Aeon mở 500 cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam: Khó chiếm thị trường nếu...

Thứ ba, 09/05/2017, 18:22
Khả năng chiếm lĩnh thị trường của Aeon khó cải thiện nếu giá cả không cạnh tranh, hàng hóa không đa dạng.  

Điều kiện để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Trước thông tin tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon lên kế hoạch mở 500 cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam nhằm nâng cao việc nhận diện tên tuổi của mình, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng đây là cách làm phổ biến ở các nước.

"Không chỉ tại Việt Nam, các nước trên thế giới vẫn làm thế. Như ở Mỹ, ngoài các siêu thị lớn, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn có những cửa hàng rất nhỏ nằm ở các cây xăng để đáp ứng nhu cầu cho cư dân ở khu vực đó.

Ở Việt Nam, Vingroup, Co.opmart cũng đang đi theo hướng này: bên cạnh những trung tâm thương mại rất lớn còn có những cửa hàng tiện lợi tại các phố, ngõ nhỏ trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước", ông Tín cho biết.

Mặt khác, sức mua của kênh tạp hóa tại Việt Nam rất tốt. Hiện đây vẫn là phân khúc giàu tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một điểm cửa hàng tiện lợi Ministop tại TP.HCM gắn với thương hiệu Aeon.

Cũng theo vị chuyên gia, việc mở cửa hàng tạp hóa giúp Aeon giảm được số vốn đầu tư ban đầu mà lại nhanh chóng phủ sóng đến các thành phố lớn của Việt Nam.

Đặc biệt, cửa hàng tạp hóa đi gần với nhu cầu của người dân địa phương, không phải họ bán các mặt hàng giống nhau ở tất cả các nơi.

"Chẳng hạn, họ mở tạp hóa ở Hà Nội thì các mặt hàng phải phù hợp với gu người Hà Nội, còn ở Sài Gòn sẽ có một chút khác biệt. Thậm chí giữa các khu vực ở TP.HCM, một số sản phẩm cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, tại quận Tân Bình người miền Trung chiếm trên 70%, chắc chắn ở khu đó nhà đầu tư sẽ bán nhiều mặt hàng mà người miền Trung thích", ông Tín dẫn ví dụ.

Dù vậy, TS Bùi Quang Tín nhận định, khả năng chiếm lĩnh của Aeon sẽ không được cải thiện nhiều nếu họ không thay đổi cách làm hiện nay.

Ông phân tích: "Nếu vào siêu thị Co.opmart, BigC và so sánh với Aeon thì thấy giữa các siêu thị này không có sự khác biệt về hàng hóa.

Nhiều người cứ nghĩ vào Aeon sẽ mua được hàng Nhật hay hàng của nhiều quốc gia khác, nhưng thực tế, theo tôi thấy, hàng Nhật chỉ chiếm 5-10%.

Tôi đã vào siêu thị Aeon ở TP.HCM, hàng ngoại rất ít. Hàng nội cũng không nhiều và kém phong phú hơn BigC hay Co.opmart, thậm chí giá cả còn cao hơn.  Tâm lý của người dân vào Aeon chỉ để ngắm chứ chưa chắc đã mua, không giống như khi họ vào BigC hay Co.opmart.

Trong khi đó, người Việt có thói quen đi Co.opmart, BigC và hàng hóa ở đó rất đa dạng.

Hiện nay các cửa hàng của hai đại siêu thị này đã cải tiến nhiều, các loại đều có đủ, kể cả hàng chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đặc biệt họ thực hiện khuyến mãi thường xuyên.

Cho nên, kể cả với giá bình thường và khuyến mãi, Aeon khó cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần của các doanh nghiệp khác".

Trở lại với kế hoạch mở 500 cửa hàng tạp hóa của Aeon, theo TS Bùi Quang Tín, nếu nhà đầu tư Nhật Bản muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, phải thay đổi về giá cả theo hướng cạnh tranh và cập nhật liên tục, đa dạng hóa mặt hàng, thực hiện các chương trình khuyến mãi. Đặc biệt, phải phù hợp với  thị hiếu của người dân ở địa phương.

Dựa vào ai để giữ thị phần?

TS Bùi Quang Tín chỉ ra rằng, khi Aeon muốn mở các cửa hàngtạp hóa với số lượng lớn ở các ngõ phố, đường Việt Nam là đang muốn chiếm thị phần của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu ớt của Việt Nam.

"Aeon khó chiếm được thị phần của các đại siêu thị như BigC, Co.opmart, Vingroup nên họ len lỏi vào đánh các doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu ớt của Việt Nam. Việc mua cổ phần Citimart, Fivimart trước đây là ví dụ.

Doanh nghiệp Việt không những yếu về khả năng cung cấp hàng hóa, khả năng liên kết, trong khi đó khả năng liên kết và khả năng tài chính của người Nhật rất mạnh nên bị doanh nghiệp Nhật thôn tính là tất yếu".

Cũng theo ông Tín, Nhà nước vẫn có chính sách chung áp dụng cho tất cả các đối tượng nhưng các "ông lớn" vẫn có ưu thế, đặc biệt là khả năng tiêu thụ nhiều nên các nhà cung cấp hàng hóa cho họ phải giảm giá rất lớn. Các doanh nghiệp nhỏ vì thế muốn tồn tại chỉ còn cách liên kết, không chỉ ở khâu bán hàng, mà còn ở cả khâu cung cấp sản phẩm.

"Việt Nam phải dựa vào thị phần các ông lớn bán lẻ, vừa phải có sự liên kết, các "ông lớn" trong nước phải liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Sự hỗ trợ này không thể tự thân các doanh nghiệp làm được bởi như đã nói, tính liên kết của người Việt rất kém. Lâu nay, hầu như chưa có sự liên kết này vì "ông lớn" không có nhu cầu liên kết với "ông nhỏ", "ông nhỏ" không dám nói chuyện với "ông lớn".

Chính vì thế, cần có trung gian - là các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan cấp bộ, hoặc ngang bộ hỗ trợ", TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn