Sướng như... hoa hậu Việt Nam

Thứ ba, 25/12/2012, 15:03
Trong khi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế đang dần thất thế, những người đẹp đăng quang thường "im thin thít, lặn mất tăm", thì ở Việt Nam ngược lại, hoa hậu, á hậu luôn được săn đón trong các sự kiện tiệc tùng hay show thời trang.

Trung tâm của sự chú ý

thu thao
Các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam luôn được chú ý và các người đẹp sau khi
giành giải sẽ trở thành người nổi tiếng

Ngay sau đêm chung kết của một cuộc thi sắc đẹp nào đó được tổ chức tại Việt Nam, hình ảnh những cô gái đạt thứ hạng cao lập tức được phủ đầy trên các trang báo.

Sau đó, sức nóng của những người đẹp này tiếp tục lan tỏa qua những bài báo mang tính chất hình ảnh theo kiểu: hoa hậu X xinh tươi trong nắng hè, á hậu Y lung linh với tà áo dài… chủ yếu chụp những người đẹp này trong các bộ quần áo thời trang đi lại trên phố.

Điều này, có lẽ chỉ xảy ra tại Việt Nam – nơi mà làng giải trí luôn thiếu thông tin sâu về các hoạt động văn hóa, giải trí đích thực. Khi đó, những người đẹp trở thành trung tâm của sự chú ý.

Hoạt động của họ được cập nhật từng giây từng phút. Những người đẹp Việt Nam như Mai Phương Thúy, Hoàng My, Diễm Hương, Hoàng Anh… khi được giao nhiệm vụ “đem chuông đi đánh xứ người”, lập tức trở thành tâm điểm, từ lúc đi đến lúc về, dù có giải hay không.

jennifer pham
Jennifer Phạm phát huy thế mạnh hoa hậu của mình ở Việt Nam,
thay vì ở nơi cô đã đoạt giải

Jennifer Phạm là một hoa hậu thông minh khi chọn Việt Nam để sinh sống và phát triển. Bởi nếu tiếp tục lập nghiệp ở Mỹ, nơi đã đem đến cho cô ngôi vị Hoa hậu châu Á tại Mỹ, Jennifer chỉ có thể tham gia ca hát ở một vài show diễn hải ngoại, rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng. Trong khi đó, tại Việt Nam, cô được săn đón, chú ý, được mời đóng phim, làm MC và được xếp vào hàng ngũ các ngôi sao.

hoa hau viet nam
Dayana Mendoza từng phủ kín các trang báo Việt Nam khi đăng quang ngôi vị Miss Universe 2008, dù tại quê hương cô, điều này chẳng có gì quá to tát

Trong khi đó, ở các nước khác, tình thế lại trái ngược hoàn toàn. Năm 2008, cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ – Miss Universe được tổ chức tại Việt Nam.

Hình ảnh thí sinh của Venezuela - Dayana Mendoza trở thành người chiến thắng được đăng trên khắp các trang báo của Việt Nam, trong khi tại quê hương, chỉ có một vài bản tin nhỏ đề cập đến sự đăng quang này.

Ở Trung Quốc, năm 2007, Trương Tử Lâm đăng quang ngôi vị hoa hậu thế giới cũng chỉ được lên trang nhất một ngày. Sau đó, cô vẫn được gọi là hoa hậu thế giới, nhưng chưa từng trở thành tâm điểm đình đám để sánh ngang với những ngôi sao tài năng của làng nghệ nơi đây.

truong tu lam

Năm 2012, Vu Văn Hà tiếp tục chiến thắng tại Miss World, nhưng báo giới trong lĩnh vực nghệ thuật còn không đưa tin này lên trang nhất, thậm chí, phải lục tìm rất lâu những trang báo mạng chuyên về giải trí mới nhìn thấy tin và ảnh về sự đăng quang của cô.

Bởi làng nghệ thuật Trung Quốc, dù chưa thể sánh với phương Tây, nhưng luôn xác định những cuộc thi sắc đẹp không thể sánh bằng những cuộc thi tài năng, những người đẹp, dù nổi tiếng đến đâu, cũng phải đứng sau Dương Mịch, Triệu Vy hay Lâm Tâm Như.

Thế mới thấy, có lẽ không quốc gia nào "nâng niu" các người đẹp như ở Việt Nam.

Nghiễm nhiên làm vedette

diem huong

Nhiều người đẹp Việt Nam đã bước lên sàn catwalk, không chỉ làm người mẫu, mà còn chiếm ngôi vedette – vị trí mà nhiều người mẫu phải phấn đấu trong một thời gian dài, khi đủ danh tiếng và uy tín trong nghề, mới có thể được đảm nhận.

Ngoại trừ hoa hậu Ngọc Hân, người từng làm người mẫu trước khi giành được vương miện nhan sắc, những người đẹp như Thùy Dung, Mai Phương Thúy, Thụy Vân… đều là người mẫu nghiệp dư lấn sân sang làng thời trang, nhưng ngay lập tức, đã được lên hàng người mẫu chính trong các show diễn được khán giả quan tâm.

Những người mẫu ảnh như Ngọc Trinh, Trà Ngọc Hằng… sau khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu, cho dù chỉ được gọi là “hoa hậu ao làng”, vẫn tự tin bước trên sàn catwalk để sánh ngang với những đàn chị như Thanh Hằng, Xuân Lan.

Trong khi đó, trên các sàn thời trang thế giới, đặc biệt là những show diễn lớn, vedette là vị trí vô cùng quan trọng và không bao giờ dành cho những nhân vật nghiệp dư, dù đó có là một người nổi tiếng trong lĩnh vực nào đó.

Thời trang được coi là một lĩnh vực chuyên nghiệp như bao ngành nghề khác, các vị trí đinh của một show diễn cần đến người chuyên nghiệp hơn là một người đẹp vừa được biết đến nhờ cuộc thi nhan sắc.

Luôn có mặt trong các sự kiện lớn

hoa hau thu thuy
Hoa hậu Thu Thủy đăng quang năm 1994, mà đến giờ, tên tuổi của cô 
vẫn được báo giới quan tâm

Trên thế giới, khi các LHP diễn ra, thì thảm đỏ chỉ tôn vinh những người đẹp có đóng góp cho lĩnh vực phim ảnh.

Ở LHP Cannes của Pháp, chỉ có Trương Tử Lâm được một lần mời đi dự vì cô góp mặt trong một bộ phim được trình chiếu. Hay Oscar chỉ có chỗ cho cựu hoa hậu thế giới – người đẹp Ấn Độ Aishwarya Rai với cương vị một diễn viên tài năng và nổi tiếng.

Hoặc ở các sự kiện lớn, lễ khai trương, ra mắt, người ta chỉ mời các ngôi sao có một chuyên môn nhất định, chứ không phải là những người đẹp nổi tiếng nhờ danh hiệu. Ngay cả những thương hiệu mỹ phẩm cũng ưu ái các minh tinh hơn.

Hay nói cách khác, ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoa hậu, á hậu… chẳng qua chỉ là những bông hoa đẹp, nhìn thoáng qua để biết, rồi lại quên ngay.

Trong khi đó, ở các sự kiện lớn của làng giải trí Việt Nam, như Elle Show, Đẹp Fashion Show, các lễ trao giải âm nhạc, điện ảnh… các hoa hậu, người đẹp thường xuất hiện ở hàng ngũ khách mời VIP, dù họ chẳng có tài ca hát, cũng không mấy khi tham gia diễn xuất.

Với những trang phục quyến rũ, những người đẹp vẫn hút được khán giả và báo giới trên thảm đỏ. Sau các cuộc thi nhan sắc, có lẽ không quá phô trương khi cho rằng, nhiều người đẹp Việt Nam sống nhờ những khoản cát-xê khi tham dự sự kiện.

hoa hau
Người đẹp Ấn Độ Aishwarya Rai xuất hiện trên Oscar vì cô là một diễn viên, chứ không phải một hoa hậu

Đổi đời ngoạn mục

mai phuong thuy
mai phuong thuy

Ở Mexico, sau thời gian làm đương kim hoa hậu trong vòng 1 năm, các người đẹp trở về với cuộc sống thường nhật. Cô sinh viên tiếp tục lên giảng đường, nàng công chức tiếp tục đến văn phòng.

Cường quốc sắc đẹp Venezuala cũng vậy, các hoa hậu chỉ được nhắc đến trong thời gian tại nhiệm, còn sau đó, họ phải nhường lại ánh hào quang cho những người kế tiếp.

Ngược lại, tại Việt Nam, một khi đã trở thành người đẹp có giải thưởng, cô gái đó dường như sẽ trở thành nhân vật được quan tâm trong một thời gian dài sau đó. Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy… vẫn được theo dõi nhất cử nhất động, dù đã đăng quang cách đây 2 thập kỷ.

ha kieu anh
Hà Kiều Anh vẫn được mời đến các sự kiện lớn, dù cô là hoa hậu của 2 thập kỷ trước

Trên thế giới, những cuộc thi hoa hậu giúp các cô gái đẹp đổi đời một cách gần như toàn diện có lẽ chỉ có hoa hậu Hong Kong. Tuy nhiên, đây là cuộc thi mang đặc thù riêng với tiêu chí tuyển chọn những gương mặt đẹp có tiềm năng diễn xuất.

Còn tại Việt Nam, khi mang danh hoa hậu, các người đẹp được trao cho những cơ hội mà người bình thường không dễ dàng có được. Nếu không đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam năm 2008, Thùy Dung có lẽ, như cô nói, ở nhà phụ cho cửa hàng thời trang của mẹ.

Nhưng sau 4 năm, đến nay, cô gái Đà Nẵng đã là một nhân vật nổi tiếng, một người mẫu chuyên giữ vị trí vedette và thường xuyên được góp mặt trong các sự kiện lớn trong và ngoài nước.

Hay như Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương, trước khi đăng quang, cô chỉ là một cô sinh viên bình thường của một trường đại học không mấy nổi tiếng. Diễm Hương từng chia sẻ, có những thời điểm, cô chi tiêu đến hàng chục triệu một ngày, trong khi trước đó vẫn phải xin tiên mẹ tiêu vặt.

Tạm kết

Những người quan tâm tới các cuộc thi sắc đẹp hẳn từng thắc mắc tại sao sau khi Leila Lopes đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2011, hay Vu Văn Hà, đương kim Hoa hậu Thế giới lại "lặn mất tăm" trên các mặt báo. Người hâm mộ hầu như không biết được họ đi đâu, làm gì với vương miện của mình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các người đẹp lại luôn được săn đón, thậm chí hình thành một nghề dự tiệc hái ra tiền. Có lẽ, đây là một điểm thú vị của làng giải trí Việt Nam, khi có quá ít những nhân vật đủ sức thu hút chú ý của dư luận. Nhiều đạo diễn, nhà thiết kế không giấu diếm rằng họ mời người đẹp tham dự chương trình là để được công chúng chú ý hơn tới các dự án đang thực hiện.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận công sức cố gắng của nhiều người đẹp, từ những "tay mơ", họ có thể gắn tên tuổi mình với một bộ phim hay vị trí MC trên sân khấu. Tuy vậy, có lẽ khán giả và bản thân người đẹp cũng nên phân định rõ ràng về vai trò của mình trong showbiz, để không đánh đồng vị trí hoa hậu, á hậu với diễn viên, ca sĩ, tránh những "thảm họa" hay danh xưng "bình hoa di động", gây nhiễu cho làng giải trí Việt.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn