Những đứa trẻ xóm nghèo đang được học chữ tại lớp học của ông Hùng
Cứ mỗi chiều, căn nhà trọ nằm trên đường Liên khu 5-11-12, khu phố 5 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) của ông Đoàn Minh Hùng (51 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kim Chi (49 tuổi) lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập bởi sự có mặt của hàng chục đứa trẻ. Chúng là con em của những người lao động nghèo trong xóm kéo về đây để học đọc, học viết.
Ông Hùng tâm sự, khoảng 4 năm trước, vợ chồng ông rời quê Vũng Tàu lên thành phố lập nghiệp, mưu sinh bằng đủ thứ nghề kiếm sống. Phiêu bạt, bôn ba chốn Sài Thành, vợ chồng ông Hùng tiếp xúc với đủ tầng lớp, trong đó những người lao động nghèo và đám trẻ lang thang, cơ nhỡ luôn ám ảnh, đánh động lòng trắc ẩn của đôi vợ chồng này.
Hình ảnh những đứa trẻ ban ngày vất vả đi bán vé số, đánh giày… Đêm về, chúng chạy nhảy, đánh chửi nhau rồi văng tục ồn ào, còn nhỏ tuổi mà đám trẻ đã tiếp xúc với những chuyện không tốt thì sau này lớn lên sẽ như thế nào?... Sau những đêm trằn trọc, lại từng có bằng tú tài nên ông Hùng nảy sinh ý định tập hợp bọn trẻ lại, dạy cho chúng biết đọc, biết viết trong chính căn phòng trọ chật chội của gia đình.
Ban ngày vất vả mưu sinh, màn đêm buông xuống ông Hùng bắt đầu "vào vai" người thầy
“Ý tưởng thì đã có, nhưng khó khăn nhất là sợ vợ không đồng ý, mấy đứa con phản ứng như thế nào? Sách vở, bàn ghế đâu? Liệu cha mẹ đám trẻ có cho con đến học hay không?” - Ông Hùng nhớ lại. Tuy nhiên, những khó khăn đó mau chóng được giải tỏa khi vợ cùng 2 con ưng thuận, đồng lòng. Buổi học đầu tiên, ông dạy cho 10 đứa trẻ. Rồi cứ thế, ban ngày các em toả đi kiếm sống cùng cha mẹ, đêm về lại sang lớp học của ông Hùng từng con chữ.
Từ ngày có lớp học của ông, những đứa trẻ trong xóm có những biểu hiện tích cực, ngoan hiền hơn. Các gia đình xung quanh đã tin tưởng, tìm đến gửi con em vào học đông hơn. Ban đầu từ 10 em rồi nhanh chóng lên trên 20 trẻ. Cái phòng trọ nhỏ bé ấy chẳng mấy chốc đã không còn chỗ trống. Nhìn đám trẻ chen chúc nhau, nhễ nhại mồ hôi ngồi học, ông Hùng lại đau đáu suy nghĩ, tìm cách mở rộng lớp học.
Tiền không có nên ông Hùng bàn cùng vợ con về quê, bán đi phần đất được chia ở dưới Vũng Tàu lấy tiền, thuê nhà buôn bán, đồng thời cho các cháu có thêm cơ hội được học hành. Cầm số tiền 240 triệu đồng, ông bắt đầu tìm căn nhà mới, phía trước ông mở quán cơm chay với giá bình dân, phía trong ông dành chỗ cho mấy cháu ngồi học.
Những đứa trẻ xóm nghèo được ông Hùng uốn nắn từng con chữ
Do đặc thù là vùng đất mới nên dân ngoại tỉnh về đây cư ngụ khá nhiều, những đứa trẻ cũng vì thế mà cũng không được vào trường học hành đàng hoàng. Đói cơm khát nước có thể cho ăn cho uống được, chứ đói chữ thì hỏng cả con người, nhân cách, ông Hùng suy nghĩ vậy nên chẳng ngại ngần tiếp nhận những đứa trẻ dù đã 12, 13 tuổi vẫn chưa biết chữ, vận động vào lớp học. “Thấy nhiều đứa trẻ không cha không mẹ được mấy bác xe ôm mang đến nhờ giúp đỡ, vợ chồng tôi cầm lòng không đặng đã nhận lời nuôi nấng, dạy chữ nghĩa cho chúng, chỉ mong bọn trẻ sau này có thể nên người” - Ông Hùng tâm sự.
Mỗi buổi dạy, không chỉ một mình ông Hùng đứng lớp mà cả hai đứa con của ông là Đoàn Nguyễn Thiên Ngân (học lớp 6) và Đoàn Nguyễn Bách Tùng (đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học) cũng “vào vai” thầy giáo, cô giáo dạy chữ. “Em đứng lớp được 3 năm rồi, từ ngày được các em gọi là “thầy”, em cảm thấy tự hào lắm. Nhìn các em tiến bộ nhanh chóng, từ không biết chữ, cư xử ngang tàng đến bây giờ đã biết chữ, đã biết nghe lời cha mẹ, ông bà em cũng thấy vui lây. Có ngày bận, không được giảng bài, dạy toán cho các em là em thấy buồn và nhớ lắm” - Tùng tâm sự.
Con gái ông Hùng (đang học lớp 6) cũng dạy chữ cho đám trẻ
Ông Hùng chia sẻ thêm, “quả ngọt” mà ông được hưởng là những đứa trẻ rượt đánh nhau, chửi thề, văng tục ngày nào giờ đã biết đi thưa, về trình, như cu Phát (10 tuổi) từ một đứa trẻ suốt ngày đi ăn cắp vặt, nay đã biết trả lại của rơi, biết giăng mùng cho bà ngoại trước khi đi ngủ. Hay như câu chuyện của bé Nguyễn Thị Hoàng Vy (13 tuổi) không biết chữ do nhà nghèo, không có tiền đi học, sau 3 tháng đến lớp của ông, em đã biết đọc, viết thành thạo…
Nụ cười hạnh phúc, đôn hậu của ông Hùng sau mỗi buổi đứng lớp
Sau mỗi buổi học, ông Hùng cần mẫn lao động mưu sinh, kiếm tiền nuôi gia đình cũng như nuôi lớp học "cổ tích" của mình. Với ông, được nghe đám trẻ ê a, cười đùa là niềm hạnh phúc!
Theo Dân Trí