Khi ngôi sao YouTube kiệt sức, công việc thú vị dần trở nên nghiệt ngã

Thứ ba, 09/04/2019, 09:09
Tại sao nhiều vlogger cảm thấy stress, mệt mỏi, cô đơn dù thành công với công việc đang được nhiều bạn trẻ mơ ước?

YouTuber không phải công việc trong mơ.

Ngày 8/4, trao đổi với PV, PewPew xác nhận giải nghệ, chuyển sang công việc mới phù hợp và nhàn rỗi hơn. Anh cho biết sẽ dành thời gian cho gia đình, bạn bè và cho chính bản thân.

"Tôi đã thấy đủ với đam mê. Với công việc. Muốn sống một cuộc sống bình thường".

Pew Pew không phải là trường hợp đầu tiên quyết định từ bỏ YouTube.

Khi mới trở thành một vlogger toàn thời gian, Matt Lees cảm thấy mình may mắn như trúng xổ số. Nhưng chưa đầy một năm sau cuộc sống của anh rơi xuống tận đáy dù công việc đang lên như diều gặp gió.

Lees phải tìm đến bác sĩ vì bị trầm cảm nặng.

“Công việc tưởng như thú vị, vui vẻ nhất đã biến thành một điều gì đó thật ảm đạm và cô đơn”, chàng trai có hơn 90.000 lượt theo dõi nói với The Guardian.

Nhiều người nghĩ việc kiếm tiền bằng cách chia sẻ video lên mạng không tốn quá nhiều công sức, chỉ phải ở nhà, nhàn hạ, lương lại cao và được nổi tiếng.

Nhưng theo tờ The Guardian, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, còn trên thực tế nhiều người đã phải chấp nhận hy sinh cuộc sống cá nhân, sức khỏe khi lựa chọn công việc này.

Không có ngày nghỉ, làm việc 20 giờ/ngày

Matt Lees là một nhà văn, đạo diễn, MC, vlogger nổi tiếng.

Là một nhà văn, đạo diễn và MC trẻ đầy tham vọng, nhờ vào các nền tảng trực tuyến, Lees có thể tạo ra những bộ phim kinh phí thấp, có sức ảnh hưởng lớn với khán giả toàn cầu mà không cần sự giúp đỡ của những nhà sản xuất truyền hình như thời gian trước.

Vào tháng 2/2013, Lees đã có “viral hit” đầu tiên. Chỉ trong vài ngày, sản phẩm của anh thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành một trong những video có lượt xem cao nhất tháng đó.

Ngay khi thuật toán của YouTube nhận thấy sự thành công này, nó bắt đầu hướng người xem đến những video khác của Lees để có thêm các kênh với nhiều người đăng ký hơn và kiếm được nhiều tiền hơn nhờ quảng cáo.

Sau một đêm, Lees dường như đã có cả một sự nghiệp trước mắt.

Tuy nhiên, cảm giác hưng phấn, niềm vui ban đầu lại sớm nhường chỗ cho sự lo lắng. Lees nhận ra rằng thành công của anh không chỉ dựa vào chất lượng mà nó phụ thuộc nhiều vào số lượng của các video tải lên.

“Không đủ nếu bạn chỉ đơn giản tạo ra những video tuyệt vời. Khán giả mong đợi sự nhất quán và tần suất hơn. Nếu không có những điều này, bạn dễ dàng tuột ra khỏi hệ thống, mất đi sự ưu ái bạn đang có trước đó”, Lees nói.

Cuối năm 2013, kênh của Lees có hơn 90.000 lượt đăng ký. Anh được nhà sản xuất chương trình truyền hình Charlie Brooker mời cộng tác viết kịch bản cho Channel 4 special.

Mỗi ngày, anh làm việc 20 tiếng. Ngoài viết kịch bản, anh chàng phải đều đặn đăng tải những video mới lên mạng vì không muốn kênh của mình bị tụt hạng trên thanh tìm kiếm.

Xanh xao, hốc hác, mệt mỏi nhưng không có thời gian để nghỉ, là những gì Lees mô tả bản thân vào thời điểm đó. Công việc khiến anh quay cuồng, vội vã và gắt gỏng. Nhưng chính cảm xúc tiêu cực đó khi trở thành nội dung lại khiến video của Lees gây chú ý hơn.

Anh cho hay: “Những nội dung gây tranh cãi lại chính là ‘vua’ trên các phương tiện truyền thông ngày nay. Họ luôn khuếch đại những thứ khiến con người cáu giận, bực tức. Đây chính là điểm chết người, thời điểm bạn sắp nổ tung chính là lúc thuật toán yêu thích bạn nhất” .

Sức khỏe Lees bắt đầu đi xuống. Anh gặp vấn đề về tuyến giáp, bắt đầu trải qua những cơn trầm cảm kéo dài và thường xuyên hơn.

“Bộ não con người được thiết kế không phải để tương tác với hàng trăm người mỗi ngày”, Lees bày tỏ.

Cuộc khủng hoảng trong đội ngũ sáng tạo video

Các vlogger luôn xuất hiện trước ống kính với hình ảnh vui tươi, nhanh nhẹn nhưng đó dường như chỉ là một lớp mặt nạ. Năm 2018, hàng loạt người nổi tiếng trên mạng đồng loạt tuyên bố họ kiệt sức vì công việc.

Elle Mills (21 tuổi) – cô gái người Canada gốc Philippines – gây chú ý khi đăng một video nói rằng những áp lực công việc khiến mệt mỏi và trầm cảm. Cô lo lắng, căng thẳng khi số lượng khán giả ngày một lớn hơn và đó không phải điều cô mong đợi.

Cùng thời điểm, El Rubius (29 tuổi) - người có hơn 30 triệu người theo dõi – tuyên bố tạm nghỉ vì quá mệt mỏi. Sau đó, hàng loạt những tên tuổi khác như Erik Phillips (được biết đến với cái tên M3RKMUS1C, có 4 triệu người đăng ký) và Benjamin Vestergaard (Crainer, 2,8 triệu lượt đăng ký) quyết định giải nghệ vì kiệt sức.

Tyler Blevins (AKA Ninja) kiếm được khoảng 500.000 USD/tháng thông qua các video phát sóng trực tiếp việc chơi game trên Twitch. Hầu hết doanh thu của Blevins đến từ những người đăng ký hoặc các khoản đóng góp của người xem.

Thế nhưng, chỉ rời đi chưa đầy 48 giờ, anh chàng đã mất 40.000 người đăng ký. Blevins gần đây đã than thở trên Twitter rằng bản thân dường như không thể ngừng làm việc.

Không có quá nhiều sự đồng cảm dành cho chàng trai trẻ khi công chúng vẫn nghĩ công việc của anh là nhàn hạ và thu nhập cao nhưng áp lực mà Blevins mô tả, tất cả những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến khác đều thấm thía. Nếu muốn giữ chân khán giả, họ phải làm việc liên tục.

Nhiều vlogger luôn xuất hiện với hình ảnh vui vẻ trước màn hình tuyên bố giải nghệ vì căng thẳng.

Với giọng điệu oán giận, nhiều người mô tả thuật toán là thứ vô cảm, có thể định đoạt số phận của các vlogger. Thuật toán sẽ quyết định nội dung nào được chọn để hiển thị, gợi ý xem cho hàng tỷ người dùng dịch vụ.

Mỗi lần bạn đăng nhập, bạn sẽ thấy các video được thuật toán gợi ý. Người xem cảm thấy rằng họ được thấy hiểu những gì ưa thích, trong khi các nhà quảng cáo yên tâm rằng clip quảng cáo năm giây của họ được chạy trước mỗi video sẽ tiếp cận đúng đối tượng.

Hữu ích là vậy nhưng nhiều người tin rằng thuật toán này là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đội ngũ những người sản xuất video.

Vào tháng 4/2018, Nasim Najafi Aghdam (38 tuổi) đã tấn công nhân viên YouTube tại trụ sở San Bruno, California vì cho rằng công ty này đã bỏ qua các video của cô.

“Tất cả các kênh của tôi đã bị loại bỏ để các video hầu như không có lượt xem nào”, Aghdam viết trên trang cá nhân.

Việc quản lý nội dung bằng thuật toán thách thức những người sáng tạo nội dung phải lao động không ngừng nghỉ nếu không muốn bị đào thải, bị thay thế bởi những người mới.

Riêng đối với những người sử dụng cuộc sống hàng ngày của họ làm chủ đề cho video, sẽ càng áp lực hơn khi chẳng còn đâu ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và công việc.

Từ bỏ công việc để bắt đầu cuộc sống

Không chỉ tần suất làm việc, theo Kinda Lo – nhà nghiên cứu cộng đồng trực tuyến tại ĐH California, Irvine – có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiệt sức, thậm chí gây ra PTSD (Post-traumatic Stress Disorder: rối loạn căng thẳng sau chấn thương) cho đội ngũ sáng tạo video trên các nền tảng trực tuyến.

Nhà nghiên cứu đã đưa ra một danh sách các yếu tố nghề nghiệp gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm: căng thẳng khi đọc các bình luận tiêu cực, lo lắng về vấn đề tài chính, áp lực khi nổi tiếng và tương tác với khán giả…

Người làm việc cho những kênh lớn có đủ tiền để thuê nhân viên cũng không tránh khỏi những áp lực, rủi ro này. Chỉ phụ trách việc đọc, kiểm duyệt và trả lời các bình luận cho một kênh có gần 1,6 triệu lượt đăng ký, Belinda Zoller đôi lúc cảm thấy kiệt sức.

Kiểm duyệt các bình luận để duy trì một không gian trực tuyến sạch sẽ, an toàn nhưng theo Zoller nó chẳng khác gì việc nhổ cỏ trong vườn. Có quá nhiều bình luận tiêu cực nhưng thay vì hạn chế, các nền tảng dường như khuyến khích nó thông qua các thuật toán.

“Mọi người sẽ không thảo luận về nội dung trừ khi họ có ý kiến mạnh mẽ về nó và đa số là ý kiến bất đồng, phản đối. Vì vậy, thuật toán sẽ ủng hộ các nội dung gây tranh cãi hơn là những nội dung tích cực”, cô giải thích.

Đối với Lo, các nền tảng truyền thông xã hội dựa trên video đang thất bại thảm hại trong việc bảo vệ những người duy trì hoạt động, sáng tạo nội dung trên đó. Những mối nguy hiểm: lừa đảo, rình rập, quấy rối và đe dọa trực tuyến ngày một phổ biến.

Những vlogger chọn bỏ nghề để cân bằng lại cuộc sống.

Để tránh bị kiệt sức, những người sáng tạo video được khuyến khích “nghỉ giải lao, tận hưởng những ngày cuối tuần, buổi tối và kỳ nghỉ giống như khi làm những công việc khác”.

Vào năm 2010, Kati Morton (34 tuổi, một nhà trị liệu) bắt đầu mở kênh của mình. Năm năm sau, thành công trên nền tảng này biến cô thành một vlogger toàn thời gian, và những khó khăn bắt đầu nảy sinh.

"Tôi không giỏi hơn ai cả và cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng về mọi thứ. Đó là cả một quá trình đấu tranh để đi đến quyết định dừng lại”, cô chia sẻ.

Giáng sinh năm 2017 là lần đầu tiên sau nhiều năm Morton có một kỳ nghỉ thực sự.

Với Matt Lees, việc một nền tảng mạng luôn cố gắng đẩy số lượng hơn chất lượng khuyến khích những người sáng tạo video "nghỉ ngơi" là điều khá buồn cười.

Còn theo bà Kinda Lo, việc vừa duy trì công việc thành công vừa có một cuộc sống lành mạnh với đội ngũ sáng tạo nội dung là một giấc mơ huyễn hoặc.

Với tính chất công việc khá đặc thù, hầu hết YouTuber đang ở độ tuổi 20. Người trẻ có thể làm việc với cường độ cao, chịu được áp lực, không bị vướng bận nhiều trách nhiệm sẽ dễ dàng thành công trong những năm đầu nhưng về lâu dài sẽ đánh mất cuộc sống và sức khỏe.

Theo Zing

Các tin cũ hơn