GS Nguyễn Minh Thuyết: Soi lại mình
Có thể thấy ngay số phiếu tín nhiệm thấp rơi vào người đứng đầu những lĩnh vực có nhiều va chạm, được cả xã hội quan tâm. Giáo dục là một trong những lĩnh vực như thế. Đây là lĩnh vực đụng chạm đến tất cả mọi người dân.
Sự quan tâm, lo lắng, bất bình, kỳ vọng của người dân về giáo dục cũng nhiều; những ý kiến khác nhau về giáo dục thường xuyên xuất hiện trên báo chí, trong dư luận xã hội nói chung; những sự cố, những vấn đề bất ổn của giáo dục đều được nhiều người dân biết đến...
Cũng vì thế, những việc làm được hay không làm được của giáo dục bộc lộ rõ hơn so với các lĩnh vực khác.
Tôi chắc rằng các đại biểu Quốc hội cũng đã cân nhắc đến những khó khăn khách quan mà ngành giáo dục đang phải gánh chịu. Với tình hình kinh tế - xã hội đang đi xuống như hiện nay, thật khó có thể làm giáo dục tốt được.
Tôi mong rằng khi lấy phiếu tín nhiệm, người cầm lá phiếu phải có thông tin đầy đủ của các lĩnh vực, tránh rơi vào cảm tính, đảm bảo sự công bằng và khách quan hơn. Còn nhận xét chung về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, tôi thấy với thực trạng hiện nay, kết quả tất cả các vị trí đều được trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm không thật thuyết phục.
Dù sao, qua việc lấy phiếu tín nhiệm này, lãnh đạo các bộ, ngành cũng có điều kiện soi lại mình để có những nỗ lực đáp ứng mong đợi của người dân. Các đại biểu Quốc hội qua việc này cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình để đánh giá khách quan, chính xác.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM): Cần có phiếu “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”
Tôi thấy rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ thể hiện được một phần sự kỳ vọng của cử tri cũng như thực trạng xã hội. Cũng phải nhìn nhận đây là hoạt động lần đầu, còn rất mới mẻ. Dù vậy, kết quả như thế cũng đảm bảo quy trình, thủ tục, đảm bảo dân chủ, công khai.
* Vì sao kết quả chỉ phản ảnh được “một phần”, theo bà?
- Tôi cho rằng đó là do nội dung lấy phiếu. Phiếu chỉ có ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, rồi tín nhiệm thấp chứ không có mức “không tín nhiệm”. Như vậy, sự đánh giá sẽ chia đều. Nói một cách khác, vẫn còn dư địa an toàn cho người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Nếu lá phiếu chỉ có hai nội dung “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì kết quả phản ánh sẽ rõ hơn.
* Bà có bình luận gì về một số vị nhận được tín nhiệm thấp, chẳng hạn như các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng...?
- Theo tôi, như thế là phản ánh thực tiễn vì tình hình đất nước hiện nay còn nhiều bức xúc. Các chức danh có tín nhiệm thấp nằm trong những lĩnh vực được cử tri quan tâm và còn nhiều bức xúc. Tình hình khó khăn chung thì rõ ràng, trong những lĩnh vực đó sẽ có khó khăn khách quan. Nhưng đòi hỏi của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri với các chức danh trong lĩnh vực đó là anh phải có những quyết sách thể hiện năng lực công việc.
* Theo bà, để việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn thì cần điều chỉnh ra sao?
- Tôi cho rằng chỉ cần thiết kế nội dung phiếu gồm “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì kết quả sẽ rõ hơn.
Bên cạnh đó, thông tin về các chức danh cung cấp cho đại biểu, ngoài nói về việc đã làm, cần nói thêm về phương hướng sắp tới, nhất là với những vấn đề mà nhân dân đang bức xúc. Lần này, đa số các chức danh đều báo cáo công việc kiểu dàn đều, chưa thể hiện rõ mình làm công việc đó với tâm thế ra sao, hướng tới ra sao, như thế cũng rất khó cho đại biểu đánh giá.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Sự minh bạch là tiền đề tốt
Điều đáng ghi nhận của kết quả lần này là toàn bộ quy trình đều rất minh bạch, công khai. Tôi cho rằng sự minh bạch là một tiền đề rất tốt, rất thuận cho mọi việc về sau. Nếu nhìn tổng quan về tất cả các nhân vật được tham gia lấy phiếu thì tôi thấy kết quả phản ánh khá trung thực nhận thức chung của xã hội.
Ví dụ một số ngành như y tế, giao thông, ngân hàng có tỉ lệ tín nhiệm khá thấp. Tâm lý xã hội muốn coi cuộc lấy phiếu này như một công cụ để giám sát xã hội thông qua đại biểu của mình.
* Ông có bất ngờ về tỉ lệ tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ?
- Không, vì nó phản ánh đúng đời sống của chúng ta. Có những cái (thách thức) Thủ tướng và Chính phủ vượt qua được, có những cái chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Những người nào đang ở vào vị trí mũi nhọn, có sự tác động lớn vào đời sống thì chỉ số phiếu phản ánh sẽ sát hơn. Còn những nhân vật ở vị trí ít người quan tâm thì kết quả chỉ ở mức tầm tầm. Mục tiêu của lấy phiếu là nhắc nhở trách nhiệm để mỗi vị nhận thức được vai trò trách nhiệm mà mình đang đảm nhận. Tôi thấy kết quả như thế chắc chắn sẽ có tác động tích cực.
* Có việc gì cần rút kinh nghiệm sau lần lấy phiếu này, theo ông?
- Tôi thấy ít nhiều yếu tố cảm tính vẫn còn chi phối. Đó cũng là tập tính của người dân mình. Phải khắc phục dần để lập thành kỹ năng cho đại biểu Quốc hội thể hiện quyền đại diện của mình do người dân trao cho.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Bạn tốt nói lời chân thành Tôi cho rằng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm này là thông điệp thẳng thắn, đáng tin cậy của các đại biểu Quốc hội gửi đến những người được bỏ phiếu. Trong những người được bỏ phiếu, có trường hợp được đánh giá rất cao như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tân ủy viên Bộ Chính trị, nhưng cũng có trường hợp nhận được số phiếu tín nhiệm thấp như trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Dẫn đến kết quả như trên, tôi cho rằng có nguyên nhân từ việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cách xử lý các vấn đề về vàng cũng như cách thống đốc trả lời đại biểu Quốc hội, trả lời báo chí thời gian qua. Qua cách trả lời này không cho thấy thông điệp rằng người điều hành có tiếp thu và sẽ sửa chữa, thay đổi tích cực nào trong thời gian tới. Người xưa nói rằng trên đời này chỉ có những người bạn tốt mới nói những lời khuyên giải cho mình, còn những người khen mình chưa chắc là bạn tốt. Trong trường hợp này tôi cho rằng thống đốc nên xem kết quả bỏ phiếu hôm nay như là lời chân thành và thẳng thắn. Từ đó xem xét lại nghiêm túc quá trình điều hành thời gian vừa qua, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời các chính sách. |
Theo Tuoitre