Tăng cước 3G vì không thể bán dịch vụ dưới giá thành

Thứ năm, 21/11/2013, 09:26
Giá cước hiện tại chưa bằng 50% giá thành, chỉ tăng với người có thu nhập cao. Lý do tăng không chỉ để bù đắp khoản doanh thu giảm do các dịch vụ OTT như Viber, KaKao… Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, việc tăng cước là bình thường.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 20/11, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son nhận được nhiều câu hỏi về việc 3 nhà mạng viễn thông đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) thắc mắc, việc các nhà mạng bắt tay nhau đồng loạt tăng giá cước 3G với lý do báo lỗ có hợp lý không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) trình bày, việc bùng nổ các dịch vụ OTT như Viber, WhatsApp, Line, KaKao… và việc người dùng smartphone tăng mạnh mang lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng lại làm giảm doanh thu của các nhà mạng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không thể vì lý do đó để tăng cước.
Bà Hải đặt câu hỏi: “Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ chỉ đạo gì đến các doanh nghiệp trong ngành để có phương thức cạnh tranh thay vì tăng cước để bù khoản doanh thu giảm?”.
Tăng cước 3G vì không thể bán dịch vụ dưới giá thành
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: "Sao tăng giá cước nhưng không tăng chất lượng dịch vụ?".

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích, thị trường viễn thông Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua nhưng giá cước từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng. Các báo cáo thống kê hàng năm thì giá cước viễn thông đều giảm. Tăng giá cước viễn thông là chủ trương chung của Nhà nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với những quy định hiện hành cũng như cam kết của Việt Nam với quốc tế.

“Chúng ta không thể bán dịch vụ dưới giá thành. Thời gian qua, giá của ta so với khối ASEAN thấp hơn 34,9%, so với châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn 34-57%. Ta bán chưa đầy 50% giá thành, nâng giá 3G vừa qua cũng vẫn chưa đủ giá thành” - ông Son nói.

Hơn nữa, trong số 130 triệu thuê bao di động, mới chỉ có gần 19 triệu thuê bao là 3G. Việc nâng giá lần này cũng mới chỉ áp dụng với gói 3G data để truyền, tải dữ liệu, còn cước thoại vẫn giữ nguyên. Việc tăng giá như vậy cơ bản chỉ tăng đối với người thu nhập cao (người có điều kiện dùng smartphone). Sau 1 tháng tăng cước, doanh thu của các nhà mạng tăng thêm được 2%.

Bộ trưởng TT-TT khẳng định, tăng giá là việc bình thường trong cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Như năm 2012, VNPT đóng góp 7.300 tỷ đồng, Viettel 11.300 tỷ đồng cho ngân sách.

Một lý do khác của việc tăng giá cước, Việt Nam hiện vẫn phải dùng mạng do quốc tế cung cấp, nhà mạng phải thanh toán với nước ngoài nên không thể giữ mãi việc thanh toán giá cao để bán lại dịch vụ giá rẻ được.

Về “nghi vấn” tăng cước để bù khoản hụt thu do các dịch vụ OTT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lập luận, thực ra, các dịch vụ OTT cung cấp cho người dùng tiện ích thoại, nhắn tin… miễn phí là hoạt động lợi dụng mạng viễn thông để kinh doanh. OTT đã làm ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng, năm 2013 là 23 tỷ đồng, năm 2016 theo tính toán sẽ là 54 tỷ.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đợt tăng cước lần này nằm trong lộ trình định sẵn.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Đợt tăng cước lần này nằm trong lộ trình định sẵn".

Không chủ trương ngăn chặn OTT, ông Son quả quyết, cần chấp nhận việc này như sự phát triển mới của khoa học, kỹ thuật để từng bước đi tới quản lý, vận hành một cách cạnh tranh để các đơn vị cung cấp dịch vụ này phải cùng chia sẻ chi phí với nhà mạng để phát triển.

Một lần nữa, ông Son nhấn mạnh, đợt tăng cước lần này nằm trong lộ trình định sẵn.

Chưa phục, nữ đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng TT-TT làm rõ thêm vấn đề, tăng giá cước 3G lần này chỉ để bù đắp cho doanh thu bị giảm vì OTT? Băn khoăn về vấn đề này, theo bà Hải là vì có việc tăng giá nhưng không tăng chất lượng dịch vụ, thậm chí là giảm sút.

Tư lệnh ngành TT-TT thẳng thắn, việc tăng cước có một phần để bù lại khoản giảm thu vì dịch vụ OTT nhưng không phải chỉ vì lý do này. Tăng cước cơ bản để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông, để thực hiện các nghị định của Chính phủ cũng như quy định của Luật Giá.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng xác nhận vấn đề chất lượng mạng 3G chưa cao. Ông Son giải thích, các nhà mạng đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD để cung cấp dịch vụ này, mới khai thác được thời gian ngắn, chưa đủ hoàn vốn, nguồn thu cũng chưa đủ để đầu tư nâng chất lượng dịch vụ trong khi người dùng đang tăng lên rất nhanh.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn