Thủy điện Sông Bung 4: Hơn 100 công nhân Trung Quốc làm việc chui

Thứ hai, 17/06/2013, 13:25
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo UBND tỉnh về việc 116 lao động Trung Quốc chưa được sự đồng ý của chủ tịch tỉnh, Sở này cũng chưa cấp giấy phép, nhưng đã được đưa vào công trình thủy điện Sông Bung 4 để làm việc.
lao động Trung Quốc
Lán trại công nhân Trung Quốc tại công trình thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) được khởi công tháng 6/2010, tổng công suất lắp máy 156 MW, tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỉ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển châu Á 196 triệu USD.

Tình trạng lao động là người Trung Quốc chưa có giấy phép, làm việc “chui” tại công trường này diễn ra ba năm nay. Có thời điểm, số lượng công nhân Trung Quốc lên đến 300 – 400 người.

Đợt kiểm tra mới nhất của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Quảng Nam vào tháng 4/2013, phát hiện 116 lao động Trung Quốc làm việc cho nhà thầu Công ty TNHH Sinohydro (Trung Quốc).

Tuy nhiên, Ban quản lý (BQL) dự án Thủy điện Sông Bung 4, Công ty TNHH Sinohydro không báo cáo danh sách trích ngang người nước ngoài thuộc diện không phải cấp giấy phép cho Sở LĐ-TB&XH quản lý, cũng như sử dụng lao động nước ngoài khi chưa được cấp giấy phép lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam), theo đúng nguyên tắc và trình tự, nhà thầu muốn đưa người nước ngoài vào phải có báo cáo danh sách trích ngang đối với diện không phải cấp giấy phép để Sở quản lý và phải có sự đồng ý của chủ tịch UBND tỉnh mới được cấp giấy phép làm việc lâu dài.

Đến ngày 17/5, BQL dự án Sông Bung 4 và nhà thầu Trung Quốc mới có văn bản xin xem xét cấp phép lao động nước ngoài sau khi đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm.

“Nếu UBND tỉnh không chấp thuận, không cho phép nhà thầu sử dụng số lao động này, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Công an và ngành chức năng tiến hành thanh tra, làm các thủ tục để trục xuất đối với số lao động trên và sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với BQL dự án và nhà thầu”, bà Hương khẳng định.

Theo bà Hương, số công nhân Trung Quốc thay đổi liên tục, nên rất khó quản lý. Lao động của nhà thầu nhưng chính nhà thầu cũng không phân loại được số lượng cần cấp giấy phép và không cần cấp giấy phép, nên rất lộn xộn.

Theo số liệu của Công an xã Tà Pơ (Nam Giang) - địa phương đứng chân của dự án, hiện có 1.607 lao động đăng ký làm việc tại công trình thủy điện Sông Bung 4, trong đó có 243 công nhân Trung Quốc, nhưng 116 người chưa có giấy phép lao động.

Ông Kring Diêu, Trưởng công an xã Tà Pơ, cho biết, số công nhân thay đổi liên tục, cao điểm có đến 400 công nhân Trung Quốc ở thủy điện Sông Bung 4. Công an xã đã nhiều lần lập biên bản, giải quyết ẩu đả giữa công nhân Trung Quốc và công nhân Việt Nam xảy ra trên địa bàn.

Theo Đại tá Phạm Mưng, Trưởng công an huyện Nam Giang, do bất đồng ngôn ngữ nên làm việc hết sức khó, nhất là khi xảy ra sự vụ hay vấn đề liên quan an ninh trật tự. 

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn còn 4 lao động Trung Quốc

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Than – Điện Nông Sơn (Vinacomin), do khó khăn về kinh tế, nhà thầu CHMC (Trung Quốc) đã dừng thi công gói thầu số 6 nhà máy nhiệt điện Nông Sơn.

Hiện, tại công trường còn lại bốn người Trung Quốc là cán bộ quản lý của nhà thầu CHMC (đã được cấp giấy phép lao động) làm nhiệm vụ và bảo vệ công trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vinacomin đang làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu CHMC và chọn nhà thầu trong nước để tiếp tục thi công gói thầu số 6 nhà máy nhiệt điện Nông Sơn.

 

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích