Gây TNGT nghiêm trọng, tước bằng vĩnh viễn?

Thứ hai, 17/06/2013, 10:40
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tước giấy phép lái xe (GPLX) vĩnh viễn đối với những trường hợp điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, thực tế luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại chưa cho phép.

Phạt nặng lái xe vẫn “liều”

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự ATGT 5 tháng đầu năm, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Thứ trưởng Ngọ, ngoài xử phạt tiền cần tăng hình phạt bổ sung so với hiện tại như: cần áp dụng hình phạt tước GPLX  xe có thời hạn, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể tước vĩnh viễn.

tai nạn giao thông

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tước GPLX vĩnh viễn đối với những trường hợp gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng để tăng tính răng đe vi phạm.

Đồng tình quan điểm, trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67, Bộ Công an) đề xuất thêm: Thời gian qua, đối tượng gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu là xe khách, xe tải nặng và xe contairner.

 “Cùng vi phạm lỗi uống rượu bia chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng như xe con nhưng mức độ nguy hiểm của xe khách, xe tải hạng nặng và xe contairner nguy hiểm gấp nhiều lần. Do vậy, ngoài việc quy định xử phạt nặng với một số hành vi nguy hiểm thì phải tước bằng lái xe vĩnh viễn để tăng sức răn đe”, ông Tuyên đề xuất.

Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, đối với những hành vi điều khiển phương tiện gây TNGT nghiêm trọng, khi bị tước GPLX vĩnh viễn thì lực lượng chức năng cần phải xem xét, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do khách quan hay chủ quan.

Nếu là do nguyên nhân khách quan thì có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàg Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, hiện nay, các Nghị định 34 và 71 của Chính phủ đều đã điều chỉnh và nâng mức phạt cao.

Tuy nhiên, do lợi nhuận và việc khoán doanh thu, nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm đi sai làn đường, chạy quá tốc độ…

Ông Hiệp cho rằng, việc xử phạt vi phạm bằng tiền có thể tăng nhưng cũng không đủ sức răn đe lái xe. Ngoài mức phạt luật quy định như hiện nay thì cũng cần phải xem xét có thêm các hình phạt bổ sung.

“Luật giao thông chỉ có thời gian thu giữ GPLX lâu nhất là hai năm. Đối với những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần phải thu hồi bằng lái vĩnh viễn. Bởi lái xe khi gây tai nạn sẽ bị ám ảnh và khi cầm lái tâm ly luôn lo sợ, hoang mang khi đi đường”, ông Hiệp nói.

Không dễ tịch thu GPLX vĩnh viễn!

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lo ngại việc tước GPLX không cho hành nghề sẽ vướng đến việc sửa đổi Luật giao thông vốn không hề đơn giản và cần có sự góp ý đồng tình của các Bộ, ban ngành và người dân.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Cục đường bộ VN (Bô GTVT) cho rằng: Việc tịch thu GPLX vĩnh viễn đối với những trường hợp gây nên TNGT đặc biệt nghiêm trọng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi, nếu tịch thu vĩnh viễn GPLX vô tình đã xâm phạm tới quyền đào tạo công dân.

“Lái xe là một nghề, và người điều khiển phương tiện giao thông được đào tạo để làm nghề, nếu tước GPLX vĩnh viễn là tước đi quyền được lao động của công dân”, ông Hùng nói.

Do vậy, ông Hùng cho rằng, đề xuất tước GPLX với những trường hợp điều khiển xe gây tai nạn nghiêm trọng cần phải bàn bạc kỹ trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Ngoài ra, cũng như ông Tuyên, ông Hùng cũng nói rằng cần phải xác định nguyên nhân dẫn tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.

Và việc này phải có cơ quan giám định độc lập, bởi nếu không sẽ dễ xảy ra tiêu cực.

Tai nạn nghiêm trọng xảy ra nhưng phải xem xét nguyên nhân cụ thể có phải do lái xe gây ra không, hay còn do nhiều nguyên nhân khách quan như: do người tham gia giao thông, do hạ tầng giao thông hay do chất lượng phương tiện …", ông Hùng nói.

Các ý kiến này được đưa ra và đã nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả. Họ dẫn chứng nhiều nước trên thế giới, chỉ cần vượt đèn đỏ hai lần hoặc gây tai nạn nghiêm trọng một lần là người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị tước bằng lái vĩnh viễn.

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn