Anh Phúc kể lại giây phút sinh tử được gia đình ông Hồ Sở cứu sống giữa dòng nước lũ ngày 15/11. Ảnh: Trí Tín. |
Đang tất bật dọn dẹp, anh Nguyễn Hồng Phúc bảo "không thể tin mình được sống thêm lần nữa". Vẫn còn thảng thốt, anh Phúc kể, sáng 15/11, hai vợ chồng đang chăm sóc đồng dưa ở bãi bồi giữa hai nhánh sông Vệ thì trời đổ mưa to kèm theo gió lớn. Lo sợ nguy hiểm cho vợ, anh chèo ghe đưa chị qua trú tạm ở xã Hành Tín Tây, sau đó quay lại bãi bồi tiếp tục công việc. Chưa đầy 1 tiếng sau, nước lũ đổ về cuồn cuộn cuốn trôi ghe, anh chới với giữa biển nước mênh mông.
"Lạnh và đói khát, ngỡ đời mình thế là hết. Trong lúc tôi tuyệt vọng sắp buông xuôi thì ghe của cha con ông Hồ Sở băng băng qua dòng nước lũ chảy xiết, đến ứng cứu kịp. Cả con bò cái của tôi cũng được lai theo ghe, thoát chết. Gia đình ông Sở đã đưa tôi từ cõi chết trở về", anh Phúc nói.
Sau khi cứu được anh Phúc, gia đình ông Sở tiếp tục chèo ghe lần lượt đưa gần 100 người dân vùng trũng ven sông ở xóm Cát lên vùng cao Gò Chè, thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây trú tránh lũ an toàn.
Bà Phan Thị Thi ở thôn Phú Khương cho biết, khoảng 19h hôm 15/11, lũ rào rào đổ về rồi dâng rất nhanh không ai ngờ được. "Chưa kịp thu gom tài sản thì lũ đã ngập lên đến tận đầu người, vợ chồng tôi vội bắc thang leo lên nóc nhà. Lúc ấy sợ nhất là căn nhà sẽ đổ sập nên chúng tôi chỉ biết hợp sức kêu cứu", bà Thi kể.
Ông Hồ Sở (trái) cùng các thành viên tham gia cứu sống gần trăm người trong trận lũ kinh hoàng vừa qua. Ảnh: Trí Tín. |
Nghe tiếng kêu gào thất thanh, ông Sở cùng những người con chèo ghe ngược dòng nước xiết đến cứu hai vợ chồng bà Thi đưa lên vùng cao. Lo cứu người mà không kịp di dời tài sản, trận lũ đã cuốn trôi của gia đình ông Sở 5 con heo cùng nhiều đồ đạc, vật dụng sản xuất, gây ngập nhiều lu bể đựng lúa, bắp.
"Lũ cuốn trôi hết, hư hại hết, nhưng tôi nghĩ còn người thì còn của. Chứ nghe bà con kêu cứu át cả tiếng ầm ầm nước lũ mà đau lòng quá. Biết là chèo ghe giữa biển nước lũ cuồn cuộn trong đêm có thể nguy hiểm tính mạng, nhưng thấy bà con đang đối mặt với cái chết mà không cứu thì lòng không chịu được", ông Sở lý giải.
Thiên tai tàn khốc cuốn trôi tất cả, song tình làng vẫn còn ở lại sưởi ấm lòng bà con ở vùng rốn lũ. Người dân xã Hành Tín Tây không chỉ nhắc nhở ơn cứu mạng của gia đình ông Sở mà còn cảm động trước nghĩa cử cao đẹp quên mình cứu người của ông Phan Thuận cùng hai thanh niên khác trong thôn Phú Khương.
Sau ba ngày xảy ra trận lũ vượt đỉnh lịch sử, ông Thuận không thể nhớ mình cùng hai thanh niên trong thôn đã cứu biết bao nhiêu người ở vùng cô lập. Bà Bùi Thị Tuyết (vợ ông Thuận) cho biết, nghe lũ lớn tràn về lúc 8h ngày 15/11, ông Thuận rời nhà cùng anh Phan Văn Phát chèo ghe về xóm Cát, thôn Phú Khương giúp người dân sơ tán lên vùng gò Chè trú tránh.
"Tôi trùm nón, mặc áo mưa ra đầu dốc hồi hộp chờ mỗi chuyến ghe chở người trong vùng rốn lũ ra mà lo đến thót tim. Trời về đêm, nước lũ càng dâng cao, tôi càng sợ những chuyến ghe của chồng lỡ có gì bất trắc. Đến gần 1h sáng 16/11 ổng run bần bật về đến", bà Tuyết nhìn chồng đầy tình cảm.
Sau khi cứu hơn 140 người dân trong lũ dữ, ông Phan Thuận ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây trở về vui vẻ bên con cháu. Ảnh: Trí Tín. |
Suốt cả ngày đi cùng ghe ông Thuận, nhiều lúc anh Phát phải phá ron mè, dỡ ngói cứu hàng chục người đưa từ mái nhà xuống ghe nên đến trưa thì anh đã kiệt sức. Không thể yên lòng trước tình thế nguy cấp của bà con, ông Thuận đi gọi anh Phan Xuân cùng thôn tiếp tục lên đường. Hễ nghe tiếng ai kêu ở đâu là họ lại vội vàng lao ghe đến.
"Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao trong hôm đó sức chịu đựng của mình lại dữ vậy. Chỉ tới khi về nhà, đặt lưng xuống giường mới thấy cơ thể rã rời. Lũ đi qua, thấy bà con còn sống hết là tôi mừng lắm rồi", ông Thuận bộc bạch.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho hay, ông Thuận đã cứu hơn 42 hộ dân, gia đình ông Hồ Sở cứu 25 hộ với tổng cộng 240 người bị cô lập. Mừng nhất là cơn lũ vượt đỉnh lịch sử hơn 1m gây ngập sâu trên địa bàn toàn xã nhưng đã không gây thiệt hại về người.
"Có được niềm vui này là nhờ lòng quả cảm, nặng nghĩa tình làng xóm của những người tốt bụng như ông Thuận, ông Sở và đội thanh niên xung kích của xã", ông Như nói.
Hiện, huyện Nghĩa Hành đang hoàn tất thủ tục để kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen, tuyên dương ông Hồ Sở, Phan Thuận cùng một số thành viên tham gia cứu người thoát khỏi hoạn nạn trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Theo Tri Thức