Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Quốc Cường cho hay ngày 1/2, anh với vai trò là đại diện của diễn viên hài Duy Phương cùng phía bị đơn là HTV và công ty Đông Tây Promotion đã có mặt tại Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM theo quyết định hòa giải của tòa.
Theo luật sư, pháp luật quy định sau hai lần hòa giải mà bị đơn không có mặt thì tòa sẽ xử vắng mặt. Lúc đó, nguyên đơn cung cấp chứng cớ chứng minh được họ bị thiệt hại thì lợi thế trước tòa sẽ thuộc về mình.
Duy Phương và Lê Giang từng tái hợp trên sân khấu vào năm 2016 cùng hai con. |
Trả lời về nội dung buổi hòa giải đầu tiên vào ngày 1/2, luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết: "HTV và Đông Tây cùng luật sư của hai đơn vị này có mặt tòa án. Họ làm các thủ tục đăng ký về người đại diện, luật sư tham gia vụ kiện. Ngoài ra họ chưa cung cấp bất cứ thông tin, bằng chứng gì. Do đó buổi hòa giải sẽ bị dời lại. Thời gian cụ thể, tòa án gửi cho nguyên đơn và bị đơn sau".
Về phía HTV và nhà sản xuất Sau ánh hào quang, cả hai luôn từ chối bình luận vụ việc sau những phản ứng gay gắt của nghệ sĩ Duy Phương trên báo chí đến khi anh gửi đơn kiện ra tòa.
Tuy nhiên khi nam danh hài lên tiếng trên báo chí, HTV đã chỉ đạo gỡ các video liên quan đến tập 10 Sau ánh hào quang với khách mời Lê Giang.
Trước đó nghệ sĩ Duy Phương làm việc với luật sư Nguyễn Quốc Cường gửi đơn kiện HTV và công ty Đông Tây Promotion - nhà sản xuất chương trình lên Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM vào ngày 11/12.
Theo luật sư, dựa theo những quy định của pháp luật như tại Điều 20, 21 Hiến pháp 2013, Điều 34, 38 Bộ luật dân sự 2015 nghệ sĩ Duy Phương khởi kiện và đưa ra 4 yêu cầu với bị kiện.
Đó là HTV và Đông Tây Promotion phải bác bỏ thông tin liên quan đến chuyện cá nhân, đời sống riêng tư của mình, yêu cầu hai đơn vị này xin lỗi và cải chính thông tin, liên đới thu hồi những sản phẩm báo chí liên quan đến Duy Phương từ chương trình Sau ánh hào quang, bồi thường thiệt hại uy tín, danh dự và nhân phẩm của Duy Phương.
Điều 21, khoản 1, Hiến Pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Tại điều 34, Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín 1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. 3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. 4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. 5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Điều 38, Bộ luật dân sự 2015 quy định: 1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. 3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. 4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. |
Theo Zing