Phía sau những bài thơ được phổ nhạc

Chủ nhật, 24/05/2020, 10:40
Khi còn khỏe mạnh, nhạc sỹ Phú Quang từng nói ca khúc “Mùa thu giấu em” được ông viết tặng người vợ trẻ: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Phía cuối con đường anh chợt nhận ra em”. Nhiều khán giả cũng chỉ biết ca khúc “Mùa thu giấu em” của Phú Quang, ít ai nhớ, ca khúc phổ thơ Thanh Tùng, tác giả “Thời hoa đỏ”.

Phú Quang, một trong những nhạc sỹ có nhiều ca khúc phổ thơ thành công nhất

Một bài thơ được phổ nhạc thì bài thơ ấy thường có sức sống mãnh liệt hơn, được nhiều người biết hơn song tác giả bài thơ thường bị lãng quên. Như bài “Trăng chiều” nổi tiếng một thời: “Nắng chưa kịp tàn, nắng buông dịu dàng/Từng tia nắng mong manh/Ánh sao mặt hồ, phía đông nhạt nhòa/Lời ai thoáng xa xôi….”. Mấy khán giả nhớ tác giả phần lời của ca khúc này chính là Phan Đan, mà cứ nghĩ nó là “con riêng” của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc. Cho nên, chỉ nhớ “Mùa thu giấu em” hay “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang, quên nhà thơ Thanh Tùng hay nữ sĩ Thảo Phương đã trở thành như… chuyện thường.

Theo tiết lộ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, người từng công tác nhiều năm ở ghế giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả văn học Việt Nam, cũng là tác giả của một số bài thơ được phổ nhạc, thì trên thế giới, một ca khúc được phổ nhạc, người viết lời và người phổ nhạc được trả tiền tác quyền như nhau: 50/50. Ở ta, 30/70, người viết lời hưởng tiền tác quyền ít hơn.

Nhiều nhà thơ cảm thấy vui vẻ khi “đứa con tinh thần” của mình được âm nhạc chắp cánh. Theo chia sẻ của con gái của cố nhà thơ Thanh Tùng thì ông có khoảng 10 bài thơ được phổ nhạc. Có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng có phần lời phổ thơ Thanh Tùng như “Thời hoa đỏ” (nhạc: Nguyễn Đình Bảng), “Hà Nội ngày trở về” (nhạc: Phú Quang), “Mùa thu giấu em” (nhạc: Phú Quang)…

Cũng theo con gái nhà thơ Thanh Tùng với hai ca khúc “Thời hoa đỏ” và “Hà Nội ngày trở về”, nhà thơ Thanh Tùng không những rất tâm đắc mà còn vô cùng cảm tạ nhạc sỹ đã chắp cánh cho thơ ông và khán giả đã đón nhận “đứa con tinh thần” của ông: “Nhạc sỹ và khán giả đã chia sẻ với tâm tư và tình cảm của cha tôi”, chị nói. Tuy nhiên, con gái nhà thơ cũng “bật mí” góc riêng trong lòng nhà thơ Thanh Tùng: “Cha tôi có đôi lúc không vui vì khi thành ca khúc, thơ của ông cũng bị thay đổi chút ít câu chữ, dù ông thông cảm với công việc của nhạc sỹ”.

Thí dụ trong nhạc phẩm nổi tiếng “Thời hoa đỏ” ông không chấp nhận hai chữ “xao xác”, nguyên bản là “tan tác”: “Cánh mỏng manh tan tác…”. Hay như “Mùa thu giấu em”, Phú Quang phổ nhạc từ bài thơ “Em và thu” của Thanh Tùng.  Ca khúc có câu: “Em hôn anh đắm say như gió/Và ngã vào anh dịu dàng như mùa thu”. Thanh Tùng không vui lắm, vì ông viết khác: “… Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió”… “Ngã vào anh dịu dàng như mùa thu”, theo Thanh Tùng là “đơn giản quá”. Một vài thi phẩm của Thanh Tùng được Nguyễn Thụy Kha phổ nhạc, ông rất thích. Nguyễn Thụy Kha “chiều” Thanh Tùng tối đa, những câu thơ được đặt nguyên xi trong ca khúc như: “Trời rót xuống bao nhiêu say/Em rót vào bao nhiêu nhớ” (Qua Quảng Uyên).

Phía sau những bài thơ được phổ nhạc - ảnh 1
Bìa tập thơ “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng. Ảnh: Đ.N

Một số nhà thơ có thơ được phổ nhạc cũng có tâm trạng tương tự tác giả “Thời hoa đỏ”. Mặc dù rất biết ơn nhạc sỹ đã chắp cánh cho bài thơ của mình bay xa song nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến nói rằng, bài “Gửi tình yêu” của chị, được Thuận Yến phổ nhạc thành ca khúc “Khát vọng” không phải là một bài thơ hay trong “gia tài” thi ca của mình. Nhạc sỹ cũng như các ca sỹ trình bày ca khúc này cũng chưa thật hiểu Lam Luyến. Nhưng đa phần các nhà thơ hài lòng khi các nhạc sỹ phổ nhạc bài thơ của mình.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ về ca khúc “Hương thầm”: “Tôi thấy Vũ Hoàng phổ nhạc quá được. Âm nhạc chắp cánh cho thơ. Vì nếu bài thơ của tôi không được Vũ Hoàng phổ nhạc thì ít người biết đến. Hồi đó, chưa có ti vi, chưa có nhiều phương tiện giải trí như bây giờ, ông ấy mà không phổ nhạc, mấy ai biết đến “Hương thầm”?  Cá nhân tôi thấy bài thơ nào được phổ nhạc thì cũng được chắp cánh. Tôi biết ơn ông ấy”. Tác giả “Hương thầm” cho biết, nhạc sỹ Vũ Hoàng trung thành với nguyên tác: “Ông ấy chỉ thêm chữ “khung”, “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố”, chắc là cho dễ hát? Nhiều người cứ bảo, khung làm sao đóng được, nhưng tôi thấy không sao”. 

Khi Vũ Hoàng phổ nhạc “Hương thầm” thì nhạc sỹ và thi sĩ chưa từng gặp nhau: “Mãi về sau, tôi vào Sài Gòn mới gặp ông ấy, ông ấy đến, tặng tôi băng nhạc và đưa cho phong bì 100 ngàn đồng, hồi đó to lắm. Tôi bảo không lấy nhưng ông cứ nói, chị cầm cho vui. Quan hệ giữa hai chúng tôi sau này rất vui vẻ. Hồi tôi được giải thưởng Nhà nước, ông ấy cũng đến tận nhà tôi chơi, tôi cũng chia vui với ông ấy bằng một phong bì nhỏ”. 

Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Hoàng phổ nhạc “Hương thầm” khi ông tiễn vợ sang Mỹ theo diện HO, trong lòng rất buồn, ông giở tờ báo Văn Nghệ bỗng thấy bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đúng tâm trạng nên đã phổ thơ. Phan Thị Thanh Nhàn cũng là thi sĩ có nhiều bài thơ lọt mắt xanh nhạc sỹ: “Tôi được phổ nhạc tầm 9, 10 bài. Nhưng hay được hát chỉ có “Làm anh”, “Hương thầm”. Nhà thơ vẫn nhận được tiền tác quyền âm nhạc đều đều, số tiền rất khiêm tốn song cũng khiến bà cảm thấy vui.

Nhà thơ dân tộc Tày Y Phương cũng có thơ được phổ nhạc. “Mời anh lên Cao Bằng” (nhạc: Thuận Yến, lời: Y Phương) là ca khúc nổi tiếng ở miền biên viễn: “Chúng tôi không biết nhau ngoài đời. Sau này gặp Thuận Yến tôi mới biết anh ấy phổ nhạc thơ tôi”, nhà thơ Y Phương chia sẻ. Ông cảm nhận ca khúc “Mời anh lên Cao Bằng” cũng có giai điệu của Then Tày, còn lại, nhà thơ không đánh giá… “Có câu thơ nào vào ca khúc bị chuyển đổi quá mà ông không ưng không?”, tôi hỏi. Y Phương đáp: “Không, nói chung là tôi dễ tính thôi. Cực kỳ dễ tính. Tùy quyền sáng tác của người ta, người ta có thể xê dịch, chẳng sao cả, để phù hợp với giai điệu”.

Với Y Phương, cũng không có gì quá vui khi bài thơ được nhạc sỹ để mắt: “Tôi xưa nay vẫn nghĩ thơ mình làm ra để tâm sự, còn nếu đưa ra quảng bá rộng rãi, đọc ầm ĩ tôi không thích”. Một điều đáng ngạc nhiên, bài thơ được phổ nhạc cỡ 20 năm nay nhưng Y Phương chưa hề nhận được chút tiền tác quyền nào: “Tôi cũng không hỏi. Hỏi ở đâu bây giờ? Tôi hoàn toàn không biết gì về việc ấy”. Y Phương quan niệm: “Phổ nhạc là quyền của người ta”, cho nên ông cũng không để tâm tới chuyện nhận tiền tác quyền. Thế mới lạ!

Theo TPO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích