Tận cùng của sự hài hước

Thứ sáu, 12/07/2013, 08:11
Mấy ngày nay, đi đến đâu cũng thấy bà con bàn tán chuyện chị em nào tuổi trên 33 là cấm được mang thai, nào là vợ được kiểm soát tài chính của chồng, rồi đến chuyện chỉ chì chiết vợ, “tè” bậy... cũng sẽ bị phạt... Ai cũng thấy mừng rơn ra mặt, nếu như các đề xuất này được “trên” chấp nhận thì xã hội ta thực sự là... thiên đường.

Dù mới chỉ là đề xuất nhưng cũng làm dư luận xôn xao, bàn tán sôi nổi. Đặc biệt, ý kiến của vị lãnh đạo của Cục có nhiệm vụ không được làm “tăng” dân số của TPHCM, đã khuyến cáo chị em không nên có thai ở tuổi trên 33 - dù vị lãnh đạo này đã trần tình, đó chỉ là lời “khuyên” - nhưng xem chừng dư luận vẫn cho là… hài hước vì nó xa vời thực tế, đặc biệt là vị lãnh đạo này hiểu hơn ai hết trước một thực trạng, tuổi kết hôn ở giới trí thức ngày một…muộn màng, tỷ lệ phụ nữ vô sinh cũng tăng theo chiều tỷ lệ thuận.

mang thai

Ảnh minh hoạ

Chuyện “tè” bậy của người Việt ta thì phổ biến đến mức, ai cũng có thể “tè” được khi có nhu cầu. Cái tối thiểu nhất là cơ quan quản lý không “quy hoạch” xây nhà vệ sinh, nên mới nảy sinh chuyện “tè” ở khắp nơi, “tè” một cách công khai trước bàn dân thiên hạ.

Trên nhiều con đường xuất hiện dòng chữ “cấm đái bậy”, khiến một người nước ngoài đọc thông, nói thạo tiếng Việt thấy ngạc nhiên vô cùng, bởi có lẽ chỉ có ở nước ta mới có những dòng chữ “khẩu hiệu” đó.

Nạn bạo hành gia đình trở thành sự đe dọa đối với nhiều chị em phụ nữ, nhiều địa phương đã phải xây dựng nhà tạm lánh để chị em có chốn nương thân, tránh khỏi trận đòn vũ phu của chồng. Các ông chồng vũ phu được mời lên giáo dục, răn đe... vẫn chứng nào tật ấy, chỉ trừ người vợ bị bạo hành thương tích phải đạt quy định của pháp luật thì người chồng mới bị xử lý.

Nhiều người con vì quá thương mẹ, vì bất bình trước trận đòn thừa sống, thiếu chết của mẹ đã trở thành kẻ tội đồ giết cha... Tình trạng bạo hành gia đình ngày càng gia tăng, chưa có biện pháp để ngăn chặn. Giờ đây lại có quy định xử phạt cả hành vi chì chiết vợ... liệu mức phạt này có ngăn được nạn bạo hành?

Vấn đề dư luận đặt ra câu hỏi muôn thủa: Ai phạt? 

Chưa hết, với sự ưu tiên cộng điểm của Bộ GD ĐT với Bà mẹ VNAH, người hoạt động cách mạng trước và sau năm 1945 nếu dự thi đại học.

Ngay sau phản ứng của dư luận, Bộ GDĐT có trần tình rằng quy chế  cho người dự thi không quy định tuổi tác, như vậy sự ưu tiên cộng điểm của Bộ chẳng sai, chỉ có điều, dù có mở rộng tiêu chuẩn Bà mẹ VNAH nhưng xem chừng cũng chẳng có Bà mẹ VNAH nào đi dự thi để hưởng sự ưu tiên của Bộ cả.

Đã bao quy định cấm, rồi phạt mà vẫn chỉ có hiệu lực trên giấy, nào có được thực thi trong cuộc sống. Với những quy định cứ ban cho “hoàn thành nhiệm vụ” của các cơ quan quản lý nhà nước, khiến cho người dân nhờn luật, dư luận thì đàm tiếu với những đề xuất, quy định xem chừng chỉ có thể thực hiện ở trên... giời.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn