Huế - Điểm đến của phim cổ trang

Thứ tư, 05/12/2012, 15:14
Trong lúc ở Việt Nam chưa có phim trường để thực hiện các thể loại phim lịch sử nhiều kỳ, thì Huế chính là nơi các đạo diễn phim cổ trang chọn lựa để "hiện thực hóa” giấc mơ của mình.

>> Phim cổ trang Việt và nỗi khổ không ai thấu
>> LHP Hà Nội: Phim Việt bất ngờ thắng lớn
>> Bỗng dưng muốn khóc vì phim Việt
>>  Những cảnh táo bạo trong phim Việt xưa

Như lời đạo diễn Tất Bình từng nói về Huế: "Với những ưu thế sẵn có về thiên nhiên, công trình kiến trúc cổ… chúng ta đang có một "kho vàng” bối cảnh nhưng phải khai thác nó như thế nào để hai bên cùng có lợi".

 


Thực hiện các cảnh quay phim tại Huế
 
"Mỏ vàng” chưa khai thác hết
 
Bên cạnh hệ thống đền đài, lăng tẩm sẵn có, Huế còn có rất nhiều làng cổ như Phước Tích, Thủy Biều, Nguyệt Biều, Ngọc Anh,… Đây là những ngôi làng còn nhiều nhà rường cổ để có thể tạo cảnh phim về đề tài lịch sử mà không cần phải có phim trường.

Trong phim "Thăng Long nhân kiệt” nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đạo diễn đã chọn ngôi nhà rường của anh Hồ Văn Tế và làng cổ Phước Tích để đóng hơn 10 tập phim.

Trước đó, đạo diễn người Pháp Regis Wargnier và nhà quay phim Francois Catonné thể hiện điều đó qua những cảnh quay hoành tráng ở lăng Tự Đức, Đại Nội… trong phim "Indochine” (Đông Dương).

Gần 20 năm sau, khi trở lại Việt Nam, họ bật mí rằng: Đã cố tình cho khán giả thấy cảnh đẹp Việt Nam ở nhiều điểm khác nhau, trong đó có Huế. Bộ phim đã tạo nên cơn sốt ở các rạp chiếu phim nước ngoài, giành được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất và giải quay phim xuất sắc nhất... 
 
Nhiều năm nay trong giới văn nghệ Huế nổi tiếng có một "bầu Hiển” với hơn 10 dự án phim cùng các đạo diễn trong và ngoài nước. Cho dù ở vị trí là trợ lý, diễn viên, hoạ sĩ chọn cảnh, anh Lãng Hiển Xuân bao giờ cũng làm tròn vai.

"Bầu Hiển” chia sẻ: "Tôi nghĩ, chúng ta đang có một "kho vàng” chưa được khai thác là bối cảnh. Nhiều công trình xưa cũ được bảo tồn, gìn giữ, ngoại cảnh đẹp, nguyên vẹn mà không cần thêm sự tác động của hoạ sĩ thiết kế là tiêu chí cần thiết và hấp dẫn các đoàn làm phim cổ trang cũng như phim hiện đại. Chọn Huế làm phim trường sẽ ít tốn chi phí và không phải quay những cảnh phức tạp như các nơi khác". 
 
Đạo diễn Quốc Hưng - tác giả của bộ phim "Ngọn nến hoàng cung” cũng thừa nhận rằng: "Tôi đã đến nhiều vùng đất nhưng chưa từng thấy bất kỳ địa phương nào ở Việt Nam lại có nhiều bối cảnh đẹp, phù hợp với phim trường như Huế. Vì vậy, trong khi chờ những dự án trường quay hiện đại, Huế là lựa chọn thích hợp hơn cả với những đạo diễn làm phim lịch sử". 
 
Phụ thuộc vào ý tưởng, góc máy
 
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của những bộ phim quay tại Huế chính là việc lựa chọn những góc hình, chi tiết đắt giá tạo nên sức hấp dẫn, mãn nhãn người xem.

Điển hình là phim "Ngọn nến hoàng cung” (giải Cánh diều Vàng năm 2004), "Trăng nơi đáy giếng” (giải Cánh diều Bạc 2008)… Hẳn nhiên, phải thừa nhận rằng: Để làm được một phim về Huế, đòi hỏi tài năng của người đạo diễn và một tình yêu Huế đủ để theo đuổi, vượt qua mọi khó khăn.
 
Dưới con mắt những người yêu Huế, tâm huyết với đề tài Huế thì "dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng: "Tôi không ngại làm phim ở Huế (bao gồm cả phim đề tài Huế và sử dụng một phần bối cảnh quay tại Huế). Với nhiều ưu thế sẵn có, ngoài việc giúp các đoàn làm phim tiết kiệm khoản đầu tư không nhỏ thì vẻ đẹp di sản văn hóa Huế cũng được quảng bá rộng rãi qua hàng loạt cảnh quay.

Vấn đề đặt ra là cách thức khai thác sao cho "hai bên cùng có lợi” mà không xảy ra những tranh cãi đáng tiếc như sự cố phim "Thái sư Trần Thủ Độ” quay cảnh sinh hoạt hậu cung ở lăng Minh Mạng".
 
Các nhà làm phim thường nản lòng vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân là các chuyên gia văn hóa, lịch sử phản ứng. Đơn cử, một chuyên gia về cúng tế nhất quyết không cho quay cảnh cúng giao thừa trong "Trăng nơi đáy giếng” vì những lý do tế nhị liên quan đến diễn viên nữ…

Tuy nhiên, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: "Trung tâm luôn tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn làm phim tác nghiệp, dựng bối cảnh phim lịch sử… Sau vụ việc ở lăng Minh Mạng (phim Thái sư Trần Thủ Độ thực hiện tại Huế năm 2010), Trung tâm đã rút kinh nghiệm về khâu kiểm tra kịch bản chi tiết.

Và chắc chắn, sau đây sẽ có lực lượng bảo vệ giúp giám sát các đoàn làm phim về nội dung, thời gian tác nghiệp".

 
Theo Daidoanket

Các tin cũ hơn