Đà Lạt: Bí mật đường hầm dưới các biệt thự cổ

Thứ tư, 24/07/2013, 12:46
Ngay cả nhiều người dân Đà Lạt cũng không hay biết phía dưới nhiều con đường ở phố núi đang tồn tại những đường hầm bí mật. Chúng tôi đã đi tìm vết tích của công trình từng một thời đồ sộ này ở thành phố cao nguyên lãng đãng sương mù.

Hé lộ những thông tin đầu tiên

Hồi năm 2007, chúng tôi lên Đà Lạt đưa tin về festival hoa đầu tiên, bà Đoàn Thị Ngọ - Phó Giám đốc bảo tàng Lâm Đồng  - sau khi cung cấp thông tin về kết quả khai quật ở rừng Nam Cát Tiên thu được bộ yoni - linga (sinh thực khí của người Chăm) lớn nhất Việt Nam, đã tiết lộ về đường hầm dưới lòng đất ở đây.

Da Lat

Miệng một đường hầm Ảnh: CTV

Sáu năm sau, vào những ngày đầu tháng 7-2013, chúng tôi có mặt tại Đà Lạt trong tiết trời rét buốt, mưa dầm dề do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Bà Ngọ bây giờ vẫn đảm nhiệm vị trí công tác cũ ở Bảo tàng Lâm Đồng, nguyên là tư dinh của tư sản Nguyễn Hữu Hào (chủ đất Gò Công, cha của Nam Phương hoàng hậu, vợ cựu hoàng Bảo Đại - PV).

Trong bảo tàng có lối đi xuống đường hầm nấp sau một cánh cửa. Nơi này chưa công bố và chưa khảo sát vì nhiều nguyên nhân. Theo nhiều người thông thạo thì đường hầm thông với dinh 2, phía đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, gần với trụ sở Đài PTTH Lâm Đồng, kéo dài qua trục đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo, “chui” dưới nhiều biệt thự tuyệt đẹp có từ thời Pháp nay được đưa vào làm du lịch.

Từ đây, đường hầm ăn thông với phía dưới nhà sáng tác (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý), kéo dài tới Trại Mát (nơi Bảo Đại từng nghỉ ngơi, săn bắn), nay thuộc P10 Đà Lạt, nổi tiếng với rau xanh và sương mù.

Chúng tôi lân la hỏi thăm người dân. Khi đề cập chuyện này, một số người nhầm tưởng, vội vàng chỉ cho người viết một số căn nhà có hàng trăm bậc thang bằng xi măng lên xuống.

Theo nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh thì phố hoa có hơn một trăm ngọn đồi, với địa hình xây nhà thoai thoải như vậy nên chuyện làm bậc thang là bình thường. Quần nát khu vực này, tôi được ông Nguyễn Văn Tô - một người dân địa phương chỉ sang khu vực gần nhà sáng tác hỏi tiếp.

Chạy xe lên dốc, chúng tôi tới nhà sáng tác nhưng nhân viên ở đây bảo không biết. Trời về chiều bỗng đổ cơn mưa tầm tã, chúng tôi thất vọng quay về khu vực chợ Hòa Bình và nghĩ cách đi tìm.

Công trình tuyệt mật

Rời trung tâm Đà Lạt, chúng tôi về đường Yên Thế (P10). Tìm tên đường này trên google cũng không ra, người viết đành phải hỏi rất nhiều người. Khu vực này gần chùa Tàu, căn nhà có bàn xoay kì lạ ở đường Khe Sanh, tuy dập dìu du khách nhưng không ai biết cách đó không xa có miệng hầm.

Phía sau nhà 5 bis Yên Thế, miệng hầm dần dần hiện ra, bên cạnh là cây cối um tùm, dơi đóng ổ rất nhiều. Bên trong tối om. Một số thanh niên gần đó cho biết, hồi nhỏ họ thường chui vào chơi nhưng đi được một đoạn thì đường hầm bị chặn bởi đất đá.

Theo người dân sở tại, đường hầm do người Nhật đào, dẫn ngang qua khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng và ra đến đầu đường Khe Sanh (con đường này qua đèo Mimosa về TPHCM), đường còn lại dẫn ra đến dinh 1.

Miệng hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế đi sâu vào trong và ra được miệng hầm ở lô đất số 5 bis hiện nay. Hai miệng hầm này cách nhau gần 200 mét nhưng hiện tại không đi thông được vì đất sập. Từ trước tới nay, nhiều người cho rằng đường hầm Đà Lạt còn nhiều bí ẩn nhưng theo người dân thì người Nhật đã đào rất công khai.

Ngay tại khách sạn Palace (xây dựng năm 1922) cũng có một đoạn hầm từ phòng ăn thông ra đường Hồ Tùng Mậu (P3),  nay chỉ phục vụ cho lối đi nội bộ của nhân viên. Không chỉ vậy, khách sạn này còn có đường hầm khác rộng chừng 1 mét, dài khoảng 50 mét thông qua đường Trần Phú, nối với một khách sạn khác.

Theo nhiều luồng thông tin, trước ngày phát xít Nhật đảo chính người Pháp (9-3-1945), với âm mưu bắt sống toàn bộ người Pháp đang làm việc, sinh sống, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, quân đội Nhật đã bí mật đào một hệ thống đường hầm.

Đến nay, chưa có tài liệu nào cho biết trong những ngày Nhật đảo chính Pháp, những đường hầm này có phát huy tác dụng không? Đà Lạt được người Pháp quy hoạch, xây dựng thành “thủ phủ Đông Dương” nên việc xây dựng một công trình đồ sộ, kỹ lưỡng của người Nhật là quá tài tình.

Một số cụ cao niên ở Đà Lạt cho biết, ngày còn nhỏ họ thường xem người Nhật xây đường hầm. Người Nhật còn chạy xe jeep (loại nhỏ hơn của Mỹ) trong đó, đường hầm sau này bị hỏng rất nhiều.

Lối thoát hiểm của gia đình họ Ngô

Ngoài đường hầm do người Nhật làm rất kiên cố thì phía dưới các dinh thự của Bảo Đại cũng có những đường thoát hiểm. Chúng tôi tìm đến con dốc cạnh dinh 2 (trước kia là dinh toàn quyền Decoux, nay là nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng).

Tại đây có đường hầm bí mật nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5 mét, cao hơn 1 mét, có nhiều ngõ ngách và được đúc bằng bê tông kiên cố. Phía bên cổng rào của dinh 2, chúng tôi được người dân chỉ một số miệng hầm từ dinh 2. Đường hầm đã tắc nhiều đoạn, không đi lại được.

Dinh 1 (P10) trước kia từng là nơi quốc trưởng Bảo Đại làm tổng hành dinh và nơi làm việc của các quan chức.

Năm 1956 tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm làm dinh riêng và mở thêm đường hầm bí mật. Theo nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh thì ông từng đi vào đường hầm này. Nó được nối thông ra một sân bay trực thăng dã chiến. Cửa hầm để ngay trong phòng ngủ của ông Diệm và có một chiếc tủ sắt án ngay cửa để che mắt người khác.

Trong quá trình đi tìm nhân chứng, chúng tôi tiếc nuối khi một trong những người rất quan trọng của việc xây đường hầm là cụ Nguyễn Hữu Hòa - quản gia của gia đình Ngô Đình Diệm tại Đà Lạt đã qua đời.

Theo nhiều tư liệu còn lại thì đường hầm bắt đầu từ dinh 2, do đích thân ông Diệm kiểm tra thường xuyên việc thi công. Cuối tuần, ông Diệm đi máy bay lên phố hoa, bàn công việc với Ngô Đình Nhu và lúc nào cũng quan tâm đến đường hầm tuyệt mật.

Nghe đâu ông Diệm từng căn dặn cụ Hòa là “ba không” (không biết, không nghe, không thấy) về lối đi dưới lòng đất này. Dưới đường hầm có hệ thống thu phát sóng, nhu yếu phẩm.

Có người nói ông Diệm đa nghi nên đội thợ xây dựng không còn ai sống sót sau khi đường hầm hoàn thành(!).          

Theo CA.TPHCM

Các tin cũ hơn