Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư ban hành quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có những tiêu chí như: 100% trẻ phải được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần; không xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm; được khám sức khoẻ định kỳ; có ít nhất 85% trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao theo tuổi....
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong số điều kiện công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thiếu tiêu chí về kết quả đào tạo trẻ dưới 5 tuổi. Theo những kết quả đã được công bố của Viện nghiên cứu phát triển trẻ thông minh sớm thì tiềm năng của một đứa trẻ được xác định trong những năm đầu, từ giây phút đầu tiên của cuộc sống đến những năm tháng chăm sóc ở gia đình và cơ sở nuôi dạy trẻ.
Giai đoạn mẫu giáo rất quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của trẻ. Ảnh: Thi Trân. |
Trong một hội thảo về trẻ thông minh sớm, tiến sĩ Phạm Mai Chi cho biết, các nghiên cứu và tìm hiểu về não bộ trẻ cho kết quả: một nửa sự phát triển quan trọng của não bộ ở đứa trẻ được hoàn thành vào thời điểm nó bắt đầu học mẫu giáo. Đặc biệt, trẻ em có các mạch thần kinh nếu không được kích thích trước khi học mẫu giáo thì sẽ không bao giờ có được sự thông minh đáng có. Bà cho rằng, 0-6 tuổi là thời kỳ vàng, cửa sổ của các cơ hội giáo dục khai mở tiềm năng cho trẻ.
Thời kỳ tốt nhất để phát triển sự gắn bó về mặt xã hội và tiếng nói của trẻ là trước 2 tuổi, nhận biết chữ là trước 3 tuổi và học đếm là trước 4 tuổi. Tiến sĩ Mai Chi cho hay bộ não trẻ ngay từ sơ sinh đã có những tiềm năng đáng kinh ngạc: lúc mới sinh trọng lượng não bằng 25% não người trưởng thành, 9 tháng tuổi gấp đôi so với não sơ sinh, 3 tuổi gấp 4 lần lúc mới sinh và 6 tuổi hầu như hoàn thiện về cấu trúc.
Bà dẫn lời A.Makarenko từng dự đoán nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục. Thực chất, đó là giáo dục khai phá và phát triển tiềm năng của con người.
Quy luật “tài năng thuyên giảm” tồn tại trong quá trình phát triển tài năng và tố chất của trẻ em. |
Giáo sư Shichida (Nhật Bản) từ những năm 1950 đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về phương pháp giáo dục mầm non. Những phát hiện và kết luận của ông đã làm xôn xao dư luận với phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được nhiều trường mầm non áp dụng. Theo đó, khoa học đã chứng minh rằng, não người phát triển với tốc độ cao nhất là trong giai đoạn sơ sinh, và quá trình phát triển gần như được hoàn thành khi ta 12 tuổi. Chính vì vậy, thực hiện những kích thích nhằm giúp bé có thể bộc lộ tài năng nên bắt đầu càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Mặt khác, ở não phải có một đường dẫn (vừa là đường đi của năng lượng cơ thể, vừa là nơi xử lý thông tin), khi bé được 6 tuổi thì đường dẫn này sẽ được hình thành một cách toàn vẹn. Chính vì thế mà khả năng để phát triển những tài năng của trẻ sẽ giảm đi một cách nhanh chóng cùng với độ tuổi của bé.
Giáo sư Shichida cũng đã công bố nghiên cứu về sự quan trọng của “Chế độ dinh dưỡng” từ năm 1980. Với kinh nghiệm của bản thân, ông khẳng định thực phẩm dinh dưỡng và sự phát triển của não bộ là những thứ không thể tách rời. Khái niệm “Chế độ dinh dưỡng” đã được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục. Ông cũng cân nhắc những tác động, kích thích tích cực để giúp não bộ phát triển một cách toàn diện mà không tạo ra sự chênh lệch giữa não trái và não phải.
"Các bài tập thể dục và chế độ dinh dưỡng thích hợp cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Bên cạnh đó, giáo dục mầm non, mẫu giáo cần đặt mục tiêu quan trọng là giáo dục toàn bộ nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, dạy bé những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, các quy tắc xã hội, cũng như việc phát triển những cảm xúc và tinh thần cộng đồng", một chuyên gia nghiên cứu về phát triển thông minh sớm cho trẻ nói.
Theo Vnexpress