|
Thép là mặt hàng có nguy cơ cao bị kiện phòng vệ thương mại |
Sáng nay, 9.8, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các vụ, cục liên quan đến các vụ việc hàng hoá Việt Nam xuất khẩu bị các nước kiện liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM).
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, trong 7 tháng qua, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện nay, Bộ Công thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) do các đối tác khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc liên quan đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, cho rằng trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản…, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại chỗ (ví dụ như thép, nhôm) nếu xuất khẩu của ta sang tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của ta.
Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho hay, lâu nay, ấn tượng vẫn là hàng Việt bị kiện PVTM tại thị trường châu Âu, châu Mỹ nhưng gần đây, hàng Việt đã phải đối diện với 21 vụ kiện PVTM tại khu vực châu Á, nổi lên là từ các thị trường trong khu vực ASEAN, nhất là từ Ấn Độ.