Charlie Hebdo chia rẽ nội bộ vì vấn đề tiền bạc

Chủ nhật, 22/03/2015, 08:42
Một trong những nhà báo của Charlie Hebdo đã gây sững sờ trong cuộc họp ban biên tập khi thông báo thành lập một nhóm tiến hành các cuộc đối thoại mở về việc phân chia vốn công bằng trong nội bộ tòa soạn, AFP đưa tin.
Nội bộ Charlie Hebdo đã trở nên bất đồng xung quanh khoản doanh thu gần 30 triệu euro từ sau vụ thảm sát.

Hai tháng sau vụ tấn công vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hồi đầu tháng 01/2015 khiến 12 người thiệt mạng, nội bộ nhân viên tòa soạn đã trở nên bất đồng xung quanh khoản doanh thu gần 30 triệu euro từ sau vụ thảm sát.

11 thành viên tòa soạn đã yêu cầu tất cả các nhân viên trở thành cổ đông bình đẳng trong tạp chí. Việc này gây nên một cuộc tranh chấp với ban quản trị hiện tại của tòa báo.

Charlie Hebdo hiện có 40% cổ phần thuộc sở hữu của cha mẹ Charb, cựu Tổng biên tập của tạp chí đã thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 07/01, 40% của họa sĩ Riss, người đang hồi phục tại bệnh viện do vết thương trên vai, và 20% của giám đốc liên doanh Eric Portheault.

40% cổ phần của Charlie Hebdo thuộc sở hữu của họa sĩ Riss, người đang hồi phục tại bệnh viện do vết thương trên vai

Tuy nhiên, một trong những nhà báo của Charlie Hebdo, Laurent Leger, đã gây sững sờ trong cuộc họp ban biên tập hôm 18/3 vừa qua, khi thông báo thành lập một nhóm để tiến hành các cuộc đối thoại mở về việc phân chia vốn công bằng trong nội bộ tòa soạn.

Nhóm bao gồm Patrick Pelloux, một nhà báo của Charlie Hebdo, người để lại một trong những hình ảnh có sức lay động nhất trong cuộc tuần hành khổng lồ chống chủ nghĩa khủng bố trên đường phố Paris sau các vụ tấn công, khi ông nức nở trong vòng tay của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Trước vụ xả súng, Charlie Hebdo mấp mé bên bờ vực phá sản và chỉ bán được khoảng 30.000 bản mỗi tuần.

Nhưng “phiên bản hồi sinh” xuất bản chỉ một tuần sau vụ tấn công gây rúng động nước Pháp và cộng đồng quốc tế đã phá vỡ kỷ lục và nhanh chóng tiêu thụ hết 7 triệu bản chỉ sau vài giờ đồng hồ ra sạp.

Thêm vào đó, tờ tạp chí cũng nhận được rất nhiều nguồn tài trợ khi trở thành biểu tượng của tự do ngôn luận, và cú pháp # jesuischarlie trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Một luật sư giấu tên, đại diện cho ban quản trị tờ báo, cho biết: “Tất cả tiền bạc lúc này chỉ gây họa chứ chẳng đem lại lợi lộc gì”.

“Ông Riss vẫn nằm trong bệnh viện. Cổ phần của Charb bị đóng băng bởi những người thừa kế... nó làm bạn liên tưởng đến một đám tang, trong đó những người họ hàng xúm vào đống trang sức của người bà khi vừa mới đưa cụ ra nghĩa trang về”, ông cay đắng nói.

“Điều quan trọng nhất là phải đưa tờ báo trở lại hoạt động, ra mắt bạn đọc hàng tuần vào mỗi thứ Tư. Khi đó chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề thuế má, bởi các khoản quyên góp đã bị đánh thuế tới 60% rồi”, ông cho biết thêm.

“Các khoản quyên góp sẽ được chuyển về cho gia đình nạn nhân. Doanh thu bán báo đưa về ngân sách tòa soạn và sẽ được sử dụng để thành lập một quỹ, nhất là quỹ giáo dục về tự do ngôn luận ở các trường học”.

Trong một bức thư mà AFP nhận được từ Laurent Leger, tiết lộ “có nhiều cuộc thảo luận nội bộ” tại tờ tuần báo này. Song ông cũng cho biết rằng sự phân chia nguồn quỹ bình đẳng hơn sẽ cho phép mọi chuyện “minh bạch hơn”.

Ông viết: “Quyền kiểm soát càng lớn, càng nhiều quyết định được lựa chọn và điều đó sẽ tốt hơn cho mọi người”.

Theo Công Lý

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn