Cả năm trời đấu tranh với thần chết, Năm may mắn được sống nhưng chỉ còn nửa hộp sọ trên đầu…
Bị “mất sọ”… vì gần 1 triệu đồng
Gia đình nghèo, chẳng đủ điều kiện học hành nên tốt nghiệp lớp 9, Ma Duy Năm (SN 1993, Nà My – Thổ Bình – Lâm Bình – Tuyên Quang) đã xin bố mẹ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để tự trang trải cuộc sống của mình và mong mỏi có thêm chút tiền giúp đỡ mẹ.
Năm vào tận xã An Phú – huyện Thuận An – Bình Dương, xin làm công nhân trong một nhà máy sản xuất mì ăn liền và để tiết kiệm tiền ăn ở, Năm sống cùng 4 người bạn đồng hương khác trong một căn phòng trọ nhỏ ở gần nơi làm việc.
Nhưng rồi, cuộc sống khốn khó của chàng trai người dân tộc nghèo cũng chẳng được thuận buồm xuôi gió, những ngày tháng bạc mặt kiếm đồng tiền nơi đất khách quê người ấy, Năm đã suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Sau vụ cướp, Năm sống lay lắt với đầu chỉ còn nửa hộp sọ. |
Khoảng 9h tối một ngày cuối tháng 8/2009, Năm tan ca làm việc. Thường ngày, mỗi lần tan ca đêm, Năm được một người đồng hương ở trọ cùng đi xe máy đến đón. Gọi là xe máy cho sang, kỳ thực đó là chiếc xe đã cũ, nhóm bạn của Năm gom góp tiền mua để có phương tiện đưa đón nhau những hôm làm ca đêm. Nhưng hôm đó, các bạn cùng phòng trọ đều bận nên chẳng ai đón Năm, Năm đành một mình đi bộ về khu trọ.
Gần về đến khu nhà trọ, đột nhiên Năm bị một nhóm thanh niên chặn đường hỏi xin tiền. Chàng trai người dân tộc thật thà nói “có” vì mới lĩnh lương được vài ngày, rồi móc túi đưa hết số tiền mình có cho nhóm thanh niên “vay”. Trong người Năm khi ấy cũng chỉ có khoảng gần 1 triệu đồng. Lấy được tiền nhưng nhóm thanh niên không buông tha cho Năm, chúng thẳng tay đánh đập, đấm đá.
“Chúng nó lấy sắt đập vào đầu em, lấy dao đâm vào đùi em…” – Năm ngọng nghịu, nói từng tiếng khó nhọc kể lại lần bị đánh. Sau một hồi đánh, đấm thẳng tay, nhóm thanh niên bỏ đi. Dù bị đòn đau, máu me ướt nhẹp nhưng bản năng sống mãnh liệt khiến Năm vẫn cố lê lết về hướng khu nhà trọ chỉ còn cách vài trăm mét. Cố hết sức nhưng cũng chỉ gần về đến nơi trọ thì Năm rơi vào hôn mê, chẳng còn biết được gì.
Một người đi đường vô tình thấy Năm nằm bất động bên vũng máu, vội vã gọi xe đưa Năm vào viện. Ở viện, chẳng ai biết nhân thân của Năm, cho đến khi bác sĩ tìm được chiếc điện thoại đã bị đập vỡ trong túi quần chàng trai. Họ vội tháo chiếc SIM, lắp vào một máy khác và tìm ra số điện thoại của những người biết Năm. Lúc này, những người bạn ở cùng phòng trọ mới biết được hung tin, tìm đến bệnh viện nơi Năm đang được cấp cứu.
Thương tích của Năm rất nặng, các bác sĩ bệnh viện Bình Dương khuyên người thân của Năm nên đưa ngay lên bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM mới có đủ phương tiện, kỹ thuật cứu chữa. Những người bạn đồng hương ở cùng phòng trọ một mặt lo đưa Năm lên bệnh viện tuyến trên, một mặt thông báo tin dữ cho mẹ Năm ở quê nhà, để lo thu xếp vào cứu chữa cho Năm.
Thấy con trai khó nhọc nói từng lời, chị Ma Thị Hương – 39 tuổi, mẹ Năm – đỡ lời con, kể tiếp những ngày tháng cam go cùng con trai giành giật sự sống. Chị bảo, nghe tin Năm bị đánh phải cấp cứu, chị và gia đình bấn loạn, lo lắng. Ngay trong đêm, chị Hương phải chạy vạy khắp làng vay tiền, bán cả con trâu, đàn lợn vốn là tài sản quý giá nhất của gia đình để có tiền cầm theo lo cho con trai.
Từ một chàng trai hoạt bát, giờ Năm ngờ nghệch như đứa trẻ, quẩn quanh góc nhà. |
Khi chị Hương vào đến bệnh viện Chợ Rẫy, chị rụng rời chân tay khi nghe các bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe của Năm. Bác sĩ bảo, sọ của Năm bị dập nát, có mảnh sọ ép cả vào phần não và máu tụ trong rất nhiều, phải mổ gấp để cứu tính mạng.
Sau 3 giờ đồng hồ trên bàn mổ, các bác sĩ đã tách bỏ nửa hộp sọ của bệnh nhân, giữ được cho Năm tính mạng nhưng phần đầu chẳng còn tròn trịa, nguyên lành nữa. Một nửa đầu bên phải chẳng còn sọ để bao bọc phần não, chỉ còn lớp da đầu mềm mềm bọc ngoài tạm bợ, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy phía trong lớp da đầu mỏng manh ấy là bùng nhùng não bộ.
Chị Hương chăm con ở viện trong nước mắt. Năm sống thực vật ở viện khoảng 2 tháng trời. Sau đó, khi có dấu hiệu cử động chân tay, bác sĩ cho Năm được ra viện để về nhà tiếp tục theo dõi. Năm được mẹ đưa về quê chăm sóc.
Gần 1 năm trời, chị Hương chăm con nằm liệt giường, từ tắm rửa, vệ sinh cá nhân của Năm một tay chị phải lo đảm đương. Chị bảo, chắc trời thương em nên còn cho Năm được sống trở lại, sau gần một năm được mẹ chăm sóc, Năm dần dần tỉnh lại, biết ú ớ gọi mẹ, biết tập tễnh đi…
Vụ việc Năm bị cướp, bị đánh đã được trình báo cơ quan công an địa phương, nhưng rồi cũng rơi vào im lặng. Năm may mắn được cứu nhưng phải sống với cái đầu chỉ có nửa hộp sọ suốt 4 năm qua.
Tận cùng khốn khó
Từ ngày rời khỏi bệnh viện, chưa bao giờ Năm được tái khám vì gia đình nghèo quá, chẳng có tiền để đưa Năm đi, dù chỉ là bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Tính cả đợt chi phí điều trị, đi lại để “đưa Năm từ cõi chết trở về”, chị Hương lôi ra cuốn sổ nhàu nát, lẩm nhẩm cộng trừ và bảo: “Cứu được con phải mất 170 triệu đấy”.
Hỏi về số tiền khổng lồ ấy, người mẹ nghèo thật thà kể: “Có hai ông chú ở trong miền Nam và ông nội, ông ngoại ở quê giúp đỡ. Các ông chú thì cho vay mà chưa biết đến bao giờ em mới trả hết nợ. Còn ông nội, ông ngoại thì bán hết cả trâu bò, lợn gà rồi, giờ cũng nghèo như nhà em…”.
Nhưng rồi người mẹ nghèo lại tự an ủi mình, “cũng may là toàn nợ anh em, họ hàng, người ta không lấy lãi chứ nếu không thì chết rồi. Cứ được đồng tiền nào là em lại phải chắt bóp trả nợ…”.
Góc sang trọng nhất trong ngôi nhà của gia đình Năm. |
Tiền nợ còn chất chồng nên người mẹ nghèo cũng chả còn dám nghĩ đến chuyện ghép sọ cho con. Thậm chí ngày ra viện, ngỡ là ôm xác con về chôn, chị Hương cũng chẳng kịp hỏi bác sĩ xem phần sọ được tháo rời của Năm có được nuôi dưỡng ở bệnh viện hay không và giờ chị Hương cũng chẳng có điều kiện đưa con đi thăm khám, để hỏi bác sĩ xem nếu cứ để Năm sống với nửa hộp sọ như thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tính mạng không.
Chị Hương nhìn con trai với ánh nhìn quặn thắt và kể: “Đôi lúc, tự nhiên Năm ngất đi, không biết gì hết, thậm chí cắn cả vào lưỡi. Khi trái gió trở trời, đầu Năm đau lắm, không trông là nó đập đầu vào tường đấy…”.
Trong suốt câu chuyện với mẹ con chị Hương, có một người đàn ông nhếch nhác ngồi góc nhà, liên tục lảm nhảm nói leo theo, đôi khi ông ta nói bằng tiếng của người dân tộc Tày. Như hiểu sự tò mò của tôi, chị Hương bảo, đấy là chồng chị, là bố của Năm. Rồi chị tâm sự, chồng chị bị mắc bệnh viêm não nhưng cũng chẳng được chữa trị đến nơi đến chốn.
Thi thoảng, anh ta cũng ngất đi khi lên cơn đau đầu. Bệnh tật đau yếu thế nên chồng chị Hương cũng chẳng giúp đỡ được gì cho vợ con. Cám cảnh gia đình, anh ta thường tìm đến rượu. Chẳng bao giờ thấy anh ta tỉnh táo, lúc nào cũng trong trạng thái say. Anh ta nói năng lảm nhảm, chẳng ai còn để ý đến lời anh ta nói nữa.
Năm là con cả của chị Hương, dưới Năm còn hai người em trai, một 17 tuổi, một 15 tuổi. Nhưng hai người em của Năm đứa thì mù chữ, đứa thì cũng chỉ theo học dở dang cấp 2 rồi bỏ, chẳng ai có thể học hết lớp 9 như Năm. Và chị Hương cũng chẳng trông mong gì hai đứa con ấy, thất học, chậm chạp nên hai thanh niên ấy chỉ có thể giúp mẹ vài công việc đồng áng đơn thuần.
Nhà chị Hương chỉ có hơn một “bung” ruộng (khoảng hơn 1.600m2). Vụ lúa nào được mùa, nhà chị Hương cũng chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn thóc. Tất cả 5 miệng ăn trông cả vào số thóc ấy. Nhưng kỳ thực, chẳng mấy vụ nhà chị Hương đủ gạo ăn. Đến ngày giáp hạt, thóc gạo trong bồ đã cạn kiệt, người phụ nữ ấy lại phải đôn đáo chạy vạy từng bữa ăn.
Theo Infonet