Bên lề nhan sắc

Thứ năm, 07/03/2013, 08:15
Gần giống như hào quang của ánh đèn sân khấu, của thảm đỏ, sàn diễn … đằng sau những nhan sắc chuyển giới là vô vàn những câu chuyện bên lề chua cay và khổ nhục. Đánh đổi nhan sắc không chỉ cần chấp nhận tiêu hoang tiền bạc, thời gian, thậm chí cả mạng sống mà còn là chấp nhận cả những hệ lụy. Nói thế mới thấy, một khi đã quyết định “cải số”, thân phận chuyển giới đã phải thấm nhuần tất cả, có điều, không phải ai cũng dám nói thật và nói hết những chuyện xung quanh việc chuyển giới …

Sắc đẹp … ngàn đô

NTK Franky Nguyễn

Nhiều người vẫn thắc mắc, bao nhiêu tiền là đủ cho một lần “đổi ngôi”? Xin thưa, bao nhiêu cũng đủ, vì ở mỗi quốc gia sẽ có mức giá khác nhau. Điều này tùy thuộc vào mức độ phổ biến, công nghệ, sự hỗ trợ chính phủ cũng như hình thức và độ “khó” của những ca phẫu thuật.

Ở Thái Lan, việc chuyển giới đã được “bình thường hóa” từ lâu và trở thành một ngành dịch vụ khá thu hút bởi chi phí cho một ca phẫu thuật “cải phận” tại đây thuộc vào hàng rẻ nhất thế giới, khoảng từ $20.000 đến $30.000 (tương đương 400 – 600 triệu đồng). Những chi phí này ít hay nhiều còn phụ thuộc vào những gì mà khổ chủ muốn thực hiện, nhưng thông thường một ca phẫu thuật tạo ngực có giá cao nhất là $8.000, trong khi để có một dung nhan mềm mại, nữ tính (phải cắt xương vai, gọt xương hàm, cắt trái cổ (yết hầu) …trên khuôn  mặt của nam giới) sẽ phải tốn ít nhất $10.000.

Ngoài khoản chi phí không nhỏ cho việc phẫu thuật tạo hình cơ thể, để có quá trình chuyển giới hoàn thiện, những người cả gan “cãi lại mệnh trời” còn phải tiêu hao khoảng $300 mỗi tháng cho liệu pháp hormone nội tiết tố từ trước khi thực hiện phẫu thuật cho đến cuối đời. Đó là chưa kể, nếu chuyển từ nam sang nữ, không nhiều thì ít, họ phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho thời trang, phụ kiện, spa chăm sóc da, tóc, móng … Chẳng một phụ nữ nào muốn mình có một vẻ ngoài xấu xí, thô kệch, đương nhiên, phụ nữ chuyển giới lại càng không. Vì vậy, một người có ý định chuyển giới biết nhìn xa trông rộng thì nên dằn túi ít nhất $100.000 (khoảng hơn 2 tỷ đồng)! Thế nên nhà thiết kế chuyển giới Franky Nguyễn chia sẻ cô đã phải làm lụng cật lực từ năm 18 tuổi để dành dụm tiền thực hiện ước mơ “cãi lại tạo hóa” này.

Những hệ lụy khó lường

Cindy Thái Tài

Tốn kém tiền bạc đã đành, công sức bỏ ra cho một lần “đổi ngôi” cũng thật khó mà đo đếm được. Để có một cuộc “lột xác hoàn hảo”, khỏi phải nói những người chuyển giới đã phải chịu đựng những nỗi đau đớn về thể xác như thế nào.

NTK Franky Nguyễn từng chia sẻ trong một bài báo về cảm giác này: “Khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật lớn, tôi đau đớn đến nỗi không có từ nào để diễn tả được. Thân thể bầm đen, tôi cũng phải tập đi lại từ đầu. Bạn thử tưởng tượng đi, cách đây 4 – 5 năm, tôi nặng 90kg, là một thằng con trai khá to lớn. Sau khoảng thời gian không dám ăn, ngày đêm tập thể dục đến nỗi muốn ngất đi, giờ tôi chỉ còn 58kg. Nhiều lúc ngắm mình trong gương, tôi còn giật mình”. Và sau cuộc đại phẫu thuật ấy, NTK này cũng thừa nhận: “Sức khỏe của tôi bây giờ không được như trước, sức đề kháng giảm nhiều”.

Nhưng chẳng phải ai cũng có đủ một khoản tiền từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để sang nước ngoài phẫu thuật hoàn chỉnh nên không ít người đã thực hiện ước mơ “tìm lại chính mình” một cách đầy liều lĩnh. Một người chuyển giới chia sẻ cô ta đánh liều tự sử dụng hormone dù biết hậu quả của nó có thể làm cho cơ thể yếu đi, dễ bị bệnh… bù lại chỉ để có được thân hình thon thả, da dẻ mịn màng như ý muốn.

Lại có trường hợp tự đi bơm mông, đặt ngực, chắp vá cơ thể sao cho giống phụ nữ mà không cần biết đến hệ quả khó lường của nó. Đặt ngực giá rẻ $2.000 (khoảng hơn 40 triệu đồng) có thể bị ép van tim, gây khó thở … trong khi ai cũng hiểu rõ phẫu thuật phần dưới (với giá chỉ $3.000, tương đương hơn 60 triệu đồng) là nguy hiểm hơn cả, vì chỉ cần làm ẩu là coi như mất cả đời trai lẫn gái.

Đó là chưa kể có nhiều trường hợp phẫu thuật chuyển giới xong lại rơi vào trầm cảm, ức chế vì bất như ý và muốn quay trở lại với giới tính trước đây. Và đáng buồn thay, lại có những trường hợp để có đủ tiền sang nước ngoài “đại phẫu” thì về nước lại phải “bán thân” kiếm tiền trả nợ. Và đôi khi, hệ lụy chuyển giới không phải là những “tai nạn” từ sự cố sức khỏe mà lại là do việc vay nợ với lãi suất cao ngất ngưởng.

Ngoài ra, có một sự thực hiển nhiên mà những người chuyển giới phải chấp nhận đó là khi “cãi lại mệnh trời”, phần lớn trong số họ sẽ không có khả năng sinh con, hoặc nếu có may mắn thì cũng chỉ một lần, vì phẫu thuật mang được hình dáng bên ngoài chứ không thể giúp thực hiện thêm những thiên chức tự nhiên như người bình thường.

Chuyển đổi giấy tờ: Nhiệm vụ bất khả thi

Nếu như phẫu thuật đã là một quá trình gian nan và nặng nề với những người chuyển giới vì họ không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn phải chịu đựng không ít những đau đớn về thể xác và áp lực về tinh thần, tâm lý khi phải đối diện với những định kiến từ xã hội, gia đình, bạn bè … thì công cuộc “đính chính” lại thân phận của mình mới thật là … hái sao trên trời bởi những quy định và thủ tục pháp lý khá mơ hồ và bất nhất.

Pháp luật Việt Nam quy định, đối với những người chưa xác định giới tính rõ ràng (lưỡng giới, cơ quan sinh dục cả nam và nữ, nam lưỡng tính giả nữ …), sau khi chuyển giới đều được làm lại chứng minh thư, hộ tịch … và được công nhận giới tính mới. Những trường hợp đã có giới tính rõ ràng nhưng tự mình chuyển giới sẽ không được thay đổi giới tính.

Thế nhưng hầu hết những người chuyển giới ở Việt Nam hiện nay đều thực hiện cuộc “cãi mụ” khi họ đã có một nhân thân “anh” hoặc “chị” khá rõ ràng trong quá khứ. Trường hợp quyết định công nhận chuyển đổi giới tính từ “anh” Phạm Văn Hiệp sang “cô” Phạm Lê Quỳnh Trâm năm 2009 rồi lại thu hồi quyết định công nhận ấy vào năm 2012 không chỉ cho thấy sự lúng túng về mặt pháp lý của những cơ quan công quyền xứ ta mà còn đẩy mơ ước “chính danh” của những người chuyển giới vào vòng luẩn quẩn đến tuyệt vọng.

Là nghệ sĩ đầu tiên công khai chuyển giới nhưng hơn 10 năm qua, mọi giấy tờ của Cindy Thái Tài vẫn mang giới tính nam. Chị đã bao lần nhọc công đến các cơ quan công quyền xin được chuyển đổi lại giấy tờ cho đúng với giới tính hiện tại của mình nhưng đều bị lắc đầu từ chối.

Cindy tâm sự:“Khó khăn lắm tôi mới được là chính mình nhưng rất tiếc pháp luật vẫn còn chưa cụ thể cho người chuyển giới …”. “Tôi muốn làm một người vợ đúng nghĩa chứ không muốn kết hôn với người đàn ông mà trên giấy tờ là hai người đàn ông. Điều đó không đúng với con người tôi và bất công với người đàn ông yêu thương tôi”.

Và khi Thái Tài không được chính quyền xem xét chuyển đổi giới tính thì việc làm đám cưới và thực hiện việc đăng ký kết hôn với người đàn ông mà chị yêu thương cũng là bất khả thi bởi pháp luật xứ mình hiện nay cũng chưa có luật cho phép hai người đồng giới cưới nhau. Đó là chưa kể đến việc không được công nhận chuyển giới, những người “cả gan cãi mụ này” sẽ còn phải đối mặt với những rắc rối khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, rồi phải mượn người khác đứng tên trên những tài sản của mình như nhà cửa, đất đai, xe cộ …

Mong ước của những người chuyển giới như Cindy Thái Tài là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, khi những quy định pháp lý còn chưa song hành với thực tế cuộc sống thì những người chuyển giới vẫn phải chờ đợi và hi vọng về một sự thay đổi trong tương lai.

Chuyển giới – Những con số biết nói

- Tuổi tác không phải là vấn đề ảnh hưởng đến việc chuyển giới. Ca sĩ nhạc Pop người Đức (14 tuổi) và Ruth Rose (80 tuổi) là người chuyển giới trẻ/già nhất hiện nay đều thành công trong hai ca phẫu thuật của mình.

- Yollada là người chuyển giới (nam sang nữ) đầu tiên tham gia chính trường và đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 27/5/2012, giành vị trí người phụ trách tài chính trong hội đồng của tỉnh Nan tại Thái Lan.

- Trong lịch sử, có tới 103 vận động viên thể thao tham dự Olympic là những người đồng tính hoặc chuyển giới. Trong số họ, có khoảng 52% từng giành huy chương, Robertta Cowell được ghi nhận là nữ vận động viên đầu tiên phẫu thuật chuyển giới thành nam và công khai điều đó vào năm 1951.

Theo Sanhdieu 

Các tin cũ hơn