Lời hứa của Thống đốc với quê lúa Thái Bình

Thứ ba, 09/09/2014, 07:52
“Từ đầu nhiệm kỳ, cá nhân tôi từng hứa với đồng chí Trần Cẩm Tú dành thời gian về thăm Thái Bình, do hoàn cảnh công tác bận rộn nay mới thực hiện được”, Thống đốc Nguyên Văn Bình tâm sự trong chuyến công tác ngày 8/9.

Thực ra ông Bình không xa lạ với vùng quê Bắc bộ này. Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm quê Thái Bình. Từ thời ông Kiêm còn đương nhiệm, ông Bình nhiều lần được cử về đây công tác, có đợt cả tháng trời.

Nhậm chức vào tháng 8/2011, đến nay ông Bình mới có thời gian về Thái Bình trên cương vị Thống đốc, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế xã hội nơi đây và thực hiện lời hứa với Bí thư tỉnh uỷ Trần Cẩm Tú.

Thong-doc-NVB-1576-1410199547.jpg

Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm việc tại Tỉnh uỷ Thái Bình ngày 8/9. Ảnh: N.Q.

Cận kề với khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Thái Bình là tỉnh đông dân số, với trên một triệu người trong độ tuổi lao động. Ông Trần Cẩm Tú cho biết tỉnh có xuất phát điểm thấp, đặc biệt là về hạ tầng kinh tế xã hội, giao thông kết nối với các địa phương khác không thuận lợi.

“Nhìn sang các tỉnh khác, Thái Bình thấy mình thực sự khó khăn. Với nguồn lực của mình mỗi năm chúng tôi chỉ có thể tự làm chục cây số đường, tương đương vài trăm tỷ đồng vốn đầu tư. Để Thái Bình có điều kiện bứt phá, chưa dám mong dẫn đầu phía Bắc, rất mong đồng chí Thống đốc hỗ trợ nhiều hơn nữa”, ông Tú nói. Tranh thủ chuyến làm việc của người đứng đầu ngành ngân hàng, lãnh đạo tỉnh liệt kê gần 10 dự án với tổng mức đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng đề nghị được bố trí vốn vay để tiếp tục triển khai.

Theo số liệu thống kê của tỉnh, 6 tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn đạt 7,46%; trong đó công nghiệp – xây dựng – thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 70%. Toàn tỉnh hiện có 731 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 101.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 145.000 lao động.

Trong lĩnh vực ngân hàng, 8 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 25.400 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm ngoái; tổng dư nợ cho vay 35.500 tỷ đồng, tăng 5,9%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 41 của Chính phủ) đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 2,7%.

Tình hình phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Thái Bình gây ấn tượng với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vì xuất phát điểm khó khăn nhưng GDP tăng cao hơn nhiều mức bình quân cả nước (6 tháng đầu năm cả nước tăng trưởng 5,18%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ tỉnh thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ và đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo chỉ bằng nửa so với trung bình cả nước (7-8%).

Trước đề nghị của địa phương về việc bố trí vốn vay cho các dự án trọng điểm, Thống đốc yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống các tổ chức tín dụng phân tích kỹ để kịp thời đáp ứng nhu cầu của địa phương. Ông đặc biệt lưu ý ưu tiên vốn cho các dự án giao thông cấp bách, lưu lượng lớn bởi đây là hạ tầng cơ sở cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thái Bình.

Thong-doc-Nguyen-van-Binh-5756-141019954

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao đổi với Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Trần Cẩm Tú (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch tỉnh Phạm Văn Sinh (thứ ba từ phải sang) tại khu vực quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn của xã Bình Định (huyện Kiến Xương). Ảnh: N.Q.

Tuy nhiên, điều khiến Thống đốc trăn trở đó là Thái Bình chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có về nông nghiệp. Đông dân số, điều kiện tự nhiên thuận lợi, được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, nhưng Thái Bình lại đi sau các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương thí điểm một số mô hình như sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm, sản xuất theo chuỗi phục vụ xuất khẩu và chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 15 dự án thí điểm các mô hình mới này đã được các bên ký kết triển khai trên toàn quốc, nhưng Thái Bình không có dự án nào nằm trong danh sách.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, mong muốn nâng số dự án thí điểm toàn quốc lên 20-25. Thái Bình chưa có dự án nào, rất mong tỉnh quan tâm”, Thống đốc Bình kêu gọi. Ông cho biết thêm cơ chế tín dụng với các dự án thí điểm rất hấp dẫn. Nếu như hạn mức đầu tư cho các dự án nông nghiệp trước đây cao lắm chỉ vài chục tỷ đồng thì với các dự án thí điểm mô hình sản xuất mới, các đơn vị có thể được vay tới hàng trăm tỷ đồng vốn lưu động cũng như trung, dài hạn mà không lo tài sản thế chấp, chỉ cần dự án khả thi, chứng minh khả năng quản trị kinh doanh tốt và có đầu ra.

Thường xuyên trao đổi trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng từng bàn với Bí thư tỉnh uỷ Trần Cẩm Tú về ý tưởng xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Thực tế từ đầu năm nay, Thái Bình đã thí điểm ở một số địa phương, nhưng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng quá lớn là lý do khiến các địa phương chưa mạnh dạn mở rộng mô hình này để phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.

“Nghe anh Tú tính toán làm một cánh đồng mẫu lớn cần ít nhất 10 tỷ đồng, tôi đã nói anh sẽ có 3 cánh đồng như vậy”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhắc lại lời hứa năm nào và tuyên bố ngành ngân hàng tài trợ Thái Bình 30 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và cánh đồng mẫu lớn.

“Tôi hứa từ đầu nhiệm kỳ đến bây giờ mới thực hiện. Thực tình xin cáo lỗi với các đồng chí, nhưng người ta nói muộn còn hơn không. Tôi mong rằng cùng với cơ chế chính sách, tài trợ của hệ thống ngân hàng sẽ giúp các hợp tác xã và bà con nông dân phấn khởi tham gia vào chương trình”, ông Bình gửi gắm.

Xã Bình Định, huyện Kiến Xương là một trong những địa phương thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo đề án của uỷ ban nhân dân xã, trong giai đoạn 2014-2020, sẽ quy hoạch sản xuất tập trung trên diện tích 330 ha với gần 1.900 hộ dân tham gia. Kinh phí đề xuất để đầu tư vật liệu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng lên tới gần 13,6 tỷ đồng.

Thực tế triển khai vụ đầu tiên (vụ Xuân, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 6) trên diện tích 100ha, gần 500 hộ tham gia bước đầu đã có lãi. Vùng quy hoạch mô hình sản xuất tập trung cho sản lượng 300 kg mỗi sào, trong khi diện tích ngoài quy hoạch chỉ đạt 275 kg. Tính chung mỗi sào lúa sản xuất theo phương thức mới, nông dân thu lãi hơn một triệu đồng. Trong khi đó, sản xuất theo cách cũ, nếu đi thuê khoán, họ thường lỗ, nên phải lấy công làm lãi.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn