Diễn viên điện ảnh Lý Hùng: Không cần scandal để nổi tiếng

Chủ nhật, 02/12/2012, 16:43
Mỗi lần gặp Lý Hùng tôi luôn có cảm giác bồi hồi như ngày còn là thiếu nữ. 20 năm qua, đến thời điểm hiện tại và có lẽ rất lâu sau nữa, điện ảnh Việt Nam khó có nam diễn viên nào đạt được thành công và vị trí như Lý Hùng trong lòng khán giả hâm mộ.

>> Vân Trang bị cư dân mạng 'ném đá' vì cướp lời Lý Hùng
>> Nghệ sĩ dính scandal sẽ bị phạt 50 - 70 triệu?
>> Hà Tăng: Scandal, bản lĩnh đối mặt và đẳng cấp ngôi sao
>> Di chứng scandal 

Tôi gặp lại kỷ lục gia “nam diễn viên đóng nhiều vai chính nhất của điện ảnh Việt Nam” (57 phim) sau một ngày trầy vi tróc vảy trên phim trường. Với Lý Hùng, cho dù là trước đây thời hoàng kim hay bây giờ, mỗi lần nhập vai đều là một lần “tử ư nghệ”!
 
Đang đóng phim gì mà bận vậy anh Hùng?
 
Bận thì bận cả năm nay rồi. Từ đầu năm đến nay tôi tham gia phim này là phim thứ 5. Đầu năm là “Oan nghiệp”, rồi “Cuộc đối đầu hoàn hảo”, đến “Đường chân trời”, “Cù lao lúa” và đang bấm máy là “Bằng chứng vô hình”.
 
Nhận nhiều vai trong một năm như vậy, hẳn các vai diễn đó có sức hút đối với anh?
 
Theo chủ quan của tôi thì đó đều là những vai diễn có tâm trạng và số phận. Ví dụ vai bác sĩ trong phim “Cù lao lúa” vừa hoàn thành ngày 7/11 này đau khổ vì chia tay vợ (Thúy Diễm đóng), về quê giúp người nghèo chữa bệnh thì gặp và yêu một cô y tá (Phương Khánh đóng). Phim khá dí dỏm, hài hước.

Vai Minh Khôi trong “Bằng chứng vô hình” lại là một nhân vật có số phận lạ lùng. Từ hơn 20 tuổi đến 40 tuổi phải mang hai án: chung thân và tử hình vì tội giết người nhưng hoàn toàn không hề phạm tội.

Án chung thân bị quàng vào cổ đầu tiên vì tội giết một người bạn tên là Hoài Diệp vốn có ân nghĩa với mình. Đến khi anh này ra tù thì chính Hoài Diệp là người đi đón. Cô ấy không chết, tất cả chỉ là hiện trường giả do một người bạn muốn hãm hại Minh Khôi dựng lên.

Trên đường trở về nhà thì cô bị giết, tất cả tội lỗi đó đổ hết lên đầu Minh Khôi. Và lần này, anh ta lãnh án tử hình. Tôi đã có những ngày sống trong trại giam, đứng trước vành móng ngựa ở pháp đình, đã khóc, vì cảm thương cho một số phận ngang trái. Minh Khôi là một vai diễn giàu đất diễn.

 
5 vai chính trong một năm kể cũng nhiều rồi, cao điểm ngày trước anh đóng là bao nhiêu phim một năm?
 
Phải 10 phim một năm đấy. Và toàn là phim chiếu rạp! Làm mất nhiều thời gian công sức lắm.
 
Kể từ khi quay lại phim trường sau 8 năm vắng bóng, anh đã tham gia bao nhiêu phim?
 
Từ “Dollas trắng” đóng năm 2005 cho đến thời gian này là khoảng 12 phim.
 
Anh thấy cách làm phim bây giờ có khác ngày xưa không?
 
Ồ khác chứ, khác nhiều lắm. Xưa chúng tôi làm phim 90 phút quay 3,4 tháng. Giờ công nghệ hiện đại quay 2 máy 3 máy về lồng tiếng nên rất nhanh.
 
Thử phân tích ưu và nhược của cách làm phim ngày trước – bây giờ?
 
Ưu điểm là xưa chỉ quay một máy, ánh sáng, góc máy bố trí kỹ lưỡng hơn, tạo bối cảnh để diễn viên nhập vai tốt nhất. Giờ nhiều phim chạy theo tiến độ nên làm rất nhanh chỉ hai, ba ngày một tập phim 45 phút là chuyện bình thường. Với đòi hỏi ngặt nghèo và điều kiện làm việc như ngày trước thì nếu diễn viên không có nghề sẽ bị đuối.

Hoặc không nghiên cứu kỹ kịch bản, không nắm được diễn biến tâm lý của nhân vật cũng sẽ không theo được. Bây giờ vì làm nhanh quay nhanh nên mới có hiện tượng những bình hoa di động nói cười là xong, thiếu chiều sâu.

 
 

Theo ý kiến cá nhân anh, để có những tác phẩm, vai diễn để đời thì cần những yếu tố nào?
 
Kịch bản hay, đạo diễn giỏi, nhà sản xuất chịu đầu tư, phim trường tốt… thì mới có tác phẩm hay được, diễn viên mới có thể diễn xuất hết mình với nhân vật. Nói tóm lại là cộng nhiều yếu tố thì mới có tác phẩm hay.
 
Anh có xem phim Việt không? Nhận xét của anh thế nào? Hiện giờ chúng ta có phim hay không?
 
Tôi cũng không xem thường xuyên, phim truyền hình có một số phim na ná nước ngoài… Nói thật với bạn là phim hay thì thời nào cũng hiếm.
 
Đúng là bây giờ không còn cảnh đè bẹp nhau để đi mua vé xem phim, cũng không có minh tinh khiến người hâm mộ phát cuồng như thời của anh nữa. Ngoài yếu tố do sự bùng nổ của các kênh truyền hình quảng bá cũng như trả tiền, thì có yếu tố nào mang tính chủ quan không?
 
Ngày xưa chúng tôi sống và diễn hết mình, dù điều kiện làm phim thiếu thốn chứ không như bây giờ, nhưng chúng tôi quay kỹ, chọn lọc kỹ, diễn viên phải qua trường lớp hết. Giờ thỉnh thoảng có những bài báo viết là sao này sao nọ, nhưng ai thực sự là sao? Ai xứng đáng được gọi là minh tinh? Người ta vẫn còn phải nhắc mãi đến những cái tên như các đồng nghiệp cùng thời của tôi. Vì sao? Vì thế hệ đó có tác phẩm để đời! Làm tác phẩm nào là phải có nghề, phải đầu tư tâm huyết.
 
Như thế nào thì được xem là một “minh tinh”?
 
Theo quan điểm của tôi, một minh tinh không phải tự mình phong mà phải được khán giả phong. Không thể dựa vào công nghệ lăng-xê đưa đẩy. Lăng-xê cũng là con dao hai lưỡi, ban đầu khán giả có thể tò mò nhưng sẽ khiến người ta bị thất vọng, khi phát hiện chỉ là do lăng-xê mà không thực chất thì sẽ thất vọng.

Thời của chúng tôi làm phim là thực sự đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu, đóng phim mà cả người đầy sẹo, phải hy sinh vì nghề thì mới có ngày hôm nay. Đâu phải cười cười giỡn giỡn đi qua đi lại trước ống kính là thành công?

1.000 khán giả thì phải có 990 người công nhận mới gọi là sao, chứ có người biết người không biết thì cũng không thể thành minh tinh. 1.000 người biết đó phải chứng minh cho người ta thấy phim kéo được khán giả đến rạp ngồi xem là vì có diễn viên đó đóng.

Để khán giả bỏ tiền mua vé rồi ngồi trong rạp chiếu phim hàng tiếng để coi phim mình đóng khó lắm. Minh tinh chính là cái tên để bán vé, là cái tên mà nghe đến là người ta đã muốn mua vé vào xem. Để có được điều đó phải chứng minh bằng cả một quá trình phấn đấu.

 
Xin lỗi, tò mò chút, thời của anh có những góc khuất như showbiz bây giờ không, ví dụ: mua vai, xin vai, hay tạo scandal trước trong khi phim phát sóng?
 
Nói thật là tôi không để ý, chúng tôi chỉ đi bằng đôi chân của mình, làm đúng khả năng, công việc phù hợp. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu ai đó không đi bằng chính đôi chân của mình thì sẽ khó có thể bước vững vàng.

Thời đó, chúng tôi không phải đi xin vai, không những thế, nghệ sĩ còn phải biết cát-sê bao nhiêu mới nhận. Nếu mình phải đi xin vai hay làm mọi động tác giả để có vai đó thì trước sau gì cũng sẽ bị lộ ra. Nghệ sĩ thực thụ không cần vịn vào scandal để nổi tiếng.

 
Có thể lý giải như thế nào về những con thiêu thân muốn nổi tiếng bằng mọi giá đó?
 
Ai cũng có quyền đam mê và đeo đuổi đam mê. Tôi không muốn dùng từ thiêu thân trong trường hợp này, nhưng vẫn muốn khuyên ai đó nếu không hợp nghề, không thực sự có khả năng thì không nên đeo đuổi bằng mọi giá, vì sớm hay muộn cũng bị đào thải.

Trong một tập thể gồm nhiều khâu nhiều công đoạn nếu đi bằng “cửa sau” thì mọi người sẽ biết. Đó không phải là lựa chọn chính đáng, nghề không chọn mình thì tổ nghề cũng sẽ không đãi, sẽ không thể có kết quả như mong muốn.

Cho đến bây giờ khi nhận kịch bản tôi vẫn luôn xem kỹ vai đó như thế nào, cát xê bao nhiêu? Cho dù cát-sê không bằng trước đây khi tôi nhận 30 triệu một tập phim thời năm 90, nhưng mình vẫn phải có giá trị của mình, phải cẩn thận khi nhận vai, cảm thấy yêu thích nhân vật thì mới đóng được.

 
Ít ai được nhận tiền thù lao đóng phim khủng như anh. Cát xê cũng là một trong những thước đo đánh giá đẳng cấp. Chỉ có điều, làm thế nào để có những bộ phim cháy vé như Phạm Công Cúc Hoa hay Lửa cháy thành Đại La như ngày đó…?
 
Khó lắm. Giờ làm phim không như ngày xưa, chỉ cần nhanh gọn đỡ tốn kém. Một số nhà sản xuất chỉ lo tính toán để làm sao phim có chi phí ít nhất, không cần trau chuốt kỹ thì lấy đâu ra phim hay?
 
Nhưng bản thân anh cũng đang có mặt, tham gia vào quy trình sản xuất đó mà…
 
Nhưng tôi chỉ đóng những phim mà mình tâm đắc trong điều kiện có thể, các phim tôi tham gia đều có những nhà sản xuất chịu đầu tư, chọn lọc kỹ bối cảnh, tỉ mỉ, cẩn thận từng khuôn hình nên cũng rất mừng. Thực sự tôi sợ những ekip làm phim mà chỉ cần xong xong xong, thế nào cũng xong cả…
 
Nếu cần một cú hích cho nền điện ảnh Việt thì nên bắt đầu từ đâu?
 
Phải làm đồng loạt chứ không phải chuyện của một cá nhân. Nếu tài tử giỏi mà không có máy móc hiện đại, phim trường đẹp thì không bao giờ thay đổi được. Để có những siêu phẩm mà ai xem cũng phải thốt lên ủa sao đẹp quá, hoành tráng quá cần nhiều yếu tố: phim trường với máy móc hiện đại, nhà sản xuất chịu đầu tư, kịch bản hay, diễn viên tốt…

Nếu cứ như tình trạng hiện nay, thành lập đoàn làm phim chớp nhoáng rồi cứ thế lên đường đi quay, bấm máy lia lịa thì hiển nhiên sản phẩm làm ra chất lượng chỉ có chừng ấy thôi, làm sao hay, làm sao đẹp?

 


Lý Hùng trong phim "Tây Sơn hào kiệt"
 
Ngày trước cha con anh làm phim cũng đâu có phim trường?
 
Chúng tôi không có phim trường, nhưng chọn bối cảnh rất kỹ, 90 phút quay cả mấy tháng mới xong. Ba tôi (NSND Lý Huỳnh) từng có những ngày kéo cả đoàn đi ra tận Nha Trang chỉ quay đúng một cảnh rồi về. Giờ mà 3 tháng chắc phải quay được 30 tập…

Làm thế mà không lỗ sao?
 
Lỗ sao được. Lời to. Phim chiếu rạp bán vé mà.
 
Thế sao bây giờ không đầu tư tiếp để lời to?
 
Phải thừa nhận giờ làm phim khó hơn. Việt Nam mình mở cửa, công nghệ làm phim của thế giới quá hiện đại, đâm ra chúng ta cũng cần phải có sự đầu tư khác ngày xưa. Nếu chúng ta không tự cập nhật, chúng ta cứ dừng một chỗ thì còn lâu mới có thể so sánh với họ.
 
Anh có vẻ cũng còn nuối tiếc ngày xưa nhỉ?
 
Nuối tiếc chứ, nhưng không phải nuối tiếc danh tiếng của bản thân. Mà nuối tiếc cảnh khán giả ùn ùn kéo đến rạp, cảnh đó giờ không còn nữa. Nuối tiếc vì nhẽ ra với điều kiện, mặt bằng chung như hiện nay chúng ta đã có thể làm tốt hơn nhiều.

Còn bản thân tôi thì không tiếc gì cả. Tôi đã làm hết khả năng của mình. Tới giờ khán giả vẫn còn yêu mến, vẫn còn nhắc tới thì quá hạnh phúc rồi. Nên nếu mình còn lòng yêu nghề, còn có thể cống hiến để đáp lại tình cảm đó của khán giả thì tại sao không làm?

 
Tôi cũng nghĩ bây giờ lẽ ra phim phải có khán giả hơn chứ? Máy móc hiện đại hơn, thêm công nghệ lăng xê, chưa kể phát quảng bá ai cũng xem được mà chẳng tốn đồng tiền vé nào?
 
Đúng rồi, lẽ ra phải đắt khách hơn. Xưa có khi phải chờ cả tuần mới có một bài báo, cơ hội PR cho phim có thể nói là rất ít.
 
Và cũng bởi vì ngày trước scandal không nở rộ như bây giờ?
 
Giờ phim ảnh nhập vào nhiều, tin tức cập nhật quá nhanh nên người ta lợi dụng tạo scandal để nổi tiếng nhanh hơn.

Theo tôi, biết mình là ai là điều rất quan trọng. Xưa các đồng nghiệp nữ của tôi nếu phải diễn cảnh nóng đều rất ngại phô bày cơ thể, giờ thì cố ý lộ hàng, thật ra lộ nhiều quá nên cũng thành nhàm. Scandal đến lúc nào đó bão hòa thì sẽ tự diệt thôi.

 
Giả dụ là nhà sản xuất, anh có sử dụng chiêu đó để PR cho phim không?
 
Tôi đã nói ngay từ đầu là chúng tôi đi bằng chính khả năng chứ không bằng mọi chiêu trò khác. Nếu chúng ta hết lòng vì nghề, thì nghề sẽ không phụ mình.
 
Anh có kỳ vọng gì vào việc đóng phim bây giờ?
 
Chủ yếu là do đam mê thôi, làm tất cả mọi thứ vì nghệ thuật, cảm nhận niềm vui khi hóa thân vào các vai diễn, thấy mình còn nhiệt huyết còn sức để cống hiến cho nghề. Còn muốn làm phim để hái ra tiền như trước cần một đội ngũ chứ không một cá nhân nào có thể làm được.

Nói Lý Hùng đóng phim lại để được xuất hiện trên tivi, để cho vui là không có. Mỗi lần đóng phim về tôi đều phải uống thuốc giảm đau, vì căng thẳng, nhập tâm chứ không phải là làm cho xong. Những tâm trạng, những giây phút sống với số phận nhân vật phải động não để có thể hóa thân. Đóng phim không phải dạo chơi, tôi không bao giờ làm chuyện đó.

Trước đây gia đình tôi làm phim để kéo khán giả Việt quay lại với phim Việt, thời đó người ta chỉ xem phim Ấn Độ, Hồng Kông không hà, không ai biết phim Việt là gì hết. Sau “Phạm Công Cúc Hoa” rồi “Lửa cháy thành Đại La”… khán giả mới có khái niệm xem phim Việt.

 


Lý Hùng trong phim "Cù lao lúa"
 
Tại sao bây giờ gia đình anh không làm tiếp cuộc cách mạng nữa?
 
Giờ muốn làm được như ngày xưa khó lắm. Cần kịch bản thật lạ và hay, cần vốn lớn, cần nhà sản xuất chịu đầu tư, cần nhiều thứ…
 
Cảm giác của anh khi xem một bộ phim, hay đóng phim bây giờ có khác xưa không?
 
Coi thì thực sự là ít, nói vậy nghe cũng thấy buồn cho nghề. Nhưng đóng phim thì lúc nào cũng như lúc nào, thể hiện vai diễn, thể hiện nghề để hạnh phúc, vượt qua hết mệt mỏi cống hiến cho khán giả.

Xưa tiền được trả nhiều, giờ tiền đã không nhiều tâm cũng không có nữa thì làm sao nhập vai? Đóng “Oan nghiệt” tôi bị đứt tay phải khâu năm mũi đấy. Điện ảnh có thể thăng trầm nhưng nhiệt huyết với nghề lúc nào cũng phải giữ.

 
Sao tôi thấy chữ tâm huyết nghe cứ là lạ thế nào ấy, chữ có nghề cũng còn lạ hơn nữa…
 
À, bản thân tôi cho rằng có thể tay ngang lấn sân nhưng muốn tồn tại lâu trên con đường này thì phải rèn luyện học hỏi thêm. Chứ không phải cứ đóng phim là thành diễn viên hết.

Giờ anh em cùng thế hệ có những người đã không còn làm nghề, không còn đam mê do mỗi người một hoàn cảnh nhưng nếu đã theo thì chúng tôi vẫn theo hết mình, cho dù điện ảnh đi lên hay đi xuống, mình vẫn phải yêu nó, sống hết mình cho nó.

 
Anh có thường gặp các ngôi sao cùng thời của mình không?
 
Thỉnh thoảng anh chị em cũng gặp nhau, cũng điện thoại thăm hỏi nhau. Mỗi người có một cuộc sống riêng, nhưng chúng tôi vẫn quý mến, nhớ về nhau dù có những người vài năm mới gặp một lần.
 
Điều gì đã gắn bó mọi người với nhau như vậy? Tôi lại chạnh lòng khi nghĩ đến showbiz Việt bây giờ không thiếu những màn vạch áo cho người xem lưng, lên báo nói xấu nhau om xòm…
 
Thứ nhất là xuất phát từ tình cảm chân thật, thứ hai có lẽ là do đã cùng nhau làm những tác phẩm đưa tên tuổi của nhau lên. Tôi nghĩ đó cũng là một yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật. Phim ảnh là công trình của cả một tập thể. Riêng bản thân một khi được khán giả yêu mến cần phải biết trân trọng tình cảm đó thì mới tồn tại lâu trên con đường nghệ thuật.
 
Anh có mong rằng sẽ có người vượt qua kỷ lục nam diễn viên đóng vai chính nhiều nhất của mình không?
 
Cũng hơi khó, dù rất mong! Vì tôi đóng phim quá sớm, khi đóng “Đàn chim và cơn bão” mới 12 tuổi.

 
Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn