Đứng trước nông trại xà lách Mỹ mơn mởn, ông Hironosi Tsuchiya - người đã có công lớn xây dựng làng Thần Kỳ Việt Nam ở làng Đạ Nghịt, xã Lát, cũng là Giám đốc đại diện Quỹ Đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH An Phú Lacue - không giấu được niềm vui.
Cách đây chưa lâu, khu vườn xà lách này chỉ là một vùng đất bạc màu với lởm chởm sỏi đá, cỏ bụi rậm rạp... Hironosi Tsuchiya cho biết, ông và cộng sự đã và đang nỗ lực hết mình để biến vùng đất khó này thành làng Thần Kỳ đỉnh cao tại Việt Nam.
Công nhân đang làm việc tại nông trại rau của làng Thần Kỳ Việt Nam. |
Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi ở đất nước mặt trời mọc, nơi ông sinh ra, làng Kawakami (quận Minamisaku, tỉnh Nagano) - vốn là vùng đất cằn cỗi, nghèo khó và lạc hậu. Sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản, thu nhập bình quân trên 200.000 USD/hộ/năm trong khi mỗi năm người dân chỉ làm việc 4 tháng. Người dân Nhật gọi Kawakami là làng Thần Kỳ để vinh danh những nông hộ nơi đây…
“Đó là lý do chúng tôi quyết lập một làng Thần Kỳ thứ hai - ông Hironosi Tsuchiya nói. So sánh điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Đạ Nghịt với làng Kawakami của Nhật Bản, rõ ràng vùng Đạ Nghịt có những ưu thế vượt trội. Nếu như ở Đạ Nghịt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quanh năm với khí hậu ôn hòa và nhiệt độ lý tưởng, thì ở làng Kawakami mỗi năm chỉ sản xuất được 4 tháng (6-10), thời gian còn lại không thể sản xuất do tuyết bao phủ.
Trước khi chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ, ông Hironosi Tsuchiya cùng cộng sự đã cẩn thận lấy từng mẫu đất, nước trong vùng để xét nghiệm, kiểm tra hàm lượng các chất có trong đất, nước. Họ còn tỷ mỷ theo dõi lượng mưa trong nhiều năm để chọn thời điểm xuống giống cho hợp lý nhất. Khi đã thỏa mãn những điều kiện cần thiết, tháng 10/2013, người Nhật quyết định thuê đất, chọn Đạ Nghịt lập làng Thần Kỳ Việt Nam.
Để xây dựng làng Thần Kỳ ở Việt Nam, thông qua Quỹ Đầu tư HT Capital, một đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ đã được thành lập - đó là công ty TNHH An Phú Lacue. Đây là công ty liên doanh giữa An Phú Đà Lạt và công ty Lacue Nhật Bản.
Bên cạnh việc tuyển chọn hàng chục lao động phổ thông người Việt với mức lương không dưới 4 triệu đồng/người/tháng (có nơi ăn ở), ông Hironosi Tsuchiya còn bay về Nhật, tìm đến làng Kawakami để động viên một số thanh niên có kinh nghiệm nhất trong việc trồng rau xà lách Mỹ sang Đạ Nghịt “đầu quân”, quyết lập thành công làng Thần Kỳ thứ 2 trên thế giới.
Xà lách Mỹ với kích thước khủng tại làng Thần Kỳ Việt Nam. |
Theo tiếng gọi, hai thanh niên ưu tú của Kawakami là Masahito Shinohara (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã đến Lâm Đồng vào cuối năm ngoái.
Ở đây, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã khẳng định họ chính là những nông dân giàu kinh nghiệm nhất. Sáng sớm, Masahito Shinohara và Takaya Hanaoka đã ra vườn cùng với công nhân Việt Nam. Khi thì đi sau máy cày nhặt nhạnh từ viên sỏi, gỡ từng miếng đất, gom từng sợi cỏ, lên luống xuống giống…Họ cùng công nhân Việt Nam cần mẫn làm việc không quản dầm mưa dãi nắng. “Làm nông nghiệp tất nhiên là vất vả rồi nhưng chúng tôi rất tự hào vì đang góp phần kiến tạo một làng Thần Kỳ ở đất nước các bạn” - Masahito Shinohara tâm sự.
Hay tin người Nhật lập làng Thần Kỳ, cô gái Nguyễn Phượng Hoàng (24 tuổi), đang có việc làm ổn định trong ngành xuất nhập khẩu ở TP.HCM với lương 8 triệu đồng/tháng cũng xin nghỉ việc để lên Lâm Đồng theo người Nhật học cách làm rau sạch. Phượng Hoàng cho biết, chị muốn làm giàu bằng cách học ý chí tự lực tự cường, lao động nghiêm túc, có tính kỷ luật cao, nhất là cách làm rau công nghệ cao từ người Nhật.
Kết quả lao động không phụ sức người, tháng 4/2014, sau 70 ngày gieo trồng, lứa rau xà lách Mỹ trồng thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ Việt Nam đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Ông Hironori Tsuchiya cho biết, 5.000m2 rau xà lách Mỹ của làng Thần Kỳ Việt Nam đã cho sản phẩm tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều cây xà lách nặng tới 1,2kg.
Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với Nhật.
Vị đứng đầu làng Thần Kỳ Việt Nam còn cho biết, đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho Việt Nam mà trực tiếp là Lâm Đồng. Cơ hội rộng mở cho mọi doanh nghiệp và cá nhân. An Phú Lacue (đơn vị chủ quản làng Thần Kỳ) sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau tiêu chuẩn Nhật cho người có nhu cầu. Hiện có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tại Đà Lạt đến đặt vấn đề với An Phú Lacue để được hỗ trợ về mặt công nghệ.
Ông Hironosi Tsuchiya cho biết, trước mắt người Nhật đem công nghệ, chuyên gia sang Việt Nam để hướng dẫn người Việt làm nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật, nhưng về lâu dài họ sẽ đưa nông dân Việt sang học cách làm tại Nhật. Hiện An Phú Lacue xúc tiến tuyển chọn lao động đảm bảo điều kiện để sang Nhật học làm rau công nghệ cao.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khẳng định làng Thần Kỳ Việt Nam là dự án tuyệt vời. Cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tại Đà Lạt - Lâm Đồng được tiếp cận kỹ thuật trồng rau tiêu chuẩn Nhật Bản là điều mơ ước. Lực lượng được An Phú Lacue tuyển chọn đi Nhật sẽ là “chuyên gia” tiên phong giúp Đà Lạt cải thiện hình ảnh sản xuất nông nghiệp.
Bao năm nay nông sản Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ nội địa, việc đổ bỏ hàng nghìn tấn nông sản mỗi vụ ở Lâm Đồng đã trở thành tình trạng phổ biến. “Công nghệ cao, chất lượng tốt, đầu ra sản phẩm ổn định của làng Thần Kỳ Việt Nam giúp nông sản Đà Lạt đường hoàng bước ra sân chơi quốc tế”- ông Sơn khẳng định.
Chất lượng xà lách trồng ở Đạ Nghịt tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, nhiều gốc xà lách nặng tới 1,2kg. Mặc dù giống, vật tư phân bón, công nghệ đều phải nhập từ Nhật và Mỹ nhưng bù lại giá thuê nhân công tại Việt Nam rẻ nên chi phí sản xuất rau xà lách tại làng Thần Kỳ Việt Nam vẫn thấp hơn 10% so với làng Thần Kỳ bên Nhật.
Theo Zing