Hành trình kiếm tiền của người giàu nhất Trung Quốc

Thứ hai, 08/09/2014, 14:23
Jack Ma đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ròng trị giá khoảng 22 tỷ USD. Tất cả những gì Jack Ma có được ngày hôm nay là nhờ “đế chế” thương mại điện tử Alibaba mà ông sáng lập cách đây 15 năm.

Hình ảnh Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, trong nhiều vai trò khác nhau - Ảnh:
Getty và Bloomberg.


Năm nay 49 tuổi, tỷ phú Ma đang gấp rút chuẩn bị cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Alibaba tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) trong tháng 9 này.

Hãng tin Bloomberg nhận xét, không phải là một tay “phù thủy công nghệ” như Mark Zuckerberg hay một bậc thiên tài sản phẩm như Steve Jobs, Ma xuất thân là một giáo viên tiếng Anh biết dùng cơ hội và niềm đam mê để biến những ý tưởng có được từ nước ngoài trở thành những thứ lớn lao ở Trung Quốc.

Thường xuyên luyện Thái cực quyền, Ma không ngại cạnh tranh. Ông đã hợp tác với Yahoo! để đánh bật đối thủ Mỹ eBay ra khỏi Trung Quốc. Ông cũng là một người có khả năng trình diễn âm nhạc, từng xuất hiện trong trang phục của một ca sỹ nhạc rock và hát nhạc phẩm “Can you feel the love tonight” tại một sân vận động trước hàng nghìn nhân viên của Alibaba.

Với sự giàu có và mức độ phủ sóng rộng, Ma thực sự là một người nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông có 15,7 triệu người theo dõi (follower) trên mạng xã hội Weibo và mới đây đã tổ chức một bữa tiệc tối với sự xuất hiện của tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates.

Hành trình trở thành người giàu nhất Trung Quốc của Ma dựa trên sự đặt cược thông minh của ông vào sức mua của tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh ở nước này. Alibaba chiếm 54% số gói hàng mua trực tuyến được giao ở Trung Quốc trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 6 năm nay và giúp tạo ra 15 triệu việc làm. Với Alibaba, Ma giúp những người nông dân mở hiệu bán nhộng tằm, các nhà lập trình điều hành có công việc trang web, hay rất nhiều người trở thành nhân viên giao hàng…

Sau khi đã thành công trong lĩnh vực thương mại và thanh toán điện tử, Ma đang mở rộng sang lĩnh vực giải trí, tài chính và bóng đá. Ông là người quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và vì thế, Alibaba đã tài trợ những bộ thử chất lượng nước cho nhân viên và kết quả thử được đưa lên mạng.

Cảm hứng thành lập một công ty Internet đến với Ma khi ông có chuyến đi Mỹ đầu tiên vào năm 1995.

Tới thăm nhà một người bạn ở Seattle, Ma gõ chữ “beer” (bia) vào một công cụ tìm kiếm nhưng không tìm thấy kết quả nào bằng tiếng Trung Quốc. Nhận thấy Trung Quốc cần phải được kết nối với World Wide Web, ông đăng ký một website mang tên China Pages - một danh bạ trực tuyến kiểu trang vàng. Sau khi kế hoạch này thất bại, Ma vào làm trong Bộ Thương mại Trung Quốc và giúp cơ quan này mở một website.

Tại Bắc Kinh, Ma gặp Jerry Yang, người đồng sáng lập Yahoo, người sau này đưa Yahoo đầu tư 1 tỷ USD và nắm 40% cổ phần của Alibaba. Đến năm 1999, khi cổ phiếu Internet tăng giá bùng nổ ở Phố Wall, Ma quay trở lại quê nhà Hàng Châu.

Tại đây, ông cùng vợ mình và 16 người khác thành lập nên Alibaba ngay tại nhà riêng. Ông đặt tên cho công ty của mình là Alibaba để nhớ đến câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” - câu thần chú mở ra hang chứa kho báu trong truyện thần thoại Nghìn lẻ một đêm. Ma muốn công ty của mình “là một cánh cửa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ”.

Theo nhận xét của nhiều người, Ma là một người dám chấp nhận rủi ro lớn. Ông đã thâu tóm nhiều nhà sản xuất ứng dụng, một xưởng phim, và một phần của một đội bóng đá Trung Quốc chỉ sau một đêm “nhậu” với chủ sở hữu câu lạc bộ này. Giờ là lúc Ma cần thuyết phục các nhà đầu tư rằng, các vụ mua lại mạnh tay của ông sẽ đưa Alibaba tiến sâu vào lĩnh vực di động và các thị trường bên ngoài, bao gồm Mỹ.

Alibaba được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ Trung Quốc, nhưng cũng chịu sự chi phối của các chính sách này. Bắc Kinh có thể thay đổi hợp đồng giữa Alibaba với các cổ đông Mỹ, tăng cường kiểm soát các trang của Alibaba hay giới hạn hoạt động thanh toán trực tuyến vốn có vai trò quan trọng đối với Alibaba.

Tất cả những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng tới giá trị mà Alibaba có thể đem tới cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc Ma là một tỷ phú nổi tiếng ở Trung Quốc cũng có thể là một bất lợi. Trong mấy năm gần đây, không ít tỷ phú hàng đầu Trung Quốc đã bị pháp luật “sờ gáy”.

Tuần trước, một tài liệu được Alibaba gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy, Alibaba định giá cổ phiếu trong vụ IPO sắp tới trong khoảng 60-66 USD.

Trong đợt phát hành này, Alibaba sẽ chào bán tổng cộng 320 triệu cổ phiếu và với mức giá tối đa 66 USD/cổ phiếu, Alibaba sẽ huy động được 21,1 tỷ USD, vượt kỷ lục cũ 19,7 tỷ USD mà hãng thẻ Visa huy động được trong vụ IPO vào năm 2008. Tại điểm giữa của khoảng giá dự kiến, Alibaba được định giá ở mức khoảng 160 tỷ USD.

Với mức giá cổ phiếu Alibaba như vậy, nhà sáng lập Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc với mức tài sản ròng 21,8 tỷ USD dựa trên mức cổ phần 7,3% mà ông nắm giữ trong Alibaba và cổ phần gần 50% trong Alipay, bộ phận thanh toán dạng PayPal của Alibaba.
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn