|
Hoạ sĩ Vũ Huy |
PV có cuộc trò chuyện với họa sĩ Vũ Huy, họa sĩ VN từng tham gia dựng bối cảnh cho đoàn phim Kong: Skull Island một năm trước.
Đã một năm trôi qua, là người VN tham gia tạo dựng bối cảnh cho đoàn phim, đến giờ điều gì ông còn nhớ nhất khi làm việc với họ?
Chúng tôi bắt đầu làm bối cảnh đúng vào 23 Tết Nguyên đán, làm luôn một mạch tới lúc quay. Đương nhiên họ cũng trả thù lao nhiều hơn nhưng đối với người VN mình, dịp Tết bao giờ cũng nhớ nhà, cũng muốn được quây quần bên gia đình. Đêm 30 Tết tôi mới lên xe chạy về nhà và chiều Mùng 1 đã quay trở lại làm việc với anh em. Đoàn phim khá hiểu nhau. Ai không biết tiếng Anh cũng có thể nói chuyện với nhau bằng ký hiệu. Lúc ấy đang là mùa lạnh, chúng tôi ở giữa thung lũng rất rét vì bối cảnh chưa được dựng xong.
Cơ duyên nào để ông tham gia hợp tác cùng đoàn phim Kong: Skull Island?
Nói đến cơ duyên thì cũng giống như người tìm việc, việc tìm người. Khi đoàn phim tính quay ở VN thì họ sẽ đi tìm những ai họ cần. Họ cần có họa sĩ VN để tận dụng kinh nghiệm mà các họa sĩ VN có như bối cảnh, vật liệu xây dựng, con người… Tóm lại là những gì thuộc về tạo hình của xứ rừng nhiệt đới châu Á.
Tôi không biết là họ có mời ai nữa không nhưng có thể có những người từ chối hoặc có người bận. Tôi nhận lời đề nghị của đoàn phim cũng rất giản dị, vấn đề không phải là thù lao mà là mình được làm cái mình thích...
|
Ông có thể chia sẻ một số công việc của các họa sĩ VN trong khoảng thời gian đó?
Chúng tôi mất khoảng 12 tuần để dựng bối cảnh ở Ninh Bình, bối cảnh được dựng từ con số không. Đoàn phim muốn tôi dựng 4 cái lều. Quan trọng là phải dựng để không xác định đó là ở nước nào.
VN có nhiều vật liệu bằng tre, nứa, phên, gỗ, bùn rơm… để có thể dựng lều. Tôi làm thử 3 mẫu, đoàn phim rất thích lều dựng bằng phên nứa. Dựng xong 4 lều phên nứa thì đạo diễn Jordan Vogt-Roberts xem và thích quá nên đề nghị làm thêm cho 10 chiếc nữa.
Đến khi bắt đầu khởi quay thì chúng tôi làm được khoảng 34 chiếc lều như vậy. Với tôi, đây là quãng thời gian làm việc rất lý thú và nhẹ nhàng, như một cuộc chơi.
Yếu tố tạo bối cảnh phim sao cho khán giả khó nhận biết đó là ở nước nào có phải là điều khó khăn?
Với chuyên môn của tôi không phải là điều khó khăn. Đây là ngôi làng của những thổ dân. Nhiều thứ cũng không logic như trong ngôi làng trên núi lại có những cái nơm, lưới đánh cá… Họ rất thích các yếu tố lạ dù phi logic, khi thấy thích họ thay đổi kịch bản luôn. Tóm lại, đó là một cách “nghịch” có nghệ thuật.
|
Cảm nhận của ông ra sao sau khi Kong: Skull Island ra mắt?
Tôi cho rằng đây là một bộ phim thương mại cực kỳ chuyên nghiệp nhưng không phải là một bộ phim để chúng ta thán phục. Có thể tạo ra những chấn sang về tâm lý sau này hay không thì tôi chưa dám chắc, nhưng rõ ràng đây không phải là phim cho những người thâm thúy, muốn hưởng thụ nghệ thuật...
Theo ông, các nhà sản xuất phim VN có thể học hỏi được điều gì từ bộ phim này?
Điện ảnh VN đã từng có một đội ngũ, nhưng đội ngũ ấy tan rã vì không thích nghi được với việc kiếm tiền thương mại. Nên tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải học hỏi ở đoàn phim này cách làm việc chuyên nghiệp.
Tôi hy vọng việc Kong: Skull Island quay ở VN sẽ cho thấy rằng VN bây giờ đã cởi mở hơn rất nhiều với các đoàn phim nước ngoài. Sự cởi mở này sẽ vực dậy sự phát triển của công nghiệp điện ảnh VN, đây là điều tôi kỳ vọng hơn rất nhiều so với khía cạnh du lịch.
|
VN đang cố gắng tận dụng bộ phim để quảng bá du lịch. Đạo diễn bộ phim Jordan Vogt-Roberts cũng đã được Bộ VH-TT&DL bầu chọn làm đại sứ du lịch VN đến năm 2020. Chúng ta có quá kỳ vọng vào bộ phim này để phát triển du lịch hay không?
Tôi phải nói luôn, bản chất của phim là nghe và nhìn, nhưng trong bộ phim không có một tiết tấu, âm hưởng nào của VN, thậm chí cũng không mang hơi hướng của Á Đông. Tất nhiên cảnh VN đẹp, nhưng có đẹp đến mức để mọi người xem xong phim phải thốt lên rằng: “A, mình phải đến VN du lịch” hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Và những đối tượng của bộ phim này hướng đến có phải là những người có điều kiện để đi du lịch hay không? Vả lại nếu từ hiệu ứng bộ phim, khách du lịch đổ sang VN thì hệ thống dịch vụ của chúng ta có đáp ứng được hay không khi vẫn với cách “chặt chém” du khách, đi ôtô thì tắc đường, đi máy bay thì muộn giờ?…
Cần nhớ rằng, không ai kiếm được lợi của Hollywood, chỉ có Hollywood lấy được lợi của người khác mà thôi.
Theo TTO