Việt Nam cạn kiệt cát vẫn xuất khẩu: Vì sao thiếu cát?

Thứ tư, 10/05/2017, 11:01
“Tại sao trong các lòng hồ có hàng trăm triệu m3 cát mà không ai chịu khai thác? Tại sao lại có thông tin Việt Nam có thể thiếu cát?”

Lợi ích nhóm

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay nguồn cát được cấp phép khai thác của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.

Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt. Cùng với tình trạng cát tặc, cát lậu, hiện nay việc khai thác cát để xuất khẩu cũng diễn ra tại nhiều địa phương.

Nguy cơ Việt Nam cạn kiệt cát nhưng vẫn xuất khẩu. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng đây là một thực tế đáng lo ngại đối với Việt Nam.

Theo GS Hồng, tình trạng khai thác bừa bãi trên các sông, suối và đặc biệt các nơi liền bờ biển đã diễn ra từ cách đây 20 năm khi chúng ta bắt đầu chương trình xây dựng các đô thị lớn. Tuy nhiên do sự buông lỏng quản lý của nhà nước cũng như sự chồng chéo lợi ích giữa các Bộ, ngành, địa phương nên tình trạng trên vẫn hết sức nhức nhối.

“Lỗi ở đây là của các cơ quan nhà nước mà đầu tiên phải nói đến Bộ Xây dựng. Chúng ta không có những đánh giá cụ thể về cung cầu cát.

Việc xây dựng các đô thị trong thành phố, khu đô thị vệ tinh cần bao nhiêu cát? Việc làm đường, xây dựng các công trình giao thông cần bao nhiêu? Nhu cầu của ngành thủy lợi thế nào? Không có ai thống kê cả và chúng ta đổ cho rất nhiều nguyên nhân khi tình trạng khai thác cát bừa bãi hiện nay”, ông Hồng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng không đồng tình với cách gọi cát tặc, cát lậu mà nhiều người đề cập đến. Theo ông Hồng, các tàu thuyền khai thác trên sông đều có giấy phép và được các cơ quan quản lý nhà nước cấp.

“Tất cả tàu bè hoạt động đều phải đăng ký và có nơi neo đậu trừ 1 vài tàu làm lẻ loi. Tàu thuyền của ngư dân chúng ta đều quản lý được huống hồ là các thuyền to với công suất lớn. Tàu to như thế thì giấu vào đâu được? Đó là chuyện hết sức vô lý.

Theo thông tin tôi nắm được, khai thác cát tặc không hề có người dân mà hoàn toàn thuộc một nhóm lợi ích. Tôi cho rằng những người có trách nhiệm cố tình lơ đi, không muốn xử lý.

Vụ việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa báo chí đăng lên rất nhiều nhưng đến giờ không ai trả lời cả. Trong khi đó chỉ cần một người dân vi phạm thì ngành an ninh vào cuộc. Thậm chí gọi điện thoại đến bôi xấu người ta còn tìm được huống chi là vụ việc một Chủ tịch tỉnh. Rõ ràng là có nhóm lợi ích”, ông Hồng khẳng định.

Cát còn nhiều ở các hồ sao không khai thác?

GS.TS Vũ Trọng Hồng cũng không đồng tình với những ý kiến cho rằng với tốc độ xây dựng hiện nay nguồn cung cát của Việt Nam trong khoảng 15 năm nữa sẽ cạn kiệt.

Theo vị chuyên gia, từ trước đến nay chưa có một số liệu thống kê đầy đủ nào từ các cơ quan chức năng được công bố về trữ lượng cát của Việt Nam, đặc biệt là cát trên các sông.

Hơn nữa, cát phục vụ nhu cầu xây dựng, sản xuất trong nước hiện nay không chỉ lấy từ các sông mà còn có một khối lượng lớn từ các mỏ cát ở vùng núi, ở trong lòng đất.

“Tôi cho rằng nguồn cát lớn nhất hiện nay là ở trong các hồ chứa lớn như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La, các thủy điện cũng rất nhiều. Trong lòng hồ phân bố rất rõ ràng. Đầu tiên là đá, sỏi cát rồi đến bùn. Các hồ đó đều có thể đánh giá được. Lãnh đạo thủy điện Hòa Bình đã từng nói với tôi cát, sỏi đá, bùn đất lòng hồ rất đầy.

Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác ở ngay các lòng hồ này để lấy cát. Tại sao lòng hồ có hàng trăm triệu m3 cát mà không ai chịu khai thác? Tại sao lại có thông tin Việt Nam có thể thiếu cát?”, ông Hồng đặt câu hỏi.

Ông Hồng chia sẻ, thời điểm ông còn làm Thứ trưởng Bộ NNPTNT để lấy thêm nguồn cát phục vụ nhu cầu trong nước, các cơ quan, ban ngành đã lên kế hoạch khai thác cát từ trong các lòng hồ ra.

“Giờ đây không ai làm. Chuyện này cũng dễ hiểu. Bởi vì họ thấy sông suối tự nhiên, khai thác rất rẻ, đóng thuế cũng rẻ. Còn nếu vào lòng hồ khai thác thì sẽ phải chịu phí cao hơn. Nếu giờ có lệnh không cho phép khai thác cát trên sông và cho khai thác cát trong lòng hồ thì tôi tin rằng vấn đề sẽ khác ngay”, ông Hồng nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề trên, vị chuyên gia đề nghị, Chính phủ phải yêu cầu lập quy hoạch nhu cầu về cát và lập quy hoạch sử dụng, khai thác cát. Từ đó, các Bộ, ngành, các tỉnh sẽ đưa ra quy hoạch của riêng mình rồi báo cáo lên Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Khi có các số liệu cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương Thủ tướng sẽ tập hợp lại và giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ TN-MT dưới sự chủ trì một Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực xây dựng, kiểm tra lại nhu cầu.

“Nếu hợp lý thì đồng ý cho thực hiện còn trường hợp số liệu đưa ra quá nhiều so với thực tế thì yêu cầu Bộ, ngành giải trình lại để cân đối với quy hoạch. Người dân khai thác theo tôi là không nhiều và có thể giao cho các tỉnh phụ trách. Trước đây khi còn làm Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tôi cũng thường yêu cầu địa phương làm như vậy”, ông Hồng đề xuất.

Ngoài ra, GS Vũ Trọng Hồng các cơ quan nhà nước phải lên kế hoạch khai thác trữ lượng cát lớn tại các lòng hồ thủy điện để hạn chế việc lạm dụng các lòng sông, dẫn đến sói lở nguy hiểm như tại các tỉnh miền Nam thời gian qua.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn