Khách sạn Thắng Lợi được xây dựng vào năm 1973, là món quà của Cu Ba tặng Việt Nam thời bấy giờ.
Khách sạn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Khách sạn Thắng Lợi. Với tổng tài sản tính đến nay vượt hơn 1.000 tỷ đồng, Thắng Lợi là một trong số ít khách sạn nghìn tỷ trên địa bàn Hà Nội. Gần 98% tổng tài sản của Thắng Lợi là vốn do cổ đông đóng góp lên tới 980 tỷ đồng.
Hiện tại, chủ sở hữu khách sạn nghìn tỷ này chính là bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT SeABank và Tập đoàn BRG. Bà Nga cũng chính là Chủ tịch của Thắng Lợi.
Khách sạn Thắng Lợi là món quà của Cu Ba tặng Việt Nam vào năm 1973. Ảnh minh họa: MT. |
Cuối năm 2014, BRG Group của bà Nga đã hoàn tất góp 30% vốn vào khách sạn Thắng Lợi, nâng vốn điều lệ của khách sạn này lên tới 980 tỷ đồng.
Dù có nguồn trợ lực vô cùng mạnh mẽ tới từ các cổ đông nhiều tiền, phần lớn vốn của Thắng Lợi không được dùng để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính mà được đem đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Theo đó, cuối năm 2014, khách sạn Thắng Lợi mang tới 796 tỷ đồng, hơn 81% vốn điều lệ đi gửi ngân hàng. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của khách sạn lại không mấy khả quan khi 3 tháng cuối năm 2014, doanh thu thu về từ việc cho thuê phòng và dịch vụ là hơn 24 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, khách sạn chỉ lãi ròng 1,3 tỷ đồng, con số quá nhỏ bé so với số vốn ngót ngét 1.000 tỷ đồng.
Năm 2015, khách sạn đã dồn gần 150 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đi đầu tư tài chính, trong đó hơn 115 tỷ đồng là đầu tư dài hạn, và vẫn giữ phần lớn tiền gửi trong ngân hàng.
Cùng năm, khách sạn này thu về gần 78,5 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, Thắng Lợi đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động cho thuê phòng khách sạn. Nhờ khoản đầu tư tài chính và lãi từ tiền gửi ngân hàng, doanh thu từ hoạt động tài chính mang về cho Thắng Lợi tới gần 35 tỷ đồng.
Nếu không có khoản thu từ hoạt động tài chính, khách sạn Thắng Lợi có thể đã phải đối mặt với lỗ ròng trong năm 2015 khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 56 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận ròng cả năm 2015 là 965 triệu đồng.
Sở hữu nguồn trợ lực cực kỳ lớn tuy nhiên lợi nhuận hàng năm của khách sạn Thắng Lợi lại rất khiêm tốn: Đồ họa: Quang Thắng. |
Bước sang năm 2016, được đánh giá là năm thị trường du lịch Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ nhưng kết quả kinh doanh của Thắng Lợi vẫn không mấy khả quan.
Doanh thu của khách sạn này đã giảm xuống chỉ còn 71 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 11,6 tỷ. Doanh thu hoạt động tài chính tiếp tục là "vị cứu tinh" giúp Thắng Lợi có kết quả lãi dương khi mang về gần 42 tỷ đồng. Năm 2016, khách sạn đạt 1,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 36% kế hoạch đề ra trước đó.
Tới quý I/2017, Thắng Lợi chuyển gần như toàn bộ số tiền gửi ngân hàng của mình đi đầu tư tài chính ngắn hạn, với giá trị 732 tỷ đồng. Kết quả, 3 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính mang về cho Thắng Lợi tới 9,3 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính của khách sạn chỉ đạt vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm, lợi nhuận của khách sạn nghìn tỷ này chỉ xấp xỉ 100 triệu đồng, bằng 1/9 so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, ngoài khách sạn tại Hà Nội, Thắng Lợi cũng có 2 chi nhánh tại TP.HCM và Quảng Ninh kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành du lịch. Trong năm 2016, cả hai chi nhánh này đều không đóng góp bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà còn gây cho Thắng Lợi khoản lỗ ròng 593 triệu đồng.
Không quá kỳ vọng vào 2 chi nhánh của mình, năm 2017, Thắng Lợi chỉ đặt mục tiêu doanh thu của chi nhánh Quảng Ninh đạt 2,1 tỷ đồng và chi nhánh tại TP.HCM đạt 15 tỷ đồng và không báo lỗ.
Tính toàn hệ thống Thắng Lợi đặt mục tiêu đạt gần 118 tỷ đồng doanh thu, nhưng kế hoạch lợi nhuận ròng chỉ khiêm tốn đạt 1,2 tỷ đồng.
Khách sạn Thắng Lợi nằm tại vị trí rất đẹp trên địa phận ven hồ Tây hiện nay. |
Theo Zing