Ngân hàng ngại 'vung tiền' dịp cuối năm

Thứ bảy, 17/12/2011, 03:44
Ngay cả khi còn "room" tín dụng, một số ngân hàng vẫn ngại ngần trong việc giải ngân các khoản vay mới. Nếu cho vay, các đơn vị này cũng áp lãi suất cao.


Không ít ngân hàng khá dè dặt với việc giải ngân tín dụng dịp cuối năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

 

Với các khoản vay tiêu dùng, mức lãi suất hiện nay của hầu hết ngân hàng đều trên 20% một năm. Thậm chí, có hồ sơ đẹp, tài sản thế chấp và chấp nhận lãi cao, nhiều người vẫn không vay được vốn. Một số đơn vị còn nguồn tiền và có thể cho vay (room) cũng ngần ngại trong giải ngân các khoản vay mới.

Chị Thanh (Tây Hồ, Hà Nội) kể, chị nộp hồ sơ vay vốn đến 4 ngân hàng thương mại và được nhân viên tín dụng hứa hẹn sẽ giải ngân. Nhưng một tuần trước, các nhân viên này đồng loạt gọi điện thông báo tạm dừng tất cả các hồ sơ vào dịp cuối năm.”Nhân viên nói với tôi, có thể đợi được đến đầu năm sau, khi được mở room cho vay mới, thì có thể xem xét giải ngân dễ dàng hơn cho khách hàng cá nhân”, chị Thanh kể.

Thời điểm này, gần như tất cả ngân hàng đều không nhận hồ sơ tín dụng mới. Theo giải thích của chị Quỳnh Anh, nhân viên tín dụng một ngân hàng trên phố Xã Đàn (Hà Nội), việc quyết toán sổ sách phải xong trong năm dương lịch, nên ngân hàng không muốn giải ngân thêm các khoản vay mới trong những ngày cuối cùng. Hơn nữa, theo nhân viên này, gần Tết, các nhà băng đều bận rộn với nhiều kế hoạch, nên việc xét duyệt hồ sơ hoặc quyết định giải ngân thời điểm này khá khó khăn.

Nhân viên tín dụng một ngân hàng nằm trong top "ông lớn" cũng cho biết, hiện nay, để được giải ngân, khách phải đăng ký với bộ phận làm tín dụng, sau đó sẽ được trình lên cấp trên để xét duyệt. Nếu như bản đăng ký được thông qua, có thể giải ngân ngay. Tuy nhiên, anh này cho hay, cuối năm, thường các ngân hàng không muốn có thêm khoản chi, để ghi vào sổ sách làm thay đổi số liệu, nên việc giải ngân tương đối khó.

Về hiện tượng một số ngân hàng "ngại" giải ngân dịp cuối năm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, nhiều khả năng một số đơn vị có vấn đề về nguồn vốn, thanh khoản. Theo ông, thông thường, dịp cuối năm, các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay vì đây là cơ sở để lấy chỉ tiêu tín dụng cho năm sắp tới. Do vậy, nếu còn "room" và có nguồn, chắc chắn không đơn vị nào chọn hướng siết tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo này khẳng định đơn vị ông sẽ giải ngân bình thường, nếu hồ sơ của khách hàng đủ điều kiện. Lãi suất cho vay đối với nhóm nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại LienVietPost Bank khoảng 17% một năm.

Một số doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, song vẫn phải chịu lãi suất cao. Hầu như rất ít đơn vị có thể vay tiền với lãi suất 17-19% một năm- mức mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đạt được hồi tháng 9.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng và trang sức tại Hà Nội cho biết, đơn vị ông vay tiền với lãi suất 19% một năm. Song tính phí cộng thêm, rồi yêu cầu phải mở thẻ từ ngân hàng, lãi không còn như ban đầu nữa.

Theo lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội, vẫn có những nhà băng áp lãi trên 20% do chi phí lớn, phòng rủi ro, nhưng bình quân, mức cơ bản đã về 17-19%. Ông bày tỏ, trần lãi suất cho vay chưa có, nên việc một số đơn vị điều chỉnh lãi suất đầu ra cao hơn 20% cũng không được cho là vi phạm.

Trong khi đó, BIDV, lần thứ 4 công bố giảm lãi suất đã áp dụng mức 14,5-15,5% một năm cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên. Lý giải cho những lần liên tục giảm lãi suất trong một thời gian ngắn, ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, đây là cách chia sẻ đối với các doanh nghiệp. Trong suốt năm 2011, tín dụng dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 22% so với mức 40% dành cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên.

Theo ông, không riêng gì BIDV, tất cả các ngân hàng đều muốn giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, vừa và nhỏ trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào, muốn giảm là giảm được ngay, vì lãi suất đầu ra còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác trong toàn bộ quá trình hoạt động. Theo lãnh đạo này, cơ sở để BIDV nhiều lần hạ lãi suất cho vay trong thời gian qua là lợi thế từ nguồn vốn không kỳ hạn và sự ổn định của hệ thống.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng, nếu tính chung, bình quân lãi suất cho doanh nghiệp của các ngân hàng đã 17-19% như cam kết của Thống đốc. Một số đơn vị vẫn để lãi suất cao trên 20%, có thể là cách để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động. Ông đánh giá, 2011 là một năm khó khăn của ngành ngân hàng và các nhà băng chỉ dám cho vay lãi suất thấp với khách hàng tốt, có nguồn vốn để trả nợ. .

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn