PVN đã bỏ gần 11.000 tỷ đồng vào dự án ở Peru?

Thứ hai, 18/12/2017, 13:14
Khoản chi phí tìm kiếm thăm dò và phát triển mà PVN đã bỏ vào Lô 67 tại Peru tính đến ngày 31/12/2016 là hơn 10,76 nghìn tỷ đồng vẫn chưa xác định rõ hiệu quả trong khi dự án đã tạm dừng khai thác vì điều kiện bất khả kháng kể từ ngày 18/5/2016.


Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2015, ngày 21/6/2012, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) - công ty con của Tập đoàn - đã ký hợp đồng với Công ty Perenco Peru (Holding) Limited để mua 52,631% cổ phần của Công ty Perenco Peru Limited Bahamas (PPL - nay đổi tên thành PVEP Perenco Peru Ltd.), một công ty thành lập tại Bahamas, để sở hữu 50% quyền tham gia tại Hợp đồng dầu khí Lô 67 tại Peru.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, toàn bộ chi phí mua cổ phần và chi phí phát triển dầu khí phát sinh sau thời điểm mua cổ phần được phản ánh vào khoản mục Chi phí phát triển mỏ, đồng thời, kết chuyển sang Chi phí trả trước dài hạn khi có doanh thu.

Theo đó, chi phí thăm dò, phát triển của các mỏ dầu khí đang khai thác bao gồm chi phí tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí của Lô 67 Peru chưa phân bổ đến ngày 31/12/2015 là 11.441.035.851.615 đồng (tương đương khoảng 11,441 tỷ đồng).


Trích báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của PVN.

Ngày 1/12/2014, PVEP đã có công văn gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc phân bổ chi phí các dự án không hiệu quả năm 2014.

Theo công văn này, PVEP đã thực hiện đánh giá hiệu quả của các dự án dầu khí từ thời điểm bắt đầu dự án và đề xuất thực hiện phân bổ vào kết quả kinh doanh chi phí dự tính có thể không thu hồi được trong năm 2014 với số tiền 5.986,31 tỷ đồng (tương đương 298,32 triệu USD) bao gồm: chi phí trả trước dài han: 792,67 tỷ đồng, chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí: 860,95 tỷ đồng và chi phí phát triển mỏ: 4.332,69 tỷ đồng.


Trích báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của PVN.

Báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn mẹ PVN năm 2015 cũng ghi ý kiến của Công ty Kiểm toán Deloitte: "Tập đoàn đang ghi nhận khoản mục "Chi phí trả trước dài hạn" khoản tiền mua 52,361% cổ phần của Công ty Perenco Peru Ltd. (PPL - nay đổi tên thành PVEP Perenco Peru Ltd.), một công ty thành lập tại Bahamas, để sở hữu 50% quyền tham gia tại Hợp đồng dầu khí Lô 67 tại Peru và chi phí phát triển Lô 67 phát sinh sau thời điểm mua cổ phần. Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán về giá trị của các khoản mục trên và các khoản mục liên quan tại ngày 31/12/2015 do chúng tôi chưa thu thập được báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty PVEP Perenco Peru Ltd. cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2015".

Đến báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của PVN, thông tin cho biết, "tập đoàn đang ghi nhận khoản mục "Chi phí trả trước dài hạn" các chi phí tham gia dự án, chi phí tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí chưa phân bổ của Lô 67 Peru tại ngày 31/12/2016 là 10.760.811 triệu đồng...

Theo thông báo của nhà điều hành Lô 67 Peru ngày 1/6/2016, Dự án Lô 67 Peru đã tạm dừng khai thác vì điều kiện bất khả kháng kể từ ngày 18/5/2016.

Đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn chưa xác định được chính xác thời gian khai thác trở lại của Dự án Lô 67 Peru và đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan có thẩm quyền để xác định phương án xử lý vấn đề trên".

Trích báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của PVN.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất 2016, Công ty Kiểm toán Deloitte cho biết: "Chúng tôi không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về khả năng thu hồi các khoản chi phí trả trước dài hạn này tại ngày 31/12/2016. Do đó chúng tôi không thể xác được liệu có cần thiết phải điều đỉnh các số liệu này không"


Như vậy, đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất 2016 của PVN, tức ngày 25/7/2017 theo ngày ký của Tổng giám đốc PVN, các khoản chi phí tìm kiếm thăm dò và phát triển mà PVN đã đầu tư vào Lô 67 Peru đến ngày 31/12/2016 là 10.760.811 đồng chưa xác định rõ khả năng thu hồi trong khi dự án đã tạm dừng khai thác vì điều kiện bất khả kháng kể từ ngày 18/5/2016.

Theo PVN, dự án Lô 67 Peru với diện tích lên tới 1.019 km2, nằm ở phía Tây Bắc Peru thuộc khu vực bồn trũng Maranon, rừng Amazon. Toàn lô có 3 cụm mỏ là Dorado - Pirana - Paiche chứa dầu trong đá trầm tích được phát hiện năm 1998, với trữ lượng thu hồi dự kiến là 210 triệu thùng dầu. Đây là dự án khai thác dầu nặng, phi truyền thống được hợp tác giữa PVEP và Tập đoàn Dầu khí Perenco.

Chưa rõ lý do bất khả kháng khiến dự án ở Peru phải tạm dừng là gì khi quy mô dự án này lớn tương đương dự án của PVN ở Venezuela.

Dự án khai thác dầu khí của PVN ở Venezuela đến nay vẫn đặt dấu hỏi về tương lai khi cũng đang trong tình trạng tạm dừng chưa biết ngày khởi động trở lại, hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách đã bỏ ra nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao.

Theo Nhà đầu tư

Các tin cũ hơn