Hơn 41.000 tấn heo tồn, dân nợ cả nghìn tỷ đồng tiền cám
Ngày 8/5, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cùng các sở, ban ngành liên quan tổ chức họp bàn tìm giải pháp để “hiến kế” hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi heo.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi heo của tỉnh này phát triển mạnh, tăng trưởng từ 6 - 8%, với quy mô lớn thứ 5 cả nước. Hiện nay, tổng đàn heo của Bình Định khoảng 850.000 con, trong đó, heo thịt 678.804 con. Riêng địa bàn huyện Hoài Ân, địa phương được mệnh danh là “Thủ phủ heo miền Trung” có tổng lượng đàn heo trên 280.000 con.
Thế nhưng từ đầu năm tới nay, do thiếu thị trường tiêu thụ, lượng heo nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch bị “đóng băng”, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, trong khi giá heo hơi trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh, khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ nặng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (trái) trực tiếp về huyện Hoài Ân - nơi được xem là "Thủ phủ heo miền Trung" kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng "giải cứu" người chăn nuôi heo của tỉnh |
Hiện Bình Định còn khoảng hơn 41.000 tấn thịt heo tồn trong dân chưa có thị trường tiêu thụ. Người chăn nuôi điêu đứng, nợ nần chồng chất, rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bình Định, tính đến hết tháng 4/2017, số dư nợ của các hộ chăn nuôi heo tại các Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Chính sách là hơn 630 tỷ đồng. Trong khi đó, người chăn nuôi heo tỉnh này cũng đang thiếu nợ tiền thức ăn cả nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng huyện Hoài Ân nợ tiền thức ăn hơn 700 tỷ đồng.
Sau khi UBND tỉnh Bình Định vào cuộc “giải cứu” heo cho người chăn nuôi thì giá cũng chỉ nhỉnh lên ở mức từ 20.000 - 24.500 đồng/kg, vẫn thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, khiến người chăn nuôi heo khốn đốn. Theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí cho mỗi kg heo hơi xuất chuồng phải mất 36.000 đồng/kg. Mỗi kg thịt heo hơi, người chăn nuôi đang chịu lỗ từ 12.000 - 15.000 đồng. Như vậy, bình quân 1 con heo người nuôi lỗ trên 1 triệu đồng.
Điều bất hợp lý, trong khi giá heo hơi giảm mạnh, nhưng giá thịt heo bán tại các chợ vẫn cao, bình quân ở các chợ tại các huyện, thị xã trong tỉnh vẫn ở mức cao 70.000 đồng/kg; thậm chí tại các chợ tại TP Quy Nhơn ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg. Tình trạng trên kéo dài đã giúp các thương lái, tư thương,… ép giá, trục lợi thu lãi lớn, còn người chăn nuôi bị thua lỗ nặng nề.
Người nuôi heo huyện Hoài Ân (Bình Định) điêu đứng vì giá heo xuống thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. |
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - địa phương được mệnh danh là “Thủ phủ heo miền Trung” than thở: “Giá heo hơi bắt đầu giảm giá từ quý IV năm 2016, đến nay đã gần 9 tháng, khi giá heo ở mức giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, người dân còn cầm cự được, nhưng đến giờ thì không cầm cự nổi. Hiện nay, bình quân ở huyện Hoài Ân tồn lại trên dưới 30.000 con, heo giống còn khoảng 50.000 con. So về thiệt hại kinh tế thì tương đương với thiên tai gây ra đợt vừa qua, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nợ dây chuyền đầu tư chăn nuôi heo khoảng 700 tỷ đồng. Việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời điểm này cũng gặp khó khăn. Trước mắt, huyện vận động các hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, tự liên kết, tìm đầu mối để tiêu thụ heo. Phải tự mình cứu mình trước chứ không trông chờ Nhà nước”.
Tư thương “thông đồng” ép giá
Tại buổi họp, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, gay gắt: “Cả tháng nay, các sở, ban ngành vào cuộc mà không có giải pháp gì cả. Tư thương cứ vậy ngồi một chỗ lượm tiền, bây giờ 600 - 700 tỷ đồng nợ ngân hàng không có tiền trả. Tư thương, đầu nậu lãi khủng, dân thì chết, các trang trại cũng điêu đứng. Tôi yêu cầu, chúng ta phải vào cuộc quyết liệt để giúp đỡ cho dân, nếu không thì đổ vỡ hết… Người dân vừa gánh chịu 5 trận lũ lụt liên tiếp bị thiệt hại rất nặng nề. Nhân dân hết sức là khó khăn, giờ nuôi con heo để kiếm đồng lãi, nhưng càng nuôi càng lỗ”.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tạm dừng công việc chưa cần thiết, tập trung nguồn lực để “giải cứu” số lượng heo tồn trong nhân dân, giúp người dân giảm thiệt hại và xem đây là nhiệm vụ cấp bách.
Ngành chức năng tỉnh Bình Định đang tìm các giải pháp "giải cứu" người chăn nuôi heo trong tỉnh |
“Ngay trong ngày (9/5) các địa phương khẩn trương triển khai các cửa hàng bán thịt heo bình ổn giá tại các xã, huyện trong toàn tỉnh, it nhất mỗi xã phải có 1 gian hàng bán thịt heo. Tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí giết mổ; miễn phí các phí, lệ phí về kiểm dịch; miễn các thuế liên quan đến tiêu thụ thịt heo… Đồng thời, đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và hộ kinh doanh, các chợ trên địa bàn hạ giá bán các loại thịt heo để kích cầu tiêu dùng ở mức cao nhất. Tăng giá mua đầu vào để giúp giảm thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Không để tư thương, đầu nậu “thông đồng” ép giá, trục lợi, còn nhân dân chăn nuôi cực khổ lại chịu lỗ” - ông Dũng cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất ưu đãi và vay mới để giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi phải giảm giá thành sản phẩm.
Cùng với đó, yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư không cấp giấy phép mới cho các dự án chế biến thức ăn gia súc vì đã có quá nhiều và tạm dừng cấp các dự án chăn nuôi heo thịt. “Về lâu dài, tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt tại Bình Định” - ông Dũng cho biết thêm.
Theo Dân Trí