Trong ngôi nhà cấp 4 ở thôn 3 (xã Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam), cụ Lữ Thị Toán (84 tuổi) dành một góc trang trọng để treo bức ảnh của chồng thời trai trẻ. Thỉnh thoảng người đàn bà tóc bạc phơ lại ngước nhìn tấm ảnh như để nhớ về thời thanh xuân của mình.
Sinh ra ở một xóm chài của xã Bình Giang, 20 tuổi cô gái Lữ Thị Toán khiến thanh niên khắp vùng mất ăn mất ngủ bởi dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan với chiếc mũi dọc dừa. Nhưng cô chỉ "kết" mỗi chàng trai tên Phan Vinh.
Bà Lê Thị Được được con trai cụ Toán nhờ chăm sóc sức khỏe cụ Toán hằng ngày. Ảnh:Thu Bồn |
Hai người kết hôn chưa được 3 tháng thì ông Vinh nhập ngũ. Trong cảnh đất nước chiến tranh, dù biết rằng người ra đi có thể không trở về, nhưng người vợ trẻ luôn dặn lòng mình chung thủy. Ngày ngày nàng dâu Toán ở nhà vừa làm việc đồng áng, chăm sóc cha mẹ chồng, vừa làm du kích, nuôi giấu cán bộ.
26 năm trôi qua, đất nước giải phóng, ông Vinh trở về. Bà Toán hạnh phúc khi được nằm trong vòng tay chồng và nhen lên hy vọng sinh con, làm tròn thiên chức của người phụ nữ. Nhưng niềm hy vọng ấy tắt lịm khi bà phát hiện không còn khả năng sinh nở, vì đã 46 tuổi. Trong khi đó gia đình ông Vinh có 5 anh chị em thì 3 người hy sinh nơi chiến trường, chỉ còn lại ông và người em gái.
Hàng đêm, khi chồng ngủ say, nước mắt bà Toán lại lăn dài trên gò má. Bà nghĩ đến chuyện san sẻ người đàn ông của mình cho một người phụ nữ khác để có người nối dõi. 5 tháng kể từ khi ông Vinh trở về, bà Toán viết "Đơn xin cưới vợ cho chồng" rồi đi xin khắp nơi từ xã đến huyện. Lá đơn không có ai ký, chỉ có những tấm lòng đồng cảm với sự hy sinh cao cả của bà.
Năm 1976, bà Toán tổ chức đám cưới cho… chồng. Khách đến chúc phúc cho cô dâu chú rể mà nhiều người ôm bà giấu nước mắt vào trong.
Đêm tân hôn, bà nhường cái giường đẹp nhất để cho cô dâu chú rể, còn mình nằm cô đơn trên chiếc giường ọp ẹp dưới nhà bếp. Thế nhưng, đêm hôm đó và nhiều đêm khác, ông Vinh vì yêu thương bà Toán nên không ngủ với vợ mới. Cuối cùng bà phải "đuổi" đôi tân lang tân nương đến nơi khác xây cất ngôi nhà riêng để được hạnh phúc trọn vẹn.
Ông Vinh có với người vợ mới hai người con, một trai một gái, rồi lâm bệnh tật và ra đi ở tuổi 71. Đến nay, sức khỏe già yếu, cụ Toán còn chút an ủi tuổi già khi hai người con riêng của chồng xem cụ như mẹ ruột. Mặc dù cả hai đều lập gia đình riêng nhưng thường xuyên chăm sóc cho cụ mỗi lúc đau ốm.
Cụ Lữ Thị Toán được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 vào năm 1999. Ảnh: Thu Bồn |
Luôn miệng nhắc đến người con trai riêng của chồng là anh Phan Giang (36 tuổi) hiện làm việc ở Đà Nẵng, cụ Toán khoe: "Thằng Giang nó thương mẹ lắm, mỗi lần nghe mẹ đau ốm là tức tốc về nhà chăm lo cho mẹ như mẹ ruột".
Bà Lê Thị Được (46 tuổi), hàng xóm cụ Toán cho biết, do ở xa và bận bịu công việc người con trai không thể ở bên bà Toán thường xuyên, đành nhờ bà hàng ngày nấu nướng, vệ sinh cá nhân cho cụ. "Mấy đứa con cụ Toán suốt ngày gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khỏe của cụ thế nào. Rồi vài ba bữa, cuối tuần lại về thăm, tôi thấy tụi nó thương cụ Toán chẳng khác nào con đẻ", bà Được chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, Chủ tịch hội phụ nữ xã Bình Giang cho biết, cưới vợ cho chồng là câu chuyện cảm động có một không hai ở xã nghèo Bình Giang này. "Từ nhỏ tôi đã nghe chuyện của cụ Toán, giờ đây tuy cụ đã già nhưng nhiều người trong xã vẫn thường xuyên nhắc đến câu chuyện của cụ để nêu tấm gương về sự hy sinh cao cả của người phụ nữ", bà Cảnh nói.
Theo VNE