Nguyễn Trần Hồng Châu sinh năm 1988, quê gốc ở Tây Ninh. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, Châu có công việc khá ổn định với mức lương 18-30 triệu đồng mỗi tháng tại một công ty kinh doanh. Tuy nhiên, công việc văn phòng nhàm chán, gò bó, cô quyết định bỏ việc, theo đuổi đam mê là làm và bán bánh.
Học bí kíp nặn bánh đậu xanh trái cây từ người dì, ban đầu, Châu chỉ có ý định làm tặng bạn bè. Về sau, được các bạn gợi ý mở quán do Sài Gòn chưa có nơi nào bán đặc sản trên, cô mới quyết tâm khởi nghiệp.
Sau 4 tháng, Nguyễn Trần Hồng Châu đã chứng minh cho gia đình thấy con đường mình chọn là đúng đắn. Ảnh: H.C. |
Quyết định của cô gái 27 tuổi bị gia đình phản đối kịch liệt. Bố mẹ Châu là người chuyên làm và bán bánh trái cây đậu xanh ở Tây Ninh. Khi biết con gái bỏ việc để theo đuổi đam mê, họ ra sức ngăn cản.
Bố cô quả quyết, cho con gái đi học để mong sau này đỡ vất vả, bố mẹ cũng được "mát mặt" với bạn bè, làng xóm. "Nhưng học xong lại làm nghề nặn bánh giống bố mẹ thì đi học mất công", Châu nhắc lại lời bố. Dù thế, đi đến tận cùng đam mê, Châu vẫn quyết tâm xin bố mẹ cho 4 tháng để lập nghiệp.
Đầu năm 2014, Châu nhờ một người họ hàng ở quê vào TP HCM giúp cô làm bánh. Cô chọn mua một số dụng cụ, vật dụng giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Ngoài làm bánh, Châu còn kiêm luôn thu ngân, quản lý, người giao hàng.
Do số tiền đi làm tích cóp được từ trước chỉ đủ tiền mua nguyên liệu và trả cho người làm cùng nên tạm thời Châu bán online tại nhà. Việc kinh doanh không dễ dàng đối với cô gái trẻ. Khó khăn lớn nhất là tại TP HCM, bánh đậu xanh trái cây chưa phổ biến và bị cạnh tranh bởi những sản phẩm nhập khẩu màu sắc bắt mắt.
Suốt một tháng đầu tiên, mỗi ngày, tiệm của Châu chỉ bán được 13 chiếc bánh. Sau 3 tháng kinh doanh, Châu chia sẻ, đã muốn bỏ cuộc. Bao vốn liếng đi làm, thêm tiền vay mượn, cô đều dồn hết để đầu tư. Tiền sắp hết mà hiệu quả chưa thấy đâu, cô bắt đầu phải suy tính về đường đi cụ thể.
Về sau, cô gái 27 tuổi phát hiện ra, nguyên nhân thất bại là chưa mở rộng thị trường tiêu thụ. Cách tiếp cận qua kênh bán hàng online, mạng xã hội, diễn đàn mua bán được cô lựa chọn. Ngoài ra, chiến lược kinh doanh của cửa hàng là luôn đảm bảo chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo uy tín.
"Khi đó, mình đưa ra tiêu chí cho sản phẩm, là 'một người nhớ đến mãi còn hơn để 10 người đến 1 lần'. Điều này khiến cho sản phẩm có thị phần tốt hơn", Châu nói.
|
Song song với phát triển kênh phân phối, bán hàng, cô chủ cửa hàng cũng tìm cách làm mới sản phẩm. Nhận ra loại bánh truyền thống không có nhân sẽ khiến người ăn mau ngấy, cô sáng tạo nhiều loại nhân mới là nho khô.
Đến tháng kinh doanh thứ tư, khách bắt đầu đặt mua nhiều. Số lượng đơn hàng cũng tăng lên từng ngày. Lúc này, Châu mới dám đầu tư cửa hiệu.
Mỗi ngày, cửa hàng Châu bán được khoảng hơn 100 hộp tương đương 2.000 bánh. Giá bán là 100.000 đồng một hộp 500gr. Châu cho hay mức giá này tương đối cao so với các loại bánh nhập khẩu do nguyên liệu không có phụ gia, bánh làm thủ công 100%.
Sau hơn một năm, doanh số bánh của tiệm tăng 3-4 lần so với thời kỳ đầu. Trừ chi phí thuê nhà 10 triệu đồng một tháng và thuê nhân công, thu nhập của cô gái 27 tuổi ổn định ở 40 triệu đồng mỗi tháng.
Vào dịp trung thu hay Tết thiếu nhi, Châu cùng với hai thợ phải làm từ 9h sáng đến 12h đêm mới kịp đáp ứng các đơn đặt hàng. Cô cũng tận dụng mặt bằng để bán cà phê và cơm văn phòng.
Chị Lâm Ngọc Khanh (quận 2, TP HCM) là khách quen của tiệm bánh cho biết, sản phẩm ăn ngon, thơm. "Bánh có vị ngọt vừa phải. Chủ quán lại cởi mở, vui tính", chị Khanh chia sẻ. Khách hàng này cho biết cuối tuần thường rủ bạn bè đến cửa hàng của Châu ăn bánh, uống cà phê.
Từ khi xuất hiện trên thị trường, bánh trái cây handmade do chính tay Châu làm được rất nhiều bạn trẻ biết đến. Hiện tại loại bánh này đang bùng nổ trên các trang mạng, trở thành món quà vặt khá phổ biến trong TP HCM. Châu chia sẻ, cô mong muốn có thể mở thêm các cơ sở ở Hà Nội và một số thành phố khác.
Theo Zing