Vì sao Dũng 'khùng' chọn Hoài Linh, không chọn Thành Lộc?

Thứ năm, 16/03/2017, 08:34
Đạo diễn "Nụ hôn thần chết" cho biết có rất nhiều lý do để anh mời Hoài Linh tham gia bộ phim điện ảnh "Dạ cổ hoài lang", mà không chọn bất kỳ ai khác.

Hơn 20 năm trước, vở kịch Dạ cổ hoài lang công chiếu đã tạo nên cơn sốt, hiện tượng của làng kịch Sài Gòn. Hàng dài khán giả xếp hàng để được xem vở diễn kể về hai ông già lạc lõng ở Mỹ. Sân khấu 5B khi ấy phải xếp 3 suất diễn mỗi ngày nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đến nay Dạ cổ hoài lang đã diễn được hơn 1.000 suất.

Hoài Linh không đặt nặng cát-xê đóng phim

Chuyển thể kịch bản sân khấu, lại là vở diễn đã in đậm trong tâm trí khán giả là thách thức lớn với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Anh đã chọn một kịch bản tâm lý trong thời điểm hài đang phủ sóng từ game show đến phim ảnh nên không dễ thuyết phục nhà sản xuất.

Đạo diễn Dũng khùng. Ảnh: Bá Ngọc.

Không những thế, bối cảnh lại quá ít khi chỉ xoay quanh hai địa điểm – trong nhà và sân thượng. Bối cảnh quay ở nước ngoài - sẽ đẩy kinh phí lên nhiều. Vì thế nhà sản xuất phân vân rất lâu trước khi đồng ý đầu tư làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ: “Yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đồng ý là anh Hoài Linh tham gia phim”. Lâu nay, trong nghề luôn truyền nhau tin mời Hoài Linh tham gia phim khó lắm, cát-xê cao lắm nhưng với Dạ cổ hoài lang, nam danh hài tham gia quyết tâm, nhiệt tình.

Dũng "khùng" kể, anh gặp danh hài tại sân khấu, chính Sáu Bảnh là người mở lời: “Sắp tới quay phim, nhớ gọi anh casting nhé”. Đạo diễn thẳng thắn nói với đàn anh mình làm phim chậm nên khó khăn làm việc với diễn viên bận rộn. Anh bất ngờ khi nam danh hài sẵn sàng từ chối các chương trình, phim khác, dành tâm sức cho phim trong một tháng.

Thậm chí, ngày lên ký hợp đồng, Hoài Linh cũng không đặt nặng vấn đề cát-xê. Đạo diễn cho hay: “Anh Hoài Linh chỉ ký hợp đồng còn phần cát-xê để nhà sản xuất tự điền. Anh ấy nói mọi người muốn điền con số bao nhiêu cũng được”.

Câu hỏi Quang Dũng nghe nhiều nhất là tại sao không mời NSƯT Thành Lộc – tượng đài của sân khấu và người ghi dấu ấn với vai Tư Lành mà lại là Hoài Linh. Đạo diễn không phủ nhận một trong những yếu tố của lời mời Hoài Linh vì anh là cái tên bảo chứng doanh thu phòng vé.

Hơn cả là sự trải nghiệm của Hoài Linh khi từng sống nhiều năm ở nước ngoài, cảm nhận sâu sắc sự lạc lõng của người Việt xa xứ. Trong Hoài Linh, Dũng "khùng" còn thấy toát lên hình ảnh người dân Nam Bộ chân chất, giản dị.

Làm việc cùng danh hài từ phim Nụ hôn thần chết, đạo diễn Quang Dũng đánh giá cao sự thông minh và duyên dáng của Sáu Bảnh. Với từng phân đoạn tình cảm hay hài hước đều được anh xử lý nhanh và thuyết phục.

Hơn cả đó là thái độ làm việc nghiêm túc, hết mình của Hoài Linh. Đạo diễn kể, nam danh hài chấp nhận rong ruổi cùng đoàn phim trong một tháng. Dù trời mưa tuyết, âm 20 độ C, quay liên tục từ 7h chiều đến 4h sáng, Sáu Bảnh vẫn vui vẻ, tạo không khí cho cả đoàn phim.

Đạo diễn khẳng đình: “Có những đoạn đã quay xong nhưng xem lại, mọi người chưa hài lòng, anh Linh sẵn sàng quay lại. Chính tinh thần, sự hết mình của anh Hoài Linh đã truyền năng lượng cho tôi và mọi người”.

Dũng khùng chấp nhận mạo hiểm khi đưa vở kịch kinh điển của sân khấu lên màn ảnh rộng. Ảnh: Bá Ngọc.

Khó khăn chọn diễn viên ở Mỹ

Xem lại những thước phim hậu trường của Dạ cổ hoài lang, đạo diễn Dũng khùng nhớ lại những ngày quay phim vất vả ở Mỹ, Canada. Lần đầu đoàn phim gồm 10 thành viên sang Canada vào dịp Noel, chờ đợi một tuần nhưng đành ngậm ngùi ra về vì không có tuyết rơi.

Qua Tết Nguyên Đán, nghe dự báo có bão tuyết, đoàn phim lại lục đục sang Canada. Lúc này, bão tuyết diễn ra trong 3 ngày nên mọi người làm việc đêm ngày để có được bối cảnh ưng ý.

Trải nghiệm đáng nhớ của đạo diễn Quang Dũng còn là quá trình chọn diễn viên cho vai người cháu gái. Anh tổ chức hai buổi casting tại New York và Califonia với hàng chục người tham gia mới tìm được một người phù hợp.

Theo anh khó khăn khi tìm diễn viên Việt ở nước ngoài là làm sao biết diễn nhưng ở lứa tuổi 18-20. Cuối cùng , đạo diễn chọn được diễn viên là cô gái từng học múa, đóng quảng cáo, có khuôn mặt không quá điện ảnh và giọng nói lơ lớ.

Thay đổi quan điểm về Việt kiều

Câu chuyện của hai ông già lạc lõng trên đất Mỹ từng làm xúc động bao trái tim người Sài Gòn. Dũng "khùng" kể, người bạn thân là đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi mang máy ảnh đến sân khấu đã không thể chụp được vì nước mắt làm nhòe ống kính.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết anh giữ nguyên tuyến nhân vật với những tình tiết gây xúc động của kịch nhưng làm cụ thể và rõ nét hơn câu chuyện thời trẻ của hai ông già khi cùng yêu một cô gái.

Đạo diễn muốn thay đổi định kiến về Việt kiều trong bộ phim mới. Ảnh: Bá Ngọc.

Đặc biệt anh nhấn mạnh hình ảnh đẹp của quê hương Việt Nam trong ký ức của hai ông và tiếp nối đến người cháu.

Theo Nguyễn Quang Dũng, cô cháu gái chính là người thay đổi, tạo nên sự kết nối. “Tôi cho rằng, người trẻ dù sống ở bất cứ đâu nhưng trong tim vẫn đầy tình cảm dành cho quê hương, nguồn cội”, anh nhấn mạnh.

Nếu trong kịch, tác giả phần nào bênh vực hai ông già, với suy nghĩ có phần phiến diện về Việt kiều thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn cân bằng qua góc nhìn người cháu gái. Là người từng ra nước ngoài, sống trong gia đình người Việt ở Mỹ, anh cho rằng không nên đánh giá đúng sai giữa hai thế hệ.

“Có một câu thoại nói lên tinh thần của bộ phim khi hai ông cháu mâu thuẫn là khi cô con gái hỏi bố: 'Con sai hay ông nội sai?'. Người bố nói không ai sai mà chỉ là quan điểm khác nhau thôi”, anh cho biết.

Sự thay đổi này của Dũng "khùng" nhận sự đồng tình của tác giả Thanh Hoàng. Khi xem lại bản dựng, chính tác giả kịch bản sân khấu cũng rơi nước mắt. Đối với đạo diễn Quang Dũng đó là niềm động viên lớn dành cho mình.

Theo Zing

Các tin cũ hơn