun ra rất nhiều. Cởi giày ra tôi thấy lưỡi búa đã chẻ chéo ngón chân cái, hai mảnh chỉ dính vào nhau bằng một tí da. Tôi lấy tay bóp mạnh vào rồi đọc niệm chú ngón chân không chảy thêm một giọt máu nào nữa. Khi đó đang ở trên núi, cách nhà chừng 9 km nhưng tôi vẫn tập tễnh đi bộ về nhà, lấy thuốc đắp cho liền thịt. Bảy ngày sau thì lại đi làm bình thường được".
Hữu dụng là thế nhưng mấy năm gần đây, câu niệm chú cứ ở mãi trong đầu ông Vinh mà không buột ra đằng lưỡi bởi người nào bị chảy máu bây giờ đều ra bệnh viện, ra trạm xá băng bó chứ không còn đến gặp các ông thầy. Thuật cầm máu nổi tiếng ngày nào giờ thỉnh thoảng chỉ được ông áp dụng cho con cháu trong nhà khi chúng chẳng may đứt tay chân mà thôi.
Sợ bị thất truyền, bài niệm chú được ông cẩn thận ghi ra sổ, phòng khi đứa con, cháu nào muốn học cứ thế mà nằm lòng cũng chẳng một đứa nào chịu theo. Khi tôi ngỏ ý muốn học, ông Vinh mừng ra mặt. Cứ như lời ông, bất kể là Nùng hay Kinh hoặc bất cứ một dân tộc nào khác, cứ việc học thuộc nằm lòng là làm được.
Ông Nông Quốc Vinh chỉ vết sẹo ở chân mình |
Tất nhiên cũng như bài chú của ông Thi Giảng, khi đọc người ta phải nín hơi hoàn toàn ngoài ra còn một điều rất khó là lưỡi không được bén răng. Nam đọc đủ bảy lượt, nữ đọc đủ chín lượt. Vừa đọc vừa cầm tay vào chỗ đang chảy máu là máu sẽ ngừng nhưng chỉ áp dụng cho chảy máu ngoài da còn chảy máu bên trong như nội tạng thì không thể thực hiện được.
Toàn bộ câu niệm chú bằng tiếng Nùng ấy được ghi trọn vẹn vào máy ghi âm của tôi như sau: “Khạt nự ấu nự ma pắng. Khạt nắng ấu nắng ma pủ. Cấu và mưng phải nặng. Cấu sắc mưng phải nặng. Chẩn ngó tài sản kiếp xê la lê”. Tức “Thịt đứt thì lấy thịt để đắp. Da rách lấy da để đắp. Tôi bảo anh phải nghe. Tôi nói anh phải chịu. Nếu mà anh không nghe bắt buộc tôi phải đánh anh”.
Ông Vinh giải thích toàn bộ phần đầu của câu niệm chú là một cách ra lệnh cho cơ thể người bị nạn tự “tái tạo”, tự cầm máu. Câu cuối: “Chẩn ngó tài sản kiếp xê la lê” mục đích chính là… dọa ma để các lực lượng xấu không còn ám vào làm hại người ta nữa.
Thuật cầm máu bằng niệm thần chú của người Nùng ở Chi Lăng nếu gạt hết "lớp áo” là những yếu tố thần bí ra sẽ thấy nó rất gần gũi với thuật thôi miên vẫn đang được thế giới áp dụng bấy lâu nay.
Theo NNVN