|
Ảnh minh họa. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 7/2019 của Việt Nam ước đạt 620.028 tấn, với trị giá 271,735 triệu USD. So với tháng 7/2018 tăng 62,31% về lượng, tăng 39,35% về giá trị.
Theo đó, 7 tháng năm 2019, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,976 triệu tấn gạo, với kim ngạch ước đạt 1,72 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 1,79% về lượng, nhưng giảm 14% về kim ngạch.
Từ tháng 1/2019 cho đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh về khối lượng lẫn giá trị, và Trung Quốc đã để mất vị trí số 1 vào tay thị trường Philippines.
Tuy nhiên, Philippines sắp vào vụ thu hoạch và chính phủ nước này có chính sách kiềm chế nhập khẩu khi vào mùa thu hoạch, vì vậy, các thương nhân kinh doanh gạo ở TP.HCM đang lo lắng vì Philippines chắc chắn sẽ cấm nhập khẩu gạo trong giai đoạn thu hoạch lúa vào tháng 9 tới, để đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, năm 2019 Trung Quốc duy trì hạn ngạch nhập khẩu gạo ở 5,32 triệu tấn nhưng được dự báo chỉ nhập khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Nhập khẩu gạo của thị trường lớn nhất - Trung Quốc giảm mạnh khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam lao đao kéo theo nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất của người nông dân.
Dù đã lường trước những khó khăn nhưng trước diễn biến này sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa theo kịp! Do vậy, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải tự nhìn nhận sai sót của mình trước khi đổ lỗi cho các nguyên nhân khác về xuất khẩu gạo suy giảm.
Nông dân và các nhà xuất khẩu gạo đã được cảnh báo từ lâu về việc Trung Quốc có kế hoạch kiểm soát gắt gao các hoạt động nhập khẩu gạo, vì trước đó, Trung Quốc đã có dựng lên hàng rào kỹ thuật và có lịch trình áp dụng các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc gạo nhập khẩu.
Cùng lúc nhập khẩu gạo, theo báo cáo từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Trung Quốc đạt 830.000 tấn, tăng 112,4% so với cùng kỳ năm 2018, gần tương đương với lượng nhập khẩu gạo. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực trở thành nước xuất khẩu gạo.
Đối với Việt Nam, chính sách của Trung Quốc về phát triển xuất khẩu gạo đang mang đến bất lợi kép, bởi cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng xuất khẩu chủ yếu gạo giá thấp. Do vậy, gạo cấp thấp của Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường gạo thế giới.
Từ năm 2017, gạo Trung Quốc đã mở rộng thị phần tại khu vực châu Phi và tại Địa Trung Hải. Hoạt động xuất khẩu gạo Trung Quốc cũng đang nỗ lực thâm nhập vào các thị trường châu Á và châu Phi.
Theo BizLive