Vài ngày trước, chị tuyên bố đóng cửa sân khấu SuperBowl (Tân Bình, TP.HCM) nhưng giờ đã tìm cách "cứu" được nơi này. Cảm giác của chị ra sao?
Cảm xúc trong tôi hỗn độn lắm, vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi trước đó, tôi đã chuẩn bị tinh thần phải dẹp bỏ sân khấu mình gây dựng suốt 10 năm, và đã có kế hoạch riêng để phát triển điểm diễn còn lại - sân khấu kịch Phú Nhuận - cũng như tập trung cho lớp học diễn xuất. May mắn, tôi được chủ cho thuê điểm diễn thỏa hiệp mức giá mới. Vui thì vui đấy, nhưng áp lực còn lớn lắm. Bắt đầu lại, tôi thấy công việc quá nhiều, mọi thứ vẫn lu bu và chắc chắn còn phải bỏ ra nhiều công sức. Thứ năm tuần sau (ngày 8/3), sân khấu sẽ diễn trở lại.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân. |
Chị đã gặp những áp lực gì khi điều hành điểm diễn này?
Mệt lắm, bởi trong bối cảnh sân khấu ngày một đi xuống, tôi phải cố duy trì cả hai điểm diễn. Để mở một sân khấu là việc rất khó nên xóa sổ nó, tôi không chỉ có lỗi với chính mình mà còn với tập thể vì đó là công sức của nhiều bộ phận ở bề nổi lẫn bề chìm, từ nghệ sĩ đến các anh em công nhân, nhân viên hậu đài. Tiền mặt bằng chính là mức lỗ sân khấu gánh chịu, còn tiền bán vé chỉ đủ để trang trải cuộc sống anh em diễn viên. Hai năm qua, sân khấu Phú Nhuận là nơi để nuôi SuperBowl. Tôi cũng nhiều lần phải bỏ tiền nuôi sân khấu theo kiểu "giật gấu vá vai", lấy chỗ này đắp vào chỗ kia.
So với các sân khấu khác, SuperBowl chịu bất lợi về đường sá xa xôi. Đường đến nơi này từng bị kẹt xe kinh hoàng, mà sân khấu lại diễn vào giờ cao điểm. Khán giả đến đây là những người thực sự yêu điểm diễn này, yêu các diễn viên.
Sân khấu của Hồng Vân là nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng kịch nghệ. |
Các nghệ sĩ đồng hành với chị ra sao khi sân khấu gặp lao đao?
Nếu không có sự giúp sức, gánh vác của các anh em diễn viên, tôi đã không thể trụ lại đến lúc này. Hôm nào thu không đủ chi, họ chủ động giảm cát-xê xuống, chỉ lấy tượng trưng. Các diễn viên trẻ nói với tôi: "Thôi cô cố gắng, bằng mọi giá tụi con sẽ chia sẻ với cô, từ cái lớn đến cái nhỏ".
Có những lúc tôi rất mệt mỏi, muốn buông bỏ, nhưng khi thấy thành ý của các nghệ sĩ, tôi cố gắng duy trì được ngày nào hay ngày đó. Dẫu sao, nơi đây cũng là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Ông xã tôi - diễn viên Lê Tuấn Anh - cũng phải lấy doanh thu nhà hàng của gia đình để giúp tôi vực dậy sân khấu.
Khi tôi tuyên bố đóng cửa, ngay cả đơn vị chủ quản điểm diễn cũng rất tiếc nuối. Họ phải đắn đo bởi là đơn vị kinh doanh, cần kiếm lời nhưng họ chấp nhận cho sân khấu chúng tôi hoạt động trở lại với cái giá gần như hỗ trợ. Bên cạnh đó, họ cũng không muốn mất đi một thương hiệu đã giúp nơi này thu hút khán giả trong nhiều năm qua. Với việc làm đó, họ gần như đã đồng hành cùng chúng tôi, chứ không chỉ là chủ đi cho thuê.
Hồng Vân bên ông xã - diễn viên Lê Tuấn Anh. |
Trước đây, chị từng phải đóng cửa sân khấu Kim Châu (quận 1). Chị rút ra kinh nghiệm gì từ điều này?
Sân khấu Kim Châu đóng cửa không phải vì lợi nhuận kém, ngược lại nơi này thu hút rất nhiều khán giả. Tuy nhiên, nơi này không có chỗ để xe, thành ra nhiều trường hợp khán giả bị mất xe vì các bãi giữ xe tự phát mọc lên. Do bãi xe chính cách sân khấu khá xa, khán giả phải đi bộ và nhiều lần bị giật đồ. Ngoài ra, đường xa cũng không thuận lợi cho các diễn viên của tôi "chạy sô" từ quận Phú Nhuận sang. Thấy tình hình không ổn, tôi ngưng điểm diễn này và giữ SuperBowl dù lúc đó Kim Châu sinh lời rất nhiều. Từ đó, tôi nhận được bài học phải chọn địa điểm thuận lợi khi làm sân khấu và giữ an ninh tuyệt đối cho khán giả và các anh em nghệ sĩ.
Theo chị, sân khấu xã hội hóa cần làm gì để luôn sáng đèn trong bối cảnh hoạt động khó khăn hiện nay?
Thú thật là tôi bó tay, vì sân khấu xã hội hóa đang rất đơn độc, tự bươn chải, tự sinh - diệt. Ăn thua là ở nhận thức của các ông bà "bầu" để định hướng cho sân khấu của họ phát triển.
Vừa rồi, sân khấu của tôi làm vở Châu về hợp phố, với sự hỗ trợ của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Họ đầu tư cho vở, giao chúng tôi dàn dựng và có các suất diễn phục vụ trong thành phố và ở các tỉnh. Đây là hình thức định hướng cho các sân khấu tư nhân thực hiện sứ mệnh quảng bá các tác phẩm mang tính nghệ thuật cao.
Đó là tín hiệu vui, nhưng tôi mong điều đó mang tính đồng bộ hơn. Tôi muốn trong những ngày lễ của năm như ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10..., các sân khấu xã hội hóa "đầu tàu" mà cơ quan ban ngành tin tưởng về mặt chất lượng - sẽ được đầu tư đồng bộ, tạo hiệu ứng lớn trong công chúng. Hiện tại, kinh phí đầu tư cho văn học, nghệ thuật chỉ như "muối bỏ bể", kham được sân khấu này thì bỏ chỗ kia. Các sân khấu kịch của chúng tôi hoạt động như những ánh đèn leo lắt, không thể cùng nhau tỏa sáng hay làm ấm thêm cho bức tranh chung.
Nghệ sĩ Hồng Vân thành lập sân khấu Phú Nhuận từ năm 2000. Điểm diễn này được đánh giá cao nhờ kết hợp kịch giải trí, doanh thu tốt, song song với các vở đạt chất lượng nghệ thuật như Nỏ thần, Số đỏ, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây... Đây cũng là nơi góp phần đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn trong nước như: Đức Thịnh, Thái Hòa, Cát Phượng, Thanh Thúy, Xuân Trang, Diệp Tiên, Mạnh Phúc, Quốc Nam, Kim Huyền, Hòa Hiệp... Năm 2007, Hồng Vân mở thêm sân khấu kịch SuperBowl để phục vụ nhu cầu của khán giả. |
Theo VNE