Đạo diễn Lê Hoàng đã cho bắt cận cảnh nhân vật cô Tuyết cầm một con dao lớn lôi từng con Giong ra chặt đầu, cho quay trực diện cảnh những con Giong bị cháy, giãy chết trong lửa.
Trong một tuyên bố gần đây, Lê Hoàng có nói rằng ông không làm phim nào là “phim ngu”. Mọi người thắc mắc rằng, phim thế nào là phim ngu và phim thông minh? Nếu xét về diễn tiến sự nghiệp của vị đạo diễn này thì đến thời điểm hiện nay ông đã có cả hai thể loại phim đó.
Quách Ngọc Ngoan và Kim Tuyến
"Cát nóng" là một bộ phim mang thông điệp rất rõ về sự bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã, và mong muốn con người nên cư xử gần với bản năng của mình, nhưng bộ phim lại lên án những ai sống bản năng (như trường hợp của Cát).
Ai cũng biết rằng, điện ảnh có những quy tắc bất thành văn của nó và sử dụng động vật trong phim cũng là một trong những quy tắc đó.
Thường thì những bộ phim có sử dụng động vật sẽ không bao giờ có cảnh giết chóc đẫm máu, hoạ sỹ sẽ sử dụng thiết kế mỹ thuật để thay thế cho việc giết chóc đó. Đây là một bài học đơn giản đến mức một đạo diễn chưa tốt nghiệp cũng nắm vững.
Chẳng hạn như trong “Canh ba ba” - phim ngắn đoạt giải nhất cuộc thi làm phim ngắn 48h năm 2011, vị đạo diễn trẻ chưa từng có sự nghiệp lẫy lừng cũng đã thông báo từ đầu rằng, bộ phim không làm hại bất cứ con vật nào trong phim và con ba ba được dùng trong phim vẫn sống.
Trở lại với tình tiết cùng chủ đề này, Lê Hoàng đã cho bắt cận cảnh nhân vật cô Tuyết – chủ resort cầm một con dao lớn lôi từng con Giong ra chặt đầu trong một câu thoại: Dễ hơn cắt tiết gà.
Rồi đạo diễn cũng cho quay trực diện cảnh những con Giong bị cháy, giãy chết trong lửa cháy. Hay cảnh những con Giong được mang ra làm món nhậu với cảnh đốt nướng và giành nhau ăn của thực khách.
Điều đáng nói là để miêu tả một điều xấu không nhất thiết người ta phải làm điều xấu tương tự như vậy.
Một bộ phim tuyên truyền bảo vệ động vật như vậy nhưng lại có những cảnh hết sức man rợ và phản cảm thì hiển nhiên nó cho thấy đạo diễn có vấn đề. Còn nếu như đạo diễn nói rằng đó là “dĩ độc trị độc” thì lại càng vô lý, bởi điện ảnh là một thứ ngôn ngữ hình tượng và không nhất thiết phải “mục kích sở thị” nông cạn như vậy.
Một bộ phim “tiêu diệt” toàn bộ diễn viên
Điều đáng tiếc nhất trong bộ phim này là sự thể hiện quá mờ nhạt của dàn diễn viên. Quách Ngọc Ngoan thật phí khi có một khuôn mặt quá đẹp, quá điện ảnh khi vào vai Nam quá cứng, quá vô vị.
Những lúc khó khăn, dù nhỏ nhất đến lớn nhất, anh cũng chỉ biết cau mày, nhăn mặt. Hoàn toàn không có sự tinh tế biểu cảm của trạng thái cảm xúc từ nhỏ đến lớn. Trạng thái biểu lộ của Quách Ngọc Ngoan rất cứng và “đơ” cứ như thể anh là một diễn viên nghiệp dư.
Kim Tuyến vào vai người phụ nữ độc ác thì lúc nào cũng trợn mắt lên, mặt vênh váo, kiêu sa đài các nhưng tất cả chỉ là cái vỏ và nếu đem so sánh với cùng dạng vai tương tự như vậy là Maya trong Scandal thì cô chỉ đáng…là diễn viên hạng B.
Diễm My thì quá nhạt với vai người chị. Nhã Phương đã quá cố gắng với vai Cát, nhưng ngây thơ không có nghĩa là mắt cứ tròn xoe ngơ ngác hoặc mặt hừng hực khí thế khi con Giong bị tổn thương. Một lần còn được chứ xuyên suốt bộ phim với nhiêu đó cách thể hiện thì rất nhàm và giả.
Điều nữa là về quay phim. Đây là một bộ phim được quay một cách khá cẩu thả (và cả khâu dựng phim nữa) bởi khi xem thì hai góc màn hình phía dưới luôn mờ mờ một lớp gì đó (hay ống kính máy quay bị hỏng?) xem rất khó chịu.
Đó là chưa kể tới có một cảnh quay “lộ” nguyên một chiếc xe tải vào khuôn hình dù rằng cảnh đó là giữa sa mạc và chẳng có gì liên quan đến xe cộ và chiếc xe đó nhiều khả năng của đoàn làm phim.
Còn về kĩ xảo thì phải dùng từ: rất trẻ con. Từ những tấm ảnh ghép cảnh Cát bơi dưới đáy đại dương như hình kỹ thuật số của… mấy tiệm ảnh cho tới cảnh nhân vật ngụp lặn dưới biển cũng được quay ghép lộ cả mép trên của mực nước (chắc quay trong bể bơi bằng kính?).
Chắc chắn đạo diễn và nhà sản xuất sẽ nói rằng “kinh phí hạn hẹp làm được vậy là tốt rồi”. Nhưng khán giả cũng có quyền nói rằng, đắt rẻ không quan trọng, mà tôi cần được xem một bộ phim tử tế.
Hơn nữa, càng không thể “tha thứ” khi đây là một bộ phim chiếu khai mạc của một Liên hoan phim quốc tế với quá nhiều sạn, quá nhiều sự không thống nhất trong một thành phẩm, đến mức nước chủ nhà không biết bám víu vào điều gì để tự hào.