Điều tra cho thấy, 1/10 trong số những người được khảo sát cho biết, họ thường “tâm sự” với nhau qua mạng ở công ty.
Do thời gian làm việc ở văn phòng nhiều, công nghệ thông tin ngày một hiện đại, đa dạng, các trang mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích cho “tình yêu công sở”. Vì thế, tỷ lệ đồng nghiệp cùng công ty yêu nhau ngày càng tăng. Nhưng phần lớn những mối tình đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, theo kiểu đến nhanh, đi cũng nhanh.
Nhà xã hội học Ronan Chatelier, người cung cấp kết quả thống kê cho cuộc khảo sát, cho biết: “Cuộc sống ở văn phòng phải được coi là nơi trung lập, cấm mọi hành vi yêu đương, tình cảm phức tạp. Nhưng thẳng thắn mà nói, văn phòng cũng giống quán bar hoặc hộp đêm, nơi mà mọi người đều có thể làm quen với nhau”.
Trong số gần 31% số người thừa nhận đã nảy sinh tình cảm, yêu nơi công sở, có 63% ý kiến cho rằng chỉ là yêu tạm thời. Nhưng khi tình yêu của họ “dấn sâu”, chỉ có 17% số đó công khai với đồng nghiệp, còn 22% giữ bí mật, 6% sẽ từ chức để tránh “xung đột lợi ích”. Số người còn lại cho biết, họ sẽ thay đổi công việc nhưng không phải vì sợ bị trả đũa.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Pháp không có luật cấm tình công sở nhưng có rất nhiều công ty yêu cầu nhân viên cam kết không để tình yêu văn phòng làm ảnh hưởng tới công việc.
Vụ bê bối tình dục của Dominique Strauss-Kahn (cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF) đã gây xôn xao trong giới công sở, ngay cả văn phòng Quốc hội Pháp cũng thảo luận về sự kiện gây chấn động dư luận này. Kết quả của cuộc điều tra còn cho thấy, thanh niên trẻ là đối tượng chính của “tình công sở”, đặc biệt là nhóm có độ tuổi từ 35 trở xuống.
Nhà tâm lý học Pháp Rolland- Brunelle chỉ trích gay gắt: “Công ty cũng như một gia đình lớn, yêu đồng nghiệp thì chẳng khác gì yêu anh chị em trong nhà. Tình cảm với sếp thì cũng giống như tình ý với cha mẹ mình”.
Các chuyên gia nghiên cứu gia đình giải thích, với phương Tây, văn phòng là nơi sinh hoạt chung nên tình yêu công sở khó chấp nhận, đến nỗi một số nước phương Tây đưa ra nhận xét cực đoan: “Tình công sở giống như kết hôn cận huyết, không thể có được kết quả tốt”.
Còn nhà tâm lý học người Nga W.Quillez cho rằng: Đồng nghiệp tiếp xúc với nhau lâu dài, thường xuyên có cơ hội ăn uống, tham gia các hoạt động tập thể nên rất dễ nảy sinh tình cảm. Nhưng ông nhấn mạnh:
“Nếu yêu nhau, vượt quá mức tình cảm cho phép thì khó có thể làm tốt công việc và giữ được quan hệ như trước bởi các mối tình công sở thường phải giấu giếm, rất mệt mỏi. Không ít người, dù đã chia tay nhưng vẫn là “nhân vật của công ty” - trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong một thời gian dài, nhiều người trong số họ không chịu nổi búa rìu dư luận, thậm chí đã phải nghĩ đến chuyện đâm đơn từ chức”.
Theo Danviet