“Đến hẹn lại lên”, tình trạng nông dân “khóc ròng” vì thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua lại diễn ra. Và lần này, thanh long là sản phẩm bị “ghẻ lạnh”. Thương lái Trung Quốc ngừng mua khiến thanh long giá rớt xuống còn 2.000 - 4.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều loại không bán được, chín đỏ ngoài ruộng.
PV đã có cuộc phỏng vấn ông Tống Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia về tình trạng thanh long nói riêng và nông sản nói chung bị rớt giá khi thương lái Trung Quốc ngừng mua.
Hàng trăm ngàn tấn thanh long tại nhiều vùng trồng trong cả nước đang tồn đọng, không bán được khiến người nông dân lao đao. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là gì?
Thứ nhất, sức sản xuất của nông dân Việt Nam đang rất tốt, rất mạnh so với trước đây. Mọi sản lượng cây trồng, vật nuôi, trong đó có thanh long ngày càng phát triển.
Giá thanh long hiện tại đang rất thấp, thậm chí không có người mua. |
Thế nhưng, giá thanh long đợt này lại giảm mạnh. Đó là do thương lái Trung Quốc ngừng mua. Từ xưa đến nay, đầu ra nông sản của chúng ta chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Đầu ra cho nông sản rất đơn điệu, không đa dạng, phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thanh long giảm sâu. Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, nông dân không có chỗ nào tiêu thụ.
Cũng cần phải nhắc đến một nguyên nhân sâu xa nữa đó chính là nông dân của chúng ta có xu hướng sản xuất đại trà, không đạt tiêu chuẩn thế giới nên đầu ra cứ mãi phụ thuộc vào thị trường dễ tính là Trung Quốc.
Như vậy, lỗi là do người nông dân, chứ không có trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Nhà quản lý không nên đổ tại bà con không theo quy hoạch trồng. Đấy là vấn đề mà chúng ta không quản lý được. Cần phải hiểu không phải do người nông dân sản xuất quá nhiều mà phải hiểu bà con sản xuất không theo định hướng nâng cao chất lượng.
Ông Tống Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia khẳng định, chúng ta phải tự tìm cách cứu mình bằng cách sản xuất sản phẩm chất lượng tốt. |
Bà con trồng đại trà, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu, Đông Nam Á. Nhưng bà con không chịu thay đổi để đưa hàng hóa được sang thị trường này mà vẫn hài lòng với thị trường Trung Quốc dễ tính. Người nông dân chủ yếu trông chờ thị trường này nên khi thị trường này đóng cửa, sản phẩm phải vứt bỏ hết.
Theo ông, trong câu chuyện thanh long rớt giá lần này và các nông sản rớt giá trước đó, có hay không việc thương lái Trung Quốc làm giá?
Không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc làm giá. Chúng ta đã có rất nhiều bài học trước đó. Rất nhiều cây trồng, vật nuôi rơi vào tình cảnh rớt giá thảm hại khi thương lái Trung Quốc ngừng mua. Và chúng ta nghi thương lái Trung Quốc làm giá.
Người nông dân không bán được thanh long, chịu thiệt hại kinh tế rất lớn |
Vậy cần phải có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Biện pháp quan trọng nhất chính là khuyến cáo bà con trồng đến đâu, mở rộng sản xuất đến đâu thì phải đạt tiêu chuẩn chất lượng đến đó. Không nên đặt nặng vấn đề trồng nhiều mà phải tập trung nâng cao chất lượng.
Nhà nước và ngành nông nghiệp phải tìm đầu ra cho người nông dân, nên tìm thêm các đối tác châu Âu, Đông Nam Á. Nhà nước nên để cho nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp lo đầu ra cho nông dân. Đây là bài toán từ xưa đến nay chúng ta cứ nói nhưng không thực hiện được.
Còn làm bằng cách nào thì phụ thuộc vào chính sách. Nhà nước cần phải thay đổi tư duy. Đừng bảo người nông dân phải sản xuất bao nhiêu theo quy hoạch của tôi, hay áp tỉnh nào sản xuất trên bao nhiêu nghìn ha. Phải đảm bảo đầu ra và chất lượng. Đó mới là biện pháp lâu dài.
Gần đây, mỗi khi nông sản rớt giá, cộng đồng mạng thường xuyên kêu gọi “giải cứu nông sản”. Ông có đồng tình với cách làm này không?
Tôi cho rằng nên bỏ cách làm này vì giải cứu chỉ mang tính cấp bách, tình thế. Nếu cứ làm mãi, bà con dựa vào đó, cứ nghĩ trồng cây, nuôi lợn mà không bán được thì đã có giải cứu. Tôi nghĩ phải dẹp bỏ cách làm này trong thời gian ngắn nhất.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo VTC