Châu Á Thái Bình Dương đón “bão” M&A nghìn tỷ USD

Thứ ba, 09/09/2014, 09:46
Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang trong xu hướng tăng với tổng giá trị các thương vụ gần bằng khu vực Châu Âu, đạt mức 454,6 tỷ USD vào năm 2013.

Giá trị của các thương vụ M&A toàn cầu có tổng giá trị là 2.400 tỷ USD trong năm 2013, giảm 6% so với năm 2012 và là thời kỳ có các giao dich toàn cầu thấp nhất từ năm 2009.

Ảnh minh họa.

Các thương vụ toàn cầu có quy mô trên 5 tỷ USD có tổng giá trị là 584,7 tỷ USD, chiếm 24% tổng giá trị các thương vụ M&A. Tổng số các thương vụ đã được công bố trong năm 2013 là 36.800 thương vụ.

Xét riêng trong năm 2013, số lượng thương vụ đạt giá trị cao nhất vào giai đoạn quý IV với hơn 7.000 thương vụ, tuy nhiên  tổng giá trị các thương vụ có giảm so với quý III – là giai đoạn có tổng giá trị M&A lớn nhất.

Xét trong giai đoạn 2009-2013, cả tổng giá trị và số lượng các thương vụ M&A đều có xu hướng tăng, với mức cao nhất về cả số lượng và giá trị đều ở các năm gần đây là 2012 và 2013.

Các thương vụ đa quốc gia giảm 18%, trong đó các giao dịch tại thị trường mới nổi chiếm 28% của M&A.

Thống kê cho thấy, các thương vụ M&A đa quốc gia đạt tổng cộng 737,8 tỷ USD trong cả năm 2013, chiếm 31% tổng lượng M&A và giảm 18 % so với năm 2012; chiếm 28 % hoạt động công bố trên toàn thế giới.

Trong khi đó, các công ty tại thị trường mới nổi đạt 675,2 tỷ USD trong cả năm 2013, giảm 5% so với năm 2012.

Theo ước tính từ Thomson Reuters/Freeman, phí tư vấn từ các giao dịch đã hoàn thành tổng cộng 22,5 tỷ USD trong cả năm 2013, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2012.

Như thường lệ, Châu Âu và Hoa Kỳ luôn là 2 khu vực có số lượng các thương vụ M&A cao nhất thế giới khi lần lượt chiếm tỷ trọng là 34 và 35% tổng số thương vụ toàn cầu).

Bên cạnh đó, Châu Á – Thái bình dương, khu vực đại diện cho thị trường mới nổi có số lượng các thương vụ M&A ngày càng được khẳng định và chiếm tỷ trọng khá lớn (25%).

Tuy nhiên, không giống như mức tương đồng ở tỷ trọng số lượng thương vụ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, thương vụ M&A tại Hoa Kỳ có mức giá trị cao vượt trội là 1.230 tỷ USD, gấp 2 lần giá trị M&A tại Châu Âu là 547 tỷ USD.

Bên canh đó, các thương vụ M&A của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang trong xu hướng tăng với tổng giá trị các thương vụ gần bằng khu vực Châu Âu.

Đáng nhấn mạnh là, riêng quốc gia Nhật Bản - một quốc gia châu Á đơn lẻ đã có giá trị các thương vụ M&A tương đương tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Phi và Trung Á cộng lại.

Ngành bán lẻ năng lượng, bất động sản và viễn thông dẫn đầu thị trường. Các ngành năng lượng là khu vực năng động nhất trong cả năm 2013, chiếm 15% giá trị M&A được công bố, trong khi các lĩnh vực bất động sản và viễn thông chiếm lần lượt 14% và 11%.

Viễn thông và bất động sản dẫn đầu tất cả các ngành bằng với tốc độ tăng trưởng 122% và 44% so với năm 2012. Tài chính và ngành vật liệu giảm lần lượt 40% và 32% so với năm 2012.

Trong năm 2013, số lượng và tổng giá trị các thương vụ M&A đều có mức tăng trong giai đoạn cuối năm (quý IV). Năm 2013 được coi là năm mà khu vực Châu Á – Thái Bình dương có hoạt động M&A ở mức trung bình, đánh dấu cho giai đoạn 5 năm 2009—2013.

Trên thế giới, ngành bán lẻ có tỷ trọng thương vụ M&A lớn nhất với 27%. Bên cạnh đó, năm 2013 là năm mà các ngành như năng lượng, bất động sản cũng có số lượng các thương vụ M&A cao.

Các ngành còn lại như: Nguyên vật liệu, tài chính, công nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe và truyền thông, giải trí có mức giá trị phân bổ đồng đều nhau, dao động khoảng 5% tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu.

Nói chung, có một sự khác biệt lớn trong cơ cấu tỷ trọng giá trị các thương vụ M&A tại châu Á so với thế giới.

Mặc dù đứng đầu về giá trị M&A nền kinh tế toàn cầu, ngành bán lẻ chiếm tỉ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu giá trị M&A châu Á.

Thay vào đó, ngành năng lượng là ngành sở hữu các thương vụ M&A có tổng giá trị cao nhất với tỷ trọng 16%, theo sau là 3 ngành Nguyên vật liệu, Tài chính, Bất động sản cùng đồng thời chiếm 13% tổng giá trị.

Điều này thể hiện môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành năng lượng, nguyên vật liệu, tài chính, bất động sản và công nghiệp.

Đây là những ngành then chốt, đặc thù cho việc đầu tư phát triển kinh tế của Châu Á – khu vực của các thị trường mới nổi.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn