Chuyện may quân phục ‘thần tốc’ cuối cùng cho Đại tướng

Thứ năm, 21/11/2013, 18:53
Theo mong muốn của gia đình, bộ quân phục mặc cho Đại tướng lần cuối là bộ lễ phục K-82 màu be, kiểu cũ. Con trai Đại tướng cầm bộ quần áo mà sinh thời người cha vô cùng yêu thích không giấu nổi sự xúc động.

Phục vụ  Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Xí nghiệp Đo may Quân đội (Công ty Cổ phần X.20 - Tổng cục Hậu cần) được giao nhiệm vụ đặc biệt. Đó là: May gấp bộ lễ phục kiểu cũ (K-82), màu be - bộ lễ phục mà sinh thời Đại tướng rất yêu thích, để mặc lần cuối cùng cho Đại tướng và hoàn thành hơn 120 mét vải phủ lên khung bạt tại đường dẫn cho khách vào viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia.

Xung quanh nhiệm vụ đó, có nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tình cảm đặc biệt của những người lính thợ Công ty Cổ phần X.20 với vị Đại tướng của Nhân dân.

Mệnh lệnh đặc biệt

Tiếp chúng tôi tại gian phòng làm việc có treo nhiều bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tá Hoàng Sĩ Tâm, Giám đốc Xí nghiệp Đo may, người được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức may bộ quân phục kể: Ngày 7/10 (3 ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần), anh nhận được lệnh của lãnh đạo Công ty giao nhiệm vụ cho Xí nghiệp phải tổ chức đo may gấp bộ quân phục để Đại tướng mặc lần cuối cùng, thời hạn bàn giao cho gia đình Đại tướng trước ngày 11/10. Anh lập tức cùng lãnh đạo, chỉ huy Công ty đến gặp gỡ gia đình để lắng nghe nguyện vọng, yêu cầu của gia đình Đại tướng.

Theo mong muốn của gia đình, bộ quân phục mặc cho Người lần cuối nên chọn bộ lễ phục K-82 màu be, kiểu cũ. Đây là bộ lễ phục mà sinh thời Đại tướng rất yêu thích. Thấu hiểu nguyện vọng của gia đình, các anh trong Công ty đã xin phép gia đình được tìm xem lại tất cả các bộ quân phục cũ của Đại tướng để đo, xác định lại cỡ số; đồng thời, thống nhất thêm một số chi tiết, phụ kiện đi kèm và ấn định thời gian bàn giao.

Tổ công tác nén lòng để chau chuốt từng đường kim mũi chỉ hoàn thành gấp bộ quân phục cuối cùng cho Đại tướng.

Theo tâm sự của anh Tâm, từ năm 2002, anh đã vinh dự được trực tiếp đến nhà riêng để lấy số đo quân phục các loại cho Đại tướng. Đặc biệt, năm 2008, khi bắt đầu chủ trương thay đổi quân phục mới, anh còn vinh dự được đến 2 lần. Từ năm 2009, khi Đại tướng vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các anh mặc dù không trực tiếp đến đo may nhưng năm nào cũng may một bộ quân phục tiêu chuẩn của Đại tướng theo cỡ số cũ chuyển đến gia đình.

Tiếc thương nén vào từng đường kim, mũi chỉ.

Sau khi từ gia đình Đại tướng về, Trung tá Hoàng Sĩ Tâm triệu tập gấp một tổ đặc biệt, bao gồm những người thợ kỹ thuật khéo tay, có phẩm chất đạo đức tốt nhất của Xí nghiệp. Nguyên liệu, phụ liệu được chọn lựa kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Dự kiến ban đầu, tổ công tác chỉ từ 7 đến 8 đồng chí, tuy nhiên, thấy nhiều người có nguyện vọng, tha thiết được tham gia góp sức nên anh Tâm đành nhất trí nâng số thành viên lên 12 người.

Đích thân Giám đốc Tâm, “tay kéo vàng” của Xí nghiệp một thời trực tiếp ngồi máy, thao tác những kỹ thuật phức tạp nhất. "Thỉnh thoảng, trong phòng làm việc, lại có tiếng thút thít lẫn trong tiếng chạy rì rì của máy khâu. Thấy thế, mọi người lại cùng òa lên", trung tá Hoàng Sĩ Tâm nói.

Tuy nhiên, vì tiến độ, chất lượng công việc, họ lại phải động viên nhau kìm nén, chuyển tình cảm, nỗi đau thương, mất mát của mình vào từng đường kim, mũi chỉ, để sản phẩm đảm bảo tinh túy nhất, chuẩn mực nhất.

Có kinh nghiệm lâu năm trong việc phục vụ tang lễ của các vị lãnh tụ, nguyên thủ nên anh Tâm chủ động đưa thêm một số chi tiết vào cho phù hợp với tư thế, dáng điệu của Đại tướng khi nằm. Anh cũng tự tay thiết kế bộ quần áo bằng lụa trắng để khâm liệm Đại tướng.

Với tinh thần làm việc “chuyển đau thương bằng hành động”, đến ngày 9/10 (sau hơn 1 ngày triển khai), bộ quân phục và toàn bộ các phụ kiện đi kèm đã hoàn tất. Sau khi hoàn thành, tất cả bộ quân phục và các phụ kiện đều được giặt là, lau sạch, bảo đảm sạch sẽ, thơm tho nhất.

Ngoài quân phục, anh trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp khác là: Công ty Cổ phần 32, Công ty Cổ phần 26 (Tổng cục Hậu cần) để yêu cầu hỗ trợ thêm các chi tiết, quân trang đi kèm cho đồng bộ gồm: Giầy, mũ, cầu vai, cấp hiệu, tất... Các sản phẩm đi kèm đều được Trung tá Hoàng Sĩ Tâm chuẩn bị thêm một bộ dự phòng, để gia đình tiện lựa chọn.

Buổi tối 9/10, Trung tá Hoàng Sĩ Tâm quyết định ngủ lại tại phòng làm việc, ngay cạnh bộ quân phục để sáng sớm hôm sau mang lên giao cho gia đình Đại tướng. Cả đêm anh thao thức, trằn trọc, nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại những lần vinh dự được trực tiếp gặp, lấy số đo cho Đại tướng.

6h30 phút sáng hôm sau, tại nhà riêng của Đại tướng, bộ quân phục may trong thời gian “thần tốc” đã được Trung tá Hoàng Sĩ Tâm và lãnh đạo Công ty Cổ phần X.20 bàn giao cho anh Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng. Cầm bộ quần áo mà sinh thời, người cha vô cùng yêu thích, anh Nam không giấu nổi sự xúc động. Đặc biệt, cả bộ quân phục và các chi tiết đi kèm đều chuẩn xác, đúng nguyện vọng của gia đình.

Nhiệm vụ… triển khai trong đêm

Sau khi bàn giao bộ quân phục cuối cùng của Đại tướng cho gia đình, Trung tá Hoàng Sĩ Tâm lại tiếp tục nhận được lệnh của cấp trên: Tập trung lực lượng triển khai may gấp toàn bộ hệ thống vải bạt phủ lên khung đường dẫn khách vào viếng từ cổng vào nhà Tang lễ Quốc gia. Không chần chừ, anh lại tiếp tục quay xe chạy thẳng lên Nhà tang lễ để nhận nhiệm vụ. Chưa kịp gọi cán bộ, một mình anh phải trực tiếp đo đạc, ghi chép các thông số kỹ thuật của bộ khung.

Đại tá Dương Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần X.20 bàn giao bộ quân phục và các phụ kiện cho đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đo đạc xong, anh ra về đồng hồ đã chỉ hơn 22h khuya. Ngồi trên xe, anh gọi điện triệu tập gấp 17 thợ kỹ thuật để triển khai thực hiện ngay trong đêm. Mặc dù anh em đều đang nghỉ ngơi bên gia đình, nhưng khi nhận nhiệm vụ đều rất nhiệt tình, hăng hái, có mặt đúng giờ.

Triển khai công việc xong cho các bộ phận, Trung tá Hoàng Sĩ Tâm và các nhân viên bắt đầu tổ chức đo, cắt, may, ai cũng khẩn trương, chuẩn xác. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ (12h đêm), hơn 120 mét vải bạt với 2 kích cỡ khác nhau đã được may xong. Chẳng cần để ý đến thời gian, tất cả lại chuẩn bị dụng cụ, dây chằng, kim băng để mang lên Nhà tang lễ lắp ngay trong đêm.

Tất cả đều bật khóc khi phủ bạt lên khung, kéo ra, cả 2 tấm bạt đều vừa như in, không phải chỉnh sửa gì. Lúc này, đồng hồ đã chỉ 1h30 phút sáng. Các thủ trưởng trong Ban Tổ chức chứng kiến những người lính thợ hoàn thành nhiệm vụ một cách “thần tốc”, chuẩn xác đã hết lời biểu dương, khen ngợi, khiến cho anh em quên cả đói, mệt. Lúc đó, Trung tá Hoàng Sĩ Tâm mới nhớ mình cũng chưa kịp ăn gì.

Còn chi tiết khiến chúng tôi hết sức xúc động khi nghe Trung tá Hoàng Sĩ Tâm kể về nhân viên của mình. Đó là, khi cấp trên đề nghị Xí nghiệp lập danh sách các cá nhân đã tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ để tổ chức biểu dương, khen thưởng, tất cả các thành viên đều từ chối.

Tất cả đều chung một quan điểm rằng: Được đại diện cho những người lính hậu cần góp phần nhỏ bé của mình tổ chức thành công Lễ tang cho Đại tướng đã là một phần thưởng vô giá, không một phần thưởng nào có thể thay thế được. Hơn nữa, đây cũng là dịp để cán bộ, nhân viên Công ty bày tỏ tình cảm, lòng kính trọng vững bền với vị Đại tướng của Nhân dân, người Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là trách nhiệm, là mệnh lệnh từ trái tim...”.

Chúng tôi tạm biệt Trung tá Hoàng Sĩ Tâm, vừa lúc anh nhận nhiệm vụ của cấp trên giao cho Xí nghiệp may gấp 60 bộ lễ phục Hè và Đông cho các chiến sĩ cảnh vệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ mộ Đại tướng tại Quảng Bình. Vừa nghe xong, đã thấy anh bấm máy, gọi cho cấp dưới của mình lên gấp phòng làm việc để triển khai nhiệm vụ mới.

Theo QĐND

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn