Sự kiện nam ca sĩ Tuấn Hưng đăng hình ảnh chiếc vé chương trình “Bài hát yêu thích” tháng 7 trên trang cá nhân kèm theo những lời văng tục nhắm vào chương trình này và nhạc sĩ Huy Tuấn - giám đốc âm nhạc của chương trình - trở thành tâm điểm của công luận trong nhiều ngày qua. Chuyện hình ảnh, tên nghệ sĩ được sắp xếp như thế nào trên vé hoặc băng-rôn quảng cáo của các chương trình, vở diễn chuẩn bị ra mắt công chúng từ nhiều năm qua luôn là những câu chuyện cười ra nước mắt.
Ngôi sao “duyệt” quảng cáo
Thật khó tin nhưng đây là thực tế, đã và đang diễn ra. Trong giới sân khấu, không ai quên sự kiện chỉ vì tấm băng-rôn quảng cáo mà nghệ sĩ V. đứng trước rạp Hào Huê (nay là rạp Nhân Dân) chửi bới bầu sô M. rồi leo lên ôtô quay về, dù rất đông khán giả mua vé để chờ xem anh diễn. Nguyên nhân chính là tên của anh đứng sau tên một ca sĩ đàn em, mà đêm diễn đó chàng ca sĩ đàn em này gần như “bao trọn” kinh phí tổ chức để tự lăng-xê mình. Tội nghiệp cho ông bầu, từ đó về sau, mỗi lần muốn mời nghệ sĩ V. diễn, nhà tổ chức này phải đưa cho V. xem mẫu thiết kế băng-rôn quảng cáo, nếu thấy đúng ý thì V. mới nhận lời.
Từ lâu rồi, luật bất thành văn của sân khấu cải lương là cặp đào - kép chánh trở thành thương hiệu của một đoàn hát, một vở diễn và đương nhiên trên tấm băng-rôn, tờ rơi hoặc pa-nô quảng cáo, vé bán đều phải đặt hình ảnh đôi đào - kép chánh ở vị trí trung tâm. Về sau này, có bổ sung, chủ yếu là đơn vị nghệ thuật quốc doanh, nghệ sĩ mang danh hiệu NSND, NSƯT phải được trang trí tương xứng hoặc đứng trước đào - kép chánh một khi đào kép chánh ấy chưa được phong tặng những danh hiệu này.
Thế là sóng gió nổi lên. Các đào - kép chánh khó chịu khi hình ảnh của mình bị lép vế, nhất là khi có áp lực từ người hâm mộ yêu cầu nghệ sĩ của mình phải đòi lại “sự công bằng”. NSƯT Hữu Quốc, nổi tiếng chuyên đóng vai lão, cho biết khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, hình ảnh của anh bao giờ cũng được bố trí cao hơn đào - kép chánh. “Thế là một giai đoạn tôi bị “fan” của các đào kép chánh mắng là chảnh, họ phản đối hình ảnh kép lão xếp trước kép chánh khiến tôi phải yêu cầu các nhà tổ chức không nên gây mâu thuẫn. Hãy xếp tên và hình ảnh tôi cuối cùng trong danh sách quảng cáo cũng không sao” - NSƯT Hữu Quốc cho hay.
Một lần, có một nam nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu NSƯT, phản ứng vì sao tên của anh đứng sau tên “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, ông Phan Quốc Hùng - nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - đã bình thản đáp: “Xét về nghề và tuổi tác, anh vẫn thua xa nghệ sĩ Tấn Tài, danh hiệu NSƯT của anh không thể cho phép anh leo qua đầu “Hoàng đế”. Vì nghệ sĩ Tấn Tài được bà con khán giả đặt biệt danh “Hoàng đế dĩa nhựa” từ khi anh còn là một kép hát ở tỉnh”.
Kèn cựa nhau từng tí
Trên sân khấu cải lương, những đôi đào - kép chánh hát chung một sàn diễn, cùng một đoàn nghệ thuật, trưởng đoàn cũng đau đầu khi phải nghĩ cách sao cho vừa lòng cả hai. Có ông trưởng đoàn nghĩ ra sáng kiến thực hiện 2 bảng quảng cáo khác nhau, bảng này có tên kép đứng trước đào đứng sau, bảng kia ngược lại, như thế chẳng ai kèn cựa ai.
Nghệ sĩ Tú Trinh kể có lần diễn vở “Tình mẫu tử”, chị thương đạo diễn Diệp Lang, gần đến giờ mở màn, một nghệ sĩ điện thoại báo với ông rằng suất diễn tối đó anh ta không đến rạp vì bức xúc khi thấy quảng cáo trên màn ảnh nhỏ không có tên mình. Nghệ sĩ Diệp Lang thuyết phục mãi anh mới đến và chỉ báo là diễn suất cuối cùng, đoàn phải tìm nghệ sĩ khác để thay. Cả đoàn rối bời vì nghệ sĩ đòi bỏ vai cũng là một tên tuổi lớn. Khi vào hậu trường, nghệ sĩ Kim Ngọc đã dạy cho anh ta bài học. Chị nói: “Em à, đời chị đi diễn mấy chục năm, chưa bao giờ quan tâm đến tấm băng-rôn, quan trọng là khi mình bước ra sàn diễn, khán giả có vỗ tay không...”.
Với rất nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương, chuyện tên đứng trước, đứng sau trên tấm băng-rôn đã từng gây ra biết bao mâu thuẫn, hiểu lầm nhau rồi nảy sinh vô số việc tiêu cực ở hậu trường.
Ông bầu Duy Ngọc kể lại: “Hồi những năm 1990, sau Giải thưởng Trần Hữu Trang, tôi mời Vũ Linh diễn với các cô đào: Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy. Thế là “fan” của mỗi cô chửi nhau muốn banh rạp chỉ vì tên và hình cô này đặt sau cô kia. Rút kinh nghiệm, tôi đặt hình Vũ Linh ở giữa, rồi hình 5 cô nằm trọn trong 5 cánh hoa mai. Vậy là hòa cả làng”.
NSƯT Thành Lộc từng tâm sự những vở diễn nào chỉ duy nhất mình anh là NSƯT tham gia, anh đề nghị người đọc danh sách nghệ sĩ và bảng phân vai không đọc danh hiệu của anh, còn nếu có NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên thì bắt buộc phải đọc nhưng không vì thế mà NSƯT Mỹ Duyên có thể được giới thiệu trước nghệ sĩ Phương Dung, Phi Phụng. Từ quan niệm đúng đắn này, băng-rôn và tờ rơi của Sân khấu Kịch IDECAF 15 năm qua chỉ chú trọng đến tính cách nhân vật của vở diễn chứ không bố cục theo tiêu chí danh hiệu hoặc tên tuổi thị trường.
Vị trí trong lòng công chúng mới quan trọng Với giới nghệ sĩ, hình ảnh và danh hiệu to đẹp nhất chính là sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật và phần thưởng cao quý chính là những tràng pháo tay sau mỗi lần họ xuất hiện. Nói về vấn đề này, NSND Kim Cương chia sẻ: “Quan niệm hình ảnh nghệ sĩ trên tấm băng-rôn phải to hơn đồng nghiệp để chứng tỏ giá trị tên tuổi lớn đã quá xưa. Vấn đề là vai diễn, bài hát, tiết mục của nghệ sĩ đó có được công chúng yêu thích và mang lại hiệu quả nghệ thuật cho một đêm diễn hay không”. NSƯT Hữu Quốc viết trên trang cá nhân của mình: “Thần tượng của tôi - NSND Diệp Lang - đã từng dạy tôi khi tên cũng như hình ảnh của ông đứng phía sau nhiều nghệ sĩ... (lúc đó ông chưa được phong tặng NSND) rằng: Cái tên và hình ảnh của con đứng ở vị trí nào không quan trọng, quan trọng là khán giả có chịu nhìn và đọc tên con không”. |