Chiều 18/12, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty Lavifood và Greenland Business Group đã ký thoả thuận nhập khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam đầu tiên vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu USD trong 2 năm đầu và tăng dần trong các năm tiếp theo.
“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam rất lớn. Trong đó, Đồng Tháp có nhiều lợi thế về hoa, rau, củ, quả. Loại củ quả tươi đã xuất khẩu khá dễ dàng nhưng hy vọng hoa quả sau chế biến sẽ được đẩy mạnh trong tương lai”, ông Yuliang Zhang Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Tập đoàn Green Land bình luận.
Song song đó, tỉnh Đồng Tháp cũng ký biên bản ghi nhớ với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Lavifood để đầu tư chiến lược vào Khu Công nghiệp Chế biến sâu rau củ quả đầu tiên của Việt Nam tại huyện Lấp Vò. Dự án ngay lập tức được 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước ngỏ ý muốn tham gia, nhằm xuất khẩu nông sản tỉnh này đi các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật, châu Âu…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến hàng loạt ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau củ quả tại Đồng Tháp chiều 18/12. |
Cụ thể, một số tên tuổi hàng đầu đáng chú ý như Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).
Sau mặt hàng xoài Cao Lãnh, Global Food Importers đang tiến tới một thỏa thuận xuất khẩu 100 triệu USD với Đồng Tháp trong bối cảnh nhu cầu rau củ quả đông lạnh đang tăng ở Mỹ.
“Thị trường Mỹ chắc chắn sẽ đón chào bất kỳ sản phẩm chất lượng nào của Việt Nam. Các bạn có vụ mùa đa dạng, cho phép chúng tôi có nguồn cung ổn định quanh năm”, đại diện công ty cho hay.
Trong khi đó, Nhật Bản đang đặt vấn đề mua hoa nhiệt đới của Đồng Tháp do sản lượng từ các nhà cung cấp Malaysia và Colombia dự báo sẽ giảm. Hàn Quốc thì mong mỏi sớm tăng danh mục lẫn sản lượng trái cây Việt Nam xuất sang nước này.
“Hiện Hàn Quốc đang có dưới 2,5 triệu nông dân và thiếu nhân lực do đa số là cao tuổi. Thị trường rau củ quả chúng tôi rất phụ thuộc vào nhập khẩu rau. Lúc trước chúng tôi nhập nhiều từ Trung Quốc và Nam Mỹ nhưng các công ty Hàn Quốc đang muốn nhập khẩu rau củ quả từ Việt Nam”, ông Gi-Bog Song - Giám đốc khu vực của Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation nói và khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế.
Trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu rau củ quả Việt Nam tăng trưởng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa cả năm 2016. Ước cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, vượt cả lúa gạo và dầu khí.
Phát biểu ở Diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn” tại Đồng Tháp chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là nỗ lực lớn của người nông dân, ngành nông nghiệp, các địa phương và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng ngành rau củ quả vẫn còn hàng loạt vấn đề. Việt Nam đứng top 50 thế giới về quy mô GDP nhưng giá trị xuất khẩu rau củ quả chiếm 1% toàn cầu là quá nhỏ. Tình trạng “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa” vẫn thường xuyên diễn ra. Năng suất, chất lượng và khâu giống còn nhiều vấn đề. Thất thoát sau thu hoạch rất cao, trên 30%. Giá trị gia tăng của xuất khẩu rau củ quả còn thấp. Trong 3,5 tỷ USD xuất khẩu thì chế biến mới chiếm 8%.
Thủ tướng đề nghị một số giải pháp như hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tận dụng tiến bộ Cách mạng 4.0 để tăng sức cạnh tranh của nông sản. Đặc biệt, cần cải thiện dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng này.
Hiện tỷ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15,4%, Thái Lan là 10,7%, châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và trung bình thế giới là 11,7%. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá xuất khẩu rau củ quả.
“Giá mua xoài tươi thu mua để xuất khẩu là 3 USD nhưng chi phí vận chuyển hết 3-4 USD nữa. Chi phí này đang rất cao, khiến giá đội lên gấp đôi”, ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lavifood nêu ví dụ.
Theo khuyến nghị của ông Richard Courey – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VTG, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nên xem xét tối ưu hoá vận chuyển của sân bay Cần Thơ và kết nối với vận chuyển đường bộ. Vấn đề biến đổi khí hậu cần được quan tâm hơn vì đường sông sẽ bị ảnh hưởng khó lường. Khu vực này cũng có thể xem xét xây dựng hệ thống đường sắt nếu mang lại hiệu quả.
Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Arjo Rothuis – Giám đốc Hợp tác Quốc tế khu vực châu Á của Đại học Wageningen (Hà Lan) cho rằng, phát triển logistics trong nông nghiệp phải chú ý cả ba thành phần. Trong đó, phần cứng là hạ tầng giao thông. Phần thứ hai là cách thức tổ chức trước vấn đề biến đổi khí hậu và yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe. Cuối cùng là phần mềm, tức con người với những kỹ năng và kiến thức cần thiết.
Cũng trong dịp này, tỉnh Đồng Tháp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác Xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng cho tỉnh với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và một liên danh của 3 nhà đầu tư.
Theo VNE