Các nghị sĩ Cộng hòa đẩy chính quyền Mỹ tới nguy cơ đóng cửa - Ảnh: Reuters
Hạ viện Mỹ sáng sớm qua bỏ phiếu phê chuẩn dự luật về ngân sách cho đến tháng 12, nhưng áp thêm yêu cầu hoãn một năm đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama (Obamacare). Đồng thời, Hạ viện bỏ phiếu hủy một luật thuế nhằm cung cấp tiền cho Obamacare. Tuyên bố trước đó, ông Obama nói sẽ phủ quyết và không ký dự luật - điều đồng nghĩa với việc chính phủ không có ngân sách cho năm tài khóa mới.
Bộ trưởng quốc phòng chỉ trích người cùng đảng
Với diễn biến này, gần như chắc chắn Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa từ 0 giờ 1 phút ngày 1/10 (thời điểm bắt đầu năm tài khóa mới). Trừ các dịch vụ được coi là tối quan trọng, khoảng 800.000 nhân viên liên bang sẽ phải ở nhà. Hàng triệu người sẽ làm mà không có lương.
Theo New York Times, dự luật được thông qua sau một màn cãi vã kịch liệt. Phe Dân chủ chỉ trích Cộng hòa không chịu thừa nhận thất bại của năm 2012 mà tìm cách bôi nhọ Tổng thống. Phe Cộng hòa nói họ có sự ủng hộ của dư luận và muốn bảo vệ người dân khỏi đạo luật gây tranh cãi. Thực tế khả năng dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua là rất khó khi phe Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện.
Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, thành viên Đảng Cộng hòa, chỉ trích chính những người cùng đảng của mình. “Đây là cách điều hành vô trách nhiệm đến mức đáng kinh ngạc..., nếu tiếp tục thế này thì sẽ không thể nào điều hành đất nước được” - ông Hagel nói.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, phe Dân chủ, đang chi phối tại Thượng viện, ra tuyên bố nói sẽ bác dự thảo của phe Cộng hòa. Lãnh đạo phe Dân chủ Thượng viện Harry Reid nói mọi nỗ lực để trì hoãn Obamacare đều là “vô nghĩa”.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đàm phán vấn đề này trong tinh thần bình tĩnh và có lý lẽ. Người dân Mỹ sẽ không để bị những kẻ vô chính phủ của phe Tea Party tống tiền” - ông Harry Reid nói. Các nghị sĩ Dân chủ khác tỏ ra rất bi quan về tình hình.
“Tôi nghĩ chúng ta đang trên đường tới đóng cửa - nghị sĩ John Lewis, thành viên Đảng Dân chủ từng ở Hạ viện 27 năm, nói - Chúng ta gần điều đó hơn bao giờ hết”.
Lần cuối cùng chính quyền Mỹ bị đóng cửa là trong các năm 1995, 1996 dưới thời Clinton. Lần đó, phe Cộng hòa bị dư luận chỉ trích kịch liệt, điều giúp ông Clinton tái đắc cử năm 1996. Lần này phe Cộng hòa nói họ có chiến lược để tránh các tổn thất chính trị như vậy, đặc biệt là bằng dự luật để đảm bảo các nhân sự quốc phòng tiếp tục được trả lương khi chính phủ đóng cửa.
Theo đạo luật được thông qua từ sau nội chiến Mỹ 1865, chính quyền liên bang bị cấm chi tiêu quá số tiền đã được quốc hội phê chuẩn. Chỉ những nhân viên được coi là tối cần thiết cho sự “an toàn tính mạng hay bảo vệ tài sản” được miễn nghỉ việc trong giai đoạn này. Đây là lần thứ hai, chính quyền Obama đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Năm 2011, cuộc tranh cãi quanh vấn đề hạn mức nợ từng suýt buộc Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Theo Bloomberg, khoảng 3/4 trong tổng số 1.701 nhân viên của Tổng thống Mỹ sẽ được cho nghỉ ở nhà. Đội chuyên gia an ninh quốc gia và kinh tế của Tổng thống cũng phải nghỉ tầm 1/3 số nhân viên.
Hơn 40 lần bác Obamacare
“Nếu quốc hội quyết định không thông qua ngân sách vào thứ hai - ngày cuối cùng của năm tài khóa - họ sẽ đóng cửa chính quyền cùng với nhiều dịch vụ quan trọng khác mà người Mỹ cần” - Tổng thống Obama tuyên bố như vậy hôm 28/9. Đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama dự kiến tăng thêm khoảng 30 triệu người có bảo hiểm. Phe Cộng hòa từ lâu coi việc chống dự luật như là cuộc thánh chiến riêng của mình kể từ khi nắm Hạ viện năm 2010 đến nay.
Cho tới nay, phe Cộng hòa đã hơn 40 lần bỏ phiếu chống hay trì hoãn dự luật cải cách y tế của Tổng thống Obama. Và lần này họ muốn đóng cửa toàn chính phủ để buộc Tổng thống phải nhượng bộ.
Cả Hạ viện và Thượng viện đều đã thông qua các dự luật khác nhau về ngân sách. Lưỡng viện cần thống nhất dự luật này trước khi gửi Tổng thống ký để thành dự luật. Quốc hội Mỹ còn khoảng 24 giờ để thông qua dự luật nhưng với tình trạng đá bóng trách nhiệm hiện nay, điều này khó có thể xảy ra được.
Theo Tuổi trẻ