Ngân hàng đã nhiều lần gia hạn, miễn lãi
Sau những “lùm xùm” về vụ việc xử lý nợ theo kiểu… cưỡng bức của cán bộ Ngân hàng VPBank đối với chủ nợ là ông Nguyễn Sỹ Minh tại Phòng 1401, Tòa nhà 17T2, phường Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) được đăng tải trên báo chí, ngày 19/3 VPBank khẳng định, quá trình xử lý thu hồi tài sản bảo đảm của khách hàng Nguyễn Sỹ Minh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Tổng giám đốc VPBank AMC, quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng số LD1015900021 ngày 11/6/2010, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng nên khoản vay 5 tỷ đồng bị quá hạn kể từ ngày 5/9/2012.
Thực tế ở thời điểm tháng 3/2013 và tháng 6/2014 Hội đồng xử lý nợ VPBank đã có nghị quyết về việc miễn giảm toàn bộ tiền lãi và miễn giảm nợ lãi đối với khách hàng Nguyễn Sỹ Minh.
Tháng 3/2013 Hội đồng xử lý nợ đã có quyết định miễn giảm toàn bộ lãi treo hơn 495 triệu đồng đối với khách hàng Nguyễn Sỹ Minh |
Cụ thể, ngày 15/3/2013 Hội đồng xử lý nợ VPBank quyết định miễn giảm toàn bộ tiền lãi treo tương đương 495.337.924 VND sau khi khách hàng tất toán toàn bộ nghĩa vụ còn lại với VPBank, gồm: nợ gốc, nợ lãi (lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt quá hạn).
Ngày 30/6/2014 Hội đồng xử lý nợ VPBank lại có tiếp một quyết định miễn giảm nợ lãi với khách hàng Sỹ Minh với nội dung: Khách hàng nộp số tiền 5,3 tỷ VND để trả toàn bộ nợ gốc và một phần nợ lãi, miễn giảm toàn bộ nợ lãi còn lại để tất toán khoản vay. Sau khi thu hồi nợ, VPB giải chấp tài sản bảo đảm cho khách hàng.
Từ đó đến nay gần 3 năm, VPBank đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa tự bán tài sản thế chấp hoặc sử dụng các nguồn khác để trả nợ. Tuy nhiên, ông Minh và bà Thoa vẫn không thực hiện.
Và tới trước thời điểm ngân hàng tiến hành xử lý thu hồi tài sản đảm bảo, khách hàng Minh mới thanh toán được 700 triệu đồng tiền gốc và 1 tỷ đồng tiền lãi.
Vì vậy, VPBank đã quyết định chấm dứt việc cho vay, thu hồi toàn bộ dư nợ của khách hàng Nguyễn Sỹ Minh và xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng số LD1015900021 ngày 11/6/2010 đã ký giữa các bên và quy định tại Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng.
“Việc xử lý tài sản thế chấp, căn cứ vào hợp đồng thế chấp đã ký, quy định tại Điều 63 và các điều khoản liên quan tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung theo các Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012). VPBank đã gửi các văn bản thông báo tới chủ tài sản là ông Sỹ Minh và bà Phương Thoa cùng các cơ quan chính quyền địa phương” - đại diện VPBank AMC cho biết.
Trước đó trong năm 2014 VPBank AMC đã gửi 2 thông báo tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa (Thông báo số 2246 ngày 4/4/2014 và 5/9/2014) về việc yêu cầu tự nguyện bàn giao tài sản bảm đảm nhưng ông Minh và bà Thoa không thực hiện.
Ngày 26/2/2015 ngân hàng này gửi tiếp Thông báo số 589 thông báo xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Tới thời điểm này, dự nợ khoản vay của ông Minh lên tới gần 9,1 tỷ đồng, trong đó bao gồm gần 4,4 tỷ đồng nợ gốc; nợ lãi và phạt trên 4,73 tỷ đồng. Ngày 10/3/2015, VPBank AMC tiếp tục gửi Thông báo số 723 về việc xử lý tài sản bảo đảm, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần dự kiến sẽ tham gia tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tới ngày 17/3/2015, VPBank AMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là Phòng 1401, Tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung hòa Nhân chính của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa.
Cán bộ VPBank không có hành xử hung hăng
Trái với phản ánh của một số báo trước đó, rằng thành phần tham dự cưỡng chế, thu hồi nợ chỉ có cán bộ thu hồi nợ của VPBank AMC mà không có sự có mặt của chính quyền địa phương… Phía VPBank AMC khẳng định, thành phần tham gia buổi thu giữ gồm các cán bộ thu hồi nợ của VPBank AMC, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND phường Trung Hòa và đại diện công an phường Trung Hòa – Cầu Giấy (Hà Nội).
Tuy nhiên, tại thời điểm thu giữ ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Phương Thoa không có ở nhà, cửa khóa, cán bộ VPBank AMC đã gọi điện cho ông Minh yêu cầu ông Minh về chứng kiến vụ việc, nhưng ông Minh nói dối là đang ở TP. Hồ Chí Minh đến tháng 5/2015 mới về.
Liên quan tới việc có hay không chuyện cán bộ VPBank AMC cố tình niêm phong tài sản đảm bảo khi trong nhà vẫn còn người (là người giúp việc của gia đình ông Minh, bà Thoa), VPBank AMC cho hay, sau nhiều lần gõ cửa, thông báo vào bên trong tài sản bảo đảm nhưng không có tiếng trả lời, cửa khóa, nên đại diện VPBank đã thực hiện việc niêm phong tài sản bảo đảm bên ngoài với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, không tiến hành vào trong nhà.
Biên bản thu giữ tài sản đảm bảo được VPBank AMC tiến hành sáng 17/3 với đủ chữ ký phía ngân hàng, đại diện chính quyền địa phương nhưng phía chủ nợ là ông Nguyễn Sỹ Minh lại vắng mặt |
Tuy nhiên, theo giải trình của VPBank AMC, tới chiều ngày 17/3/2015, ông Nguyễn Sỹ Minh xuất hiện tại căn hộ và thông báo là có 1 người giúp việc đang ngủ trong nhà, nên cán bộ VPBank AMC mở niêm phong để cho công an, tổ dân phố và ban quản lý tòa nhà vào mời người này ra ngoài, cán bộ của VPBank không hề vào trong nhà. Sau đó, cán bộ VPBank tiếp tục dán lại niêm phong tài sản, cử 2 nhân viên bảo vệ trông giữ bên ngoài căn hộ 24/24h.
“Chúng tôi xin khẳng định cán bộ của VPBank AMC không thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, giữ người trái pháp luật. Việc thu giữ tài sản được ngân hàng thực hiện theo đúng thủ tục luật định, có thông báo trước cho ông Sỹ Minh và chính quyền địa phương.
Khi thu giữ cũng có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Tại thời điểm thu giữ, do cửa khóa ngoài, chúng tôi cùng đại diện chính quyền địa phương đã thông báo nhiều lần nhưng không ai mở cửa, nên đã tiến hành niêm phong nguyên trạng bên ngoài, không kiểm tra bên trong.
Đến khi biết được có người đang ở trong căn hộ, chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương ngay lập tức mở cửa cho người này ra ngoài, hoàn toàn không có việc chúng tôi giữ người trái phép như vu khống của ông Minh”- lãnh đạo VPBank AMC quả quyết.
Theo Infonet