Thà xem thế giới động vật còn hơn xem gameshow

Thứ năm, 20/07/2017, 14:41
Sức hút của truyền hình thực tế đang xuống thấp đến mức báo động, NSƯT Hữu Châu cho biết, mình thà xem thế giới động vật còn hơn xem gameshow.

Truyền hình thực tế (reality show) đổ bộ vào Việt Nam đến nay được chừng 10 năm với sự xuất hiện của Vietnam Idol và sau đó là hàng loạt các tên tuổi khác như Giọng hát Việt, Nhân tố Bí ẩn, Vietnam Next Top Model,.. Gần nhất có The Face đều là những chương trình được đầu tư lớn, lên sóng giờ vàng .

Cùng với các gameshow, truyền hình thực tế đã dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ theo dõi truyền hình lẫn truyền thông vài năm trở lại đây,  có thể dễ dàng nhận ra sự nhàm chán và bắt đầu đi vào lối mòn của không ít chương trình truyền hình. Trong khi phim truyền hình vẫn ăn khách, phim chiếu rạp vẫn thu hàng chục tỷ với những phim bom tấn, truyền hình thực tế đang đứng trước những thách thức không khi rating ngày càng giảm còn chất lượng thì hên xui.

Những “gương mặt thân quen”

Để làm nên thành công cho một chương trình truyền hình thực tế, những yếu tố cần kể đến phải có như Ban giám khảo (ở một số chương trình gọi là HLV), thí sinh rồi mới đến format hay, hấp dẫn.

Điều đáng buồn khiến truyền hình thực tế ngày càng đi vào ngõ cụt chính là sự nhàm chán trong những gương mặt tham gia. Nếu như truyền hình thực tế ngoài Bắc gần như chết hẳn (hay nói cách khác là chưa từng “sống”) thì tại thị trường phía Nam, nơi đời sống giải trí sôi động, nhà sản xuất cũng chẳng kiếm đâu ra đủ những gương mặt có sức nóng để ngồi ghế khoảng 30 chương trình truyền hình thực tế đang lên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài truyền hình TP.HCM trong một năm.

Ấy thế mới có chuyện, một gương mặt được xếp vào hàng danh hài như Trấn Thành đã thu về hàng tỷ tiền cát-xê ngồi giám khảo trong một năm. Có được số tiến này là bởi lẽ, một năm anh chủ xị khoảng 15 đến 20 chương trình truyền hình.

Trấn Thành ngồi giám khảo khoảng 15 chương trình truyền hình thực tế, gameshow.

Trường Giang cũng là một gương mặt thân quen của truyền hình thực tế. Anh cùng vừa làm MC vừa làm người chơi vừa làm giám khảo trong khoảng 20 chương trình truyền hình thực tế, gameshow phát sóng quanh năm.

Hoài Linh dù đang giảm dần tần suất ngồi ghế nóng một số chương trình nhưng vẫn còn đang hiện diện ở trên dưới 10 chương trình truyền hình thực tế ở đủ các thể loại từ ca hát đến hài kịch.

Thậm chí một gương mặt không hề nổi trội ở lĩnh vực nào như MC Đại Nghĩa cũng góp mặt trong khoảng 15 chương trình, gameshow ở thời điểm hiện tại. Nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng Đại Nghĩa quá tài năng hay người ta không thể tìm ra một gương mặt nào khác để ngồi vào vị trí đó thay anh? Làng giải trí thiếu người đến thế?

Không chỉ giám khảo, HLV thân quen, các thí sinh tham gia truyền hình thực tế, gameshow cũng “thân quen” không kém.

Quốc Thiên là một ví dụ về việc anh tham gia nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow trong thời gian qua như Gương mặt thân quen, Sao ngập ngũ, Giọng ải giọng ai,…

Cao Thiên Trang và Thùy Dương năm ngoái thi The Face, năm nay thi Next Top.

Minh Tú – HLV The Face  năm nay cũng là một ví dụ, trong lúc ghi hình chương trình tại Việt Nam, nữ người mẫu vẫn tham gia Asia's Next Top Model. Đây lại là cuộc thi mà Mai Ngô – một thí sinh ở dạng trung bình khá của The Face năm ngoái cũng từng tham gia.

Những thí sinh nghệ sĩ quen mặt đã là một nhẽ, nhưng những thí sinh bình thường tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế cũng bắt đầu ít đặc biệt và hot hơn trước.

Đơn cử như một số quán quân các cuộc thi Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn gần đây như Vũ Thảo My, Ali Hoàng Dương, Trần Minh Như,… đều không tạo được sức hút như những người đi trước kiểu Uyên Linh,Hương Tràm,.. Thậm chí sau cuộc thi, họ con nhạt nhòa và chẳng để lại dấu ấn bằng những ca sĩ trẻ đi lên bằng những bài cover trên mạng.

Những hiện tượng mạng các năm trước như Phương Mỹ Chi, Bùi Anh Tuấn,… cũng hoàn toàn vắng bóng.

Lý giải về điều này, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng các chương trình truyền hình thực tế chỉ mang tính thời điểm và hot ở những mùa đầu khi các nhà sản xuất tập trung toàn lực để đầu tư cho nó. "Tôi cho rằng các chương trình truyền hình thực tế có mối liên hệ mật thiết giữa tính giải trí và yếu tố quảng cáo, lợi nhuận. Khi nhà sản xuất thấy chương trình này hot, họ sẽ tiếp tục đầu tư để các mùa sau tiếp tục gây chú ý và ngược lại".

Vũ Thảo My - quán quân Giọng hát Việt 2013 là cái tên không còn mấy ai nhớ đến.

Bài toán khó giải

Truyền hình thực tế đã nhạt nhưng không thể phủ nhận nó vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Trong tình hình đời sống giải trí khá ảm đạm như hiện nay, nhiều nhà sản xuất đang cố tìm cách hâm nóng lại nó, dù đây là bài toán không đơn giản.

Vietnam's Next Top Model sau 7 mùa đã bắt đầu mất dần sức hút. Đến mùa thứ 8 đang lên sóng, nhà sản xuất quyết định làm mới mình khi mời thêm Trương Ngọc Ánh, Võ Hoàng yến làm HLV. Format cũng được thay đổi khi chia các thí sinh làm hai đội và từ đó có vô số mâu thuẫn giữa các chân dài đã xảy ra. Chưa biết chất lượng chương trình thay đổi thế nào nhưng rõ ràng, sự đổi mới này đã đem về sự chú ý nhất định cho Vietnam Next Top Model năm nay. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng nhà sản xuất đang dùng đủ mọi chiêu trò để gây chú ý cho chương trình, chú ý hơn vào những mâu thuẫn bên lề hơn là chất lượng chuyên môn.

Hari Won hát chưa rõ lời nhưng vẫn chấm thi hát.

Chính vì thế, nhiều người nhận định, nếu nhà sản xuất lạm dụng chiêu trò, họ sẽ bị tẩy chay ở mức độ nhất định.

Với Vietnam's Next Top Model thì vậy nhưng còn một loạt các reality show khác đang trong tình trạng nhạt nhóa báo động, đặc biệt là Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn,… đều là những chương trình hot nhưng khoảng 3 mùa trở lại đây đã giảm rõ rệt sức nóng.

Trước thực tế, nhiều nhà sản xuất đã “bấu víu” cả vào những gương mặt thị trường với hy vọng câu rating. Ấy thế mới có chuyện Việt Hương – một diễn viên hài ngồi chấm Siu Black thi hát hay Hari Won – một ca sĩ hát không rõ lời ngồi chấm thi các cuộc thi hát như Bạn là ngôi sao, Hát mãi ước mơ,…

Tuy nhiên, những gương mặt này cũng thể đảm bảo rating cho chương trình khi khán giả cảm thấy họ chưa đủ trình độ hát những ca khúc khó, chứ chưa nói đến việc huấn luyện, đào tạo các thí sinh khác.

Chiêu trò đã nhàm chán, các thí sinh không nổi bật, HLV thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu người,… nhà sản xuất sẽ làm gì để kéo khán giả ngồi trước tivi theo dõi chương trình của mình ?

Đông Nhi ngồi ghế nóng chấm Bảo Thy, lạ lùng chưa?

Chưa kể đến đã có không ít nghệ sĩ quyết định tẩy chay truyền hình thực tế, gameshow. Nhạc sĩ Thanh Bùi đã nói không với truyền hình thực tế, nhất là những chương trình về trẻ em. Anh nói: “Tôi không thích các nhà sản xuất xem các em như dụng cụ kinh doanh, như vậy là không "fairplay". Người tổ chức chỉ cần biết rating, tiền quảng cáo cao hay không mà thôi. Hình thức đó chỉ là cách tính toán trước mắt, không xây dựng được cốt lõi”.

Nhạc sĩ Phú Quang cũng có quan điểm tương tự: “Tôi nói điều này có thể các đài truyền hình sẽ không hài lòng nhưng họ đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết; không hề có kinh nghiệm, kiến thức âm nhạc cơ bản nhưng ngồi bình luận, nhận xét như ai. Như vậy, chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng”.

NSƯT Hữu Châu thì nặng nề hơn. Ông cho biết, mình thà xem thế giới động vật còn hơn xem gameshow: “Bây giờ, có trung tâm mở lớp đào tạo thi game show trong 3 tháng, tôi nghe mà hết hồn. Có những giám khảo đáng học trò tôi, nhận xét của họ rất mắc cười vì vậy tôi tuyệt đối không coi game show. Thà tôi coi thế giới động vật còn thích hơn".

Ông cũng từ chối ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình thực tế vì sẽ phải thỏa thuận với nhà sản xuất về việc giữ thí sinh này, loại thí sinh kia.

Phú Quang:"Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết"

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thì cho rằng hiện tượng người không có chuyên môn chấm người có chuyên môn, nghệ sĩ hài chấm nghệ sĩ hát là một điều "quá buồn cười". "Hiện tượng này đúng là rất buồn cười về mặt chuyên môn. Nhưng có lẽ về tính giải trí, nó đáp ứng được nhu cầu của người xem vì giải trí giản đơn chính là chiêu trò".

Truyền hình thực tế đang đứng trước thách thức không nhỏ khi phải làm mới mình trước thị hiếu ngày càng cao của khán giả. Tuy nhiên, xem ra đây là thách thức không dễ dàng bởi làng giải trí vẫn chỉ bấy nhiêu con người, format chương trình thì vẫn thế trong khi khán giả ngày càng khó tính hơn và không dễ bị dắt mũi như trước nữa.

“Trà đã nhạt, nước đã cạn”, xem ra truyền hình thực tế sắp đi đến thời kỳ ảm đạm giống như các sân khấu kịch miền Bắc vậy.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích