|
Không dễ thu thuế với loại hình kinh doanh online. |
Vô tư mở shop
Mặc dù nghe thông tin phải đóng thuế nhưng chị Nguyễn Thị Thùy (ngụ Q.2) vẫn không hề lo lắng khi quyết định mở shop online đặc sản miền Tây. Theo chị Thùy, không phải nói thu là thu ngay được, bởi họ phải nắm được doanh thu của shop là bao nhiêu, ở mức nào thì mới bị đóng thuế… “Theo quan sát của tôi, để một điều luật nào đó thực sự có hiệu lực, người dân chấp hành cũng phải vài ba năm. Thời gian đó đủ để shop đi vào ổn định, được nhiều người biết đến. Vì vậy mình không ngại mở shop trong thời điểm “nhạy cảm” này là vì vậy” - chị Thùy cho biết.
Kinh doanh mỹ phẩm xách tay Hàn Quốc trên mạng xã hội Facebook hơn ba năm nay, anh Trần Quốc Chiến (32 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) có lượng khách hàng hơn 500 người, doanh thu gần 50 triệu đồng/tháng. Khi đề cập vấn đề truy thu thuế, anh Chiến nói: “Mình chỉ đóng vai trò trung gian là đầu mối giao hàng (shipper) cho khách, còn khách có nhu cầu đều giao dịch mua hàng, chuyển tiền với máy chủ tận bên… Hàn Quốc. Vì vậy muốn thu thuế thì phải liên hệ với người ở “bển”, chứ mình cũng chỉ làm công ăn lương thì làm sao có khả năng đóng thuế”.
Chị Nguyễn Thị Mộng Điệp (ngụ Q. 3) bộc bạch: “Tôi có mở một siêu thị mini, ngoài bán hàng trực tiếp, chúng tôi cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, ai cần thì đặt online để mình giao. Lúc mới kinh doanh, tôi đã cẩn thận đi làm thủ tục khai thuế. Thế nhưng khi đến phòng kinh tế quận hỏi thì được trả lời quận không quản lý kinh doanh qua mạng. Bây giờ tôi có muốn đóng thuế cũng không biết đóng ở đâu”.
Không nên tận thu
Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đã có quy định, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là hành lang pháp lý để triển khai việc thu thuế người bán hàng, dù thực hiện ở đâu và dưới bất kỳ hình thức giao dịch mua bán nào.
Từ đây, kinh doanh online cũng không phải là ngoại lệ được miễn thuế. Thế nhưng, dân “online” thường xuyên “lờ” quy định này. Trong khi, kinh doanh online đang có lợi thế đủ đường: không mất phí thuê mặt bằng, không cần đầu tư trang thiết bị, hạn chế thấp nhất việc thuê mướn nhân viên, giao dịch “xuyên biên giới” mà không mất một đồng chi phí nào… Chính vì vậy, mà những năm trở lại đây, người người, nhà nhà đều đua nhau “mở shop online”. Số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM, cho thấy hiện tại có khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn TP, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, chủ trương thu thuế kinh doanh trên Facebook cũng đã có từ lâu, tuy nhiên tới nay cơ quan quản lý vẫn chưa ra được văn bản hướng dẫn cụ thể. Chính điều này đang khiến cộng đồng người kinh doanh trên mạng xã hội cảm thấy hoang mang.
“Tôi nghĩ, muốn thu thuế với những người bán hàng trên mạng xã hội cần phải có một lộ trình cụ thể để áp dụng thực hiện. Một khi cơ quan thuế ban hành được quy trình rõ ràng, công bằng minh bạch đối với tất cả các đối tượng thì mọi người sẽ không còn e ngại, thậm chí còn mong muốn được nộp thuế” - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Sở sẽ ký kết phối hợp với Cục Thuế TP.HCM một số nội dung như quản lý thương mại điện tử, mạng xã hội; hỗ trợ việc dán tem, đóng dấu và chữ ký của cơ quan thuế trên đồng hồ công tơ tổng các cột đo xăng dầu tại cửa hàng; và thu thuế đối với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài.
“Đối với kinh doanh thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chúng tôi có một số tiêu chí để quản lý, nhưng hiện hầu như khó thu thuế, các giải pháp vẫn đang được bàn bạc. Chúng tôi đã đăng ký lịch làm việc với Facebook để đề nghị hợp tác trong quản lý thuế” - ông Đông nói.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thu Hương - Cục phó Cục Thuế TP.HCM hiện trung tâm dữ liệu của Cục Thuế TP đang lọc thông tin các tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh để tính toán thu thuế. Bà này nói không phải tất cả tài khoản Facebook cá nhân có kinh doanh đều phải nộp thuế mà cơ quan thuế chỉ nhắm đến các tài khoản Facebook cá nhân có doanh số lớn và chưa kê khai thuế.
Còn các tài khoản Facebook chỉ kinh doanh “nghiệp dư”, không thường xuyên, doanh thu thấp sẽ không thuộc diện phải kê khai, nộp thuế. “Sau khi sàng lọc nếu có những trường hợp cơ quan thuế thấy rằng cần thanh tra kiểm tra thì sẽ đưa vào kế hoạch, các trường hợp còn lại thì đôn đốc, nhắc nhở” - bà Hương cho hay.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong năm 2016, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên thị trường thương mại điện tử lên tới 4 tỷ USD, tương đương gần 100.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, với tỷ lệ người dân tiếp cận internet cao cùng với lượng người sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên tới 30-50%/năm với tổng giá trị đạt khoảng 10 tỷ USD/năm. |
Theo Tiền Phong