'Uber, Grab không đáp ứng được điều kiện thì mời rời khỏi Việt Nam'

Thứ sáu, 09/03/2018, 09:10
Đấy là khẳng định của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 8/3 tại phiên họp xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu dự thảo nghị định mới phải quản lý được Uber, Grab.

Điều kiện nào cho Uber, Grab?

Theo nội dung Dự thảo Nghị định được cung cấp tại phiên họp, các định nghĩa về kinh doanh vận tải được làm rõ hơn, trong đó bao hàm cả một phần, hoặc toàn bộ công đoạn vận tải (gồm cả thực hiện các công đoạn qua phần mềm điện tử). Điều này được hiểu, hình thức kinh doanh của Uber, Grab và tương tự được xem là kinh doanh vận tải, không phải kinh doanh công nghệ. Tuy vậy, dự thảo vẫn chưa làm rõ được việc xếp Uber, Grab là vận tải hành khách theo hợp đồng, hay hoạt động taxi.

Ngay đầu phiên bàn thảo, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm, những thay đổi phải chặt chẽ, đặc biệt liên quan tới quản lý Uber, Grab và loại hình tương tự. Không chấp nhận những quy định “lập lờ, thiếu rõ ràng”. Theo ông Thể, nếu xây dựng nghị định không tốt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Về hoạt động của các hãng taxi ứng dụng công nghệ (Uber, Grab), ông Thể khẳng định: Đó bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện. Thậm chí, Grab taxi cũng có chữ taxi, vậy tại sao không phải taxi? Trong khi đó, thời gian qua phát sinh nhiều bất cập liên quan trách nhiệm của các hãng với lái xe và hành khách...

Theo ông Thể, nếu Uber, Grab là kinh doanh công nghệ, Bộ GTVT không quản lý, phải chuyển cho Bộ Công Thương chịu trách nhiệm. “Nếu lần sửa đổi này không quản lý được Uber, Grab để đảm bảo cạnh tranh công bằng, an toàn cho hành khách, lái xe, giao thông... sẽ nhất quyết không ký trình Thủ tướng”, ông Thể khẳng định.

Người đứng đầu ngành Giao thông hoan nghênh sử dụng công nghệ mới, nhưng phải tuân thủ pháp luật và gắn với trách nhiệm. “Nếu Uber, Grab không đáp ứng được điều kiện kinh doanh thì mời rời khỏi Việt Nam”, ông Thể nói. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình soạn thảo, các thành viên tham gia đều tranh luận rất nhiều về giải pháp quản lý các loại hình kinh doanh vận tải mới và khi lấy ý kiến rộng rãi cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Phan Thị Thu Hiền nêu quan điểm, quy định mới cần đưa Uber, Grab vào nhóm vận tải taxi và thực hiện theo các điều kiện kinh doanh taxi. “Nếu Uber, Grab đưa vào nhóm vận tải hành khách bằng taxi, sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề phát sinh hiện nay”, bà Hiền nói. Theo đó, nếu sửa đổi theo hướng trên, Uber muốn hoạt động tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam, hiện Uber chưa đáp ứng điều kiện này).

Sau khi nghe ý kiến các bên liên quan tới đề xuất phương án quản lý Uber, Grab, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến để có đề xuất chỉnh sửa quy định cho hợp lý. Theo ông Thể, cơ quan quản lý mong muốn Uber, Grab và tất cả doanh nghiệp vận tải cùng phát triển, nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho hành khách, đảm bảo quyền lợi lái xe, nghĩa vụ thuế... Sau khi nghị định mới được ban hành sẽ chấm dứt thí điểm hoạt động Uber, Grab theo Quyết định 24 (thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng).

Cho mở bến xe trong nội đô?

Liên quan tới quản lý và xử lý tình trạng xe chạy tuyến cố định trá hình dưới hình thức xe hợp đồng (như xe limousine), xe chạy xuyên tâm thành phố, bến cóc... Dự thảo lần này sửa đổi theo hướng “hợp thức hóa” để quản lý. Theo đó, cho phép các địa phương được cấp phép các bến xe khách nhỏ, nằm trong trung tâm.

Bà Phan Thị Thu Hiền lập luận, hiện tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy xuyên tâm thành phố... đang rất phức tạp, hàng chục năm qua vẫn chưa xử lý được. Điều này do nhu cầu đi lại của người dân với các loại xe đi vào trung tâm thành phố, đưa đón tận nơi như xe limousine là có. Do đó, các thành viên soạn thảo đề xuất cấp phép để quản lý, thay vì cấm như quy định hiện hành.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Thể tỏ ra băn khoăn với đề xuất trên. Ông đọc tại hội nghị tin nhắn của một người dân gửi tới ông về đề xuất trên, người này lo ngại cho phép địa phương cấp phép cho các bến xe nhỏ, ở bất kể đâu sẽ dẫn tới tình trạng “loạn” bến xe ở các thành phố lớn.

“Loạn bến cóc, xe dù, xe chạy xuyên tâm là do công tác quản lý, xử lý vi phạm chưa tốt. Nhưng không phải vì thế mà mở ra để thừa nhận nó, dẫn tới tình trạng bến xe mọc lên như nấm sau mưa, phố nào cũng có, sao người dân chịu nổi. Điều này tổ soạn thảo cần rà soát lại và giải trình cụ thể, nếu thuyết phục mới sửa lại, nếu không vẫn để như quy định hiện hành”, ông Thể nói.

Dự kiến trong tháng 3 này Bộ GTVT sẽ phải trình Thủ tướng dự thảo nghị định trên.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu tổ soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, bổ sung quy định với lái xe kinh doanh vận tải. Theo đó, lái xe kinh doanh vận tải phải được tập huấn, đào tạo về chuyên ngành mới được hoạt động (phải có chứng chỉ nghiệp vụ mới được hoạt động lái xe kinh doanh). “Đây không phải thêm thủ tục, mà yêu cầu để đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải”, ông Thể nói thêm.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn